Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Kinh nghiệm một số quốc gia trong việc bảo vệ môi trường biển do nguồn ô nhiễm từ đất liền

20/07/2020

    Biển và đại dương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và nguồn ô nhiễm chủ yếu là từ đất liền với khoảng 80% tổng số ô nhiễm vào biển và đại dương. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) biển do nguồn từ đất liền (LBS), các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã xây dựng và thông qua nhiều cam kết quốc tế bắt buộc và không bắt buộc về mặt pháp lý ở toàn cầu và ở cấp khu vực.

   Ở cấp độ toàn cầu, bên cạnh Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và một số điều ước quốc tế liên quan, thì một loạt các thỏa thuận quốc tế đã được thông qua, trong đó có nội dung về BVMT biển do LBS như Chương trình Nghị sự 21; Tuyên bố Washingon và Chương trình hành động toàn cầu về BVMT biển do LBS năm 1995 (GPA), Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, các quốc gia đã nỗ lực xây dựng và thông qua các cam kết quốc tế ở khu vực và triển khai thực hiện ở cấp độ quốc gia. Thông qua kinh nghiệm của Israel, Ôxtrâylia và Bangladesh trong việc nỗ lực ở cấp quốc gia, hợp tác khu vực, toàn cầu về BVMT biển do LBS sẽ là bài học quý cho Việt Nam.

1. Israel

    Vùng biển Israel nằm ở khu vực biển Địa Trung Hải có các nguồn năng lượng tiềm năng to lớn và là nguồn chính để sản xuất nước cho tiêu dùng và chứa đựng các tài nguyên thiên nhiên, di sản có giá trị. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế từ đất liền đã và đang đe doạ đến môi trường biển của nước này. Một loạt các giải pháp đồng bộ đã được Chính phủ Israel quan tâm, cụ thể:

Tham gia các cam kết toàn cầu

    Mặc dù Israel chưa phải là thành viên của UNCLOS, tuy nhiên, Chính phủ Israel tham gia hầu hết các hội nghị, hội thảo quốc tế quan đến LBS và các cam kết quốc tế không bắt buộc liên quan đến LBS. Chính phủ Israel tham gia và thông qua Chương trình Nghị sự 21 và Chương trình Nghị sự 2030. Chính phủ Israel cũng tham dự và thông qua Tuyên bố Washington và GPA, đồng thời tham gia Hội nghị liên Chính phủ đánh giá việc thực hiện GPA và ra các tuyên bố vào năm 2001, 2007 và 2018.

Tham gia cam kết và hợp tác khu vực

    Israel là một trong những quốc gia ở khu vực biển Địa Trung Hải, nơi được xem là khu vực đầu tiên xây dựng các khung khổ pháp lý ở khu vực để kiểm soát ô nhiễm (KSÔN) môi trường biển do LBS. Công ước về BVMT biển và vùng ven biển Địa Trung Hải được ban hành năm 1995 (Công ước Barcelona) và có hiệu lực từ ngày 9/7/2004. Công ước này được sửa đổi từ Công ước bảo vệ biển Địa Trung Hải chống ô nhiễm thông qua năm 1976.

    Bên cạnh nghĩa vụ chung trong BVMT biển, Công ước còn quy định riêng một điều về BVMT do LBS, theo đó các Bên ký kết sẽ thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để ngăn chặn, loại bỏ, chiến đấu và ở mức độ tối đa có thể loại bỏ ô nhiễm của vùng biển Địa Trung Hải, đưa ra và thực hiện các kế hoạch giảm và loại bỏ các chất độc hại, chất hữu cơ khó phân hủy và các chất tích lũy sinh học từ các nguồn từ đất liền.

    Thực hiện nội dung của Công ước Barcelona, Nghị định thư về bảo vệ biển Địa Trung Hải chống ô nhiễm do LBS được thông qua năm 1996, trên cơ sở sửa đổi của Nghị định thư về BVMT biển do LBS năm 1980. Nghị định thư quy định danh mục các chất độc hại, các chất hữu cơ khó phân hủy và có khả năng tích lũy sinh học phải được loại bỏ từ yếu tố đầu vào từ các nguồn và hoạt động từ đất liền; các quốc gia thành viên phải tự mình và hợp tác để xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình, biện pháp hành động cụ thể để đạt được mục tiêu chung của khu vực.

    Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực còn xây dựng và thực hiện Chương trình hành động chiến lược nhằm giải quyết ô nhiễm do LBS ở khu vực Địa Trung Hải, theo đó xác định các loại mục tiêu ưu tiên của các chất và hoạt động gây ô nhiễm sẽ được các nước Địa Trung Hải loại bỏ hoặc kiểm soát theo thời gian biểu theo kế hoạch (2000 - 2025); Chương trình đánh giá và KSÔN biển ở Địa Trung Hải được xây dựng và thực hiện từ năm 1975 đến nay; Kế hoạch khu vực về giảm lượng BOD5 từ nước thải đô thị năm 2009; Kế hoạch khu vực về việc loại bỏ Aldrin, Chlordane, Dieldrin, Endrin, Heptachlor, Mirex và Toxaphene năm 2009; Kế hoạch khu vực về việc loại bỏ DDT năm 2009; Kế hoạch khu vực về quản lý rác biển ở Địa Trung Hải năm 2013,…

Xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chống lại ÔNMT biển do LBS (NPA)

    Ở cấp quốc gia, Israel đã chuẩn bị NPA đầu tiên vào năm 2005, thông qua năm 2006 và cập nhật vào năm 2015. NPA xác định các nguyên nhân chính gây ra tình trạng xả rác và ô nhiễm biển trên bờ Israel và chỉ định các địa điểm bị ô nhiễm cần phục hồi. NPA cũng xác định các biện pháp được thực hiện để bảo vệ môi trường Địa Trung Hải, đồng thời thiết lập các ưu tiên và thời gian cụ thể.

    Năm 2015, NPA bổ sung đã xác định các vấn đề chính của ÔNMT biển do LBS gồm rác biển; nước thoát mặt đô thị, nguồn nước ven biển; điểm nóng và khu vực nhạy cảm. NPA tập trung vào các phương pháp giám sát khác nhau, một số đã được chứng minh và một số thử nghiệm và đặt ra các mục tiêu dài hạn trong chế độ giám sát và truy cập công khai vào dữ liệu. NPA cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương trong các nỗ lực giám sát và làm sạch. Đồng thời, NPA đã xác định các mục tiêu và nội dung cụ thể để giải quyết các vấn đã được xác định, gồm: Kế hoạch hành động chi tiết để giảm thiểu ô nhiễm và chất thải trong các nguồn nước ven biển; Kế hoạch hành động chi tiết để giảm thiểu ô nhiễm do thoát mặt đô thị; Kế hoạch hành động chi tiết cho các điểm nóng/Khu vực nhạy cảm.

Xây dựng và tổ chức thực thi văn bản quy phạm pháp luật

     Hiếm có quốc gia nào như Israel thông qua một đạo luật riêng về ô nhiễm biển do LBS. Ngay từ năm 1988, Israel đã thông quan Luật Phòng chống ô nhiễm biển do LBS, trong đó quy định việc nghiêm cấm xả chất thải và nước thải ra biển trong mọi trường hợp khi có các biện pháp thay thế thích hợp cho môi trường thực tế và kinh tế để xử lý hoặc tái sử dụng trên đất liền. Luật cũng ủy quyền cho một ủy ban liên bộ do Bộ BVMT chủ trì cấp giấy phép cho các cơ sở xả nước và nước thải ra biển khi không có giải pháp thay thế tốt hơn như: Kết nối với hệ thống nước thải đô thị; Tái chế các chất liệu; Xử lý chất liệu tại nguồn,... Một cơ sở được cấp giấy phép xả thải, họ vẫn có nghĩa vụ xử lý nước thải, thông qua việc sử dụng công nghệ có sẵn tốt nhất trước khi xả nó.

2. Ôxtrâylia

    Các vùng biển thuộc quyền tài phán của Ôxtrâylia lớn thứ ba thế giới, với 13,86 triệu km2. Đây là nơi sinh sống của một loạt các loài sinh vật biển, bao gồm động vật có vú và bò sát biển, đóng góp vào lối sống của nhiều người Ôxtrâylia, 85% dân số sống trong phạm vi 100 km của đại dương. Các áp lực từ hoạt động từ đất liền đã và đang đe doạ đến môi trường và hệ sinh thái biển và ven bờ. Cùng với cộng đồng quốc tế, Ôxtrâylia tích cực và chủ động tham gia các cam kết quốc tế ở toàn cầu, khu vực và quốc gia để giải quyết những thách thức do LBS.

Tham gia các cam kết quốc tế toàn cầu

    Ôxtrâylia chính thức là thành viên của UNCLOS từ năm 1994. Đối với các thoả thuận quốc tế khác không phải là điều ước quốc tế, Ôxtrâylia đã tham gia và thông qua Chương trình Nghị sự 21 năm 1992, Chương trình Nghị sự 2030. Tiếp tục thực hiện Chương trình Nghị sự 21, Chính phủ Ôxtrâylia đã tham gia Hội nghị liên chính phủ tại Washington năm 1995 để thông qua Tuyên bố Washington về BVMT biển do LBS và GPAvà đã tham dự Hội nghị liên chính phủ năm 2001 để đánh giá 5 năm thực hiện GPA và ra Tuyên bố Montreal 2001.

Tham gia các cam kết và hợp tác khu vực

    Trong khu vực Nam Thái Bình Dương, Ôxtrâylia cùng các quốc gia trong khu vực đã thông qua Công ước bảo vệ tài nguyên và môi trường của khu vực Nam Thái Bình Dương năm 1986 (Công ước Noumea). Công ước này điều chỉnh phạm vi 200 hải lý của các quốc gia ký kết và vùng biển xung quanh. Các bên sẽ nỗ lực ký kết các thỏa thuận song phương hoặc đa phương, bao gồm các thỏa thuận khu vực hoặc tiểu vùng để bảo vệ, phát triển và quản lý môi trường biển và ven biển của khu vực Công ước.

    Công ước cũng đã quy định các nghĩa vụ cụ thể kiểm soát LBS: “Các bên sẽ thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để ngăn chặn, giảm thiểu và KSÔN trong khu vực Công ước do xả thải vùng ven biển hoặc do chất thải phát ra từ sông, cửa sông, cơ sở ven biển, công trình thoát nước hoặc bất kỳ nguồn nào khác trong lãnh thổ của họ”. Cũng liên quan đến LBS, Công ước còn quy định việc BVMT biển do nguồn ô nhiễm từ khí quyển; việc lưu trữ các chất thải độc hại; ô nhiễm biển do việc khai thác và làm xói mòn bờ biển,… Ngoài ra, Công ước còn quy định nghĩa vụ đánh giá tác động tiềm năng của các dự án đối với môi trường biển để có thể thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn bất kỳ sự ô nhiễm đáng kể nào, hoặc những thay đổi đáng kể và có hại trong khu vực Công ước; quy định về việc hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong việc ứng phó với sự cố ô nhiễm trong Công ước.

    Ở khu vực Thái Bình Dương, Ôxtrâylia đang đầu tư 16 triệu đô la vào Dự án rác thải Thái Bình Dương để giảm nguồn rác thải biển ở Thái Bình Dương giai đoạn 2019 - 2025. Dự án tập trung vào các loại rác nhựa sử dụng một lần phổ biến nhất như túi nhựa, bao bì nhựa đóng gói thực phẩm, ống hút nhựa và chai nhựa. Ngoài ra, Ôxtrâylia cũng tích cực trong hợp tác khu vực khác để xử lý các nguồn rác thải biển như: Sáng kiến ​​tam giác san hô, Cơ quan Điều phối Biển Đông Á và Nhóm công tác bảo tồn tài nguyên biển của hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương,…

Xây dựng và thực hiện NPA

    NPA của Ôxtrâylia được xây dựng và thông qua năm 2006. Không giống như NPA của các quốc gia khác là xác định các hành động cụ thể để đối phó với ÔNMT biển do LBS, NPA của Ôxtrâylia chủ yếu là tập hợp các hành động đã và đang triển khai và được tập hợp trong NPA để đáp ứng yêu cầu GPA. Trong NPA, các hoạt động được phân loại thành các cấp độ ở quy mô khác nhau gồm: quốc gia - nỗ lực hợp tác của tất cả các Chính phủ Ôxtrâylia; song phương (giữa hai tiểu bang); tiểu bang hoặc lãnh thổ; chính quyền địa phương; các tổ chức phi chính phủ và ngành công nghiệp. NPA tổng hợp một số bài học kinh nghiệm và các yếu tố của bất kỳ phương pháp thực hành tốt nào để quản lý các hoạt động trên đất liền. Các yếu tố này cung cấp định hướng cho các hoạt động tiếp theo. NPA đi kèm với một đĩa CD gồm 24 nghiên cứu trường hợp và cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm trên mạng gồm 199 hành động nhằm BVMT biển do các hoạt động trên đất liền.

Xây dựng và tổ chức thực thi văn bản quy phạm pháp luật

    Ôxtrâylia không có luật riêng quy định về BVMT biển. Ôxtrâylia có các đạo luật ở cấp liên bang và cấp bang để phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát tại nguồn có nguy cơ gây ÔNMT biển do LBS. Chính phủ Ôxtrâylia đã ban hành Đạo luật BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học 1999. Đạo luật nghiêm cấm các hành động có hoặc có khả năng có tác động đáng kể đến các giá trị môi trường liên quan đến đất đai khối thịnh vượng chung hoặc đối với một vấn đề có ý nghĩa môi trường quốc gia. Đạo luật này cũng quy định việc phê duyệt, cấp phép và đánh giá phát triển đối với các hành động có khả năng có tác động đáng kể đến vấn đề về môi trường quốc gia (NES). Tất cả các nguồn gây ô nhiễm biển từ LBS trong GPA đều được bao gồm vì Đạo luật quy định bất kỳ hoạt động nào có thể ảnh hưởng đến vấn đề NES hoặc vùng đất chung và đặc biệt có liên quan đến vùng đất ngập nước được liệt kê của Ramsar và Khu vực di sản thế giới như Great Barrier Reef và vùng nhiệt đới ẩm ướt đều phải kiểm soát.

    Ngoài ra, Đạo luật Công viên biển Rạn san hô Great Barrier năm 1975 được ban hành cũng góp phần BVMT biển do LBS. Các tiểu Bang cũng ban hành các luật của mình để BVMT biển nói chung và BVMT biển do LBS nói riêng.

3. Bangladesh

    Vùng biển của Bangladesh khoảng 118.813 km2, với hệ thực vật, động vật phong phú, các mỏ khoáng sản và trữ lượng tốt hải sản khai thác thương mại. Ở Bangladesh, LBS được đánh giá gồm ba nguồn chính: chất thải từ đô thị; chất thải công nghiệp (bao gồm cả các hoạt động phá dỡ tàu); chất thải nông nghiệp. Trong những năm qua, Bangladesh luôn nỗ lực để BVMT biển do LBS bằng các biện pháp khác nhau.

Tham gia các cam kết quốc tế toàn cầu

    Bangladesh là thành viên chính thức củaUNCLOS năm 2001. Đối với thỏa thuận quốc tế không bắt buộc, Bangladesh được xem là một trong những quốc gia tích cực nhất tham gia tất cả các hội nghị về việc BVMT biển do LBS. Bangladesh tham gia Chương trình Nghị sự 21, Chương trình Nghị sự 2030; tham gia hội nghị thông qua Tuyên bố Washington và GPA năm 1995. Đại diện của Chính phủ Bangladesh có mặt tại các Hội nghị liên Chính phủ để đánh giá việc thực hiện GPA và thông qua các tuyên bố vào năm 2001, 2007, 2012 và 2018.

Tham gia hợp tác khu vực

    Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển ở khu vực biển Nam Á (SAS) do LBS,Bangladesh cùng các quốc gia trong khu vực đã thành lập Chương trình môi trường hợp tác Nam Á (SACEP) năm 1982 nhằm thúc đẩy và hỗ trợ bảo vệ, quản lý và cải thiện môi trường biển trong khu vực. SACEP thiết lập một tầm nhìn dựa trên ba nhận định: (1) Nhận thức về suy thoái môi trường gây ra bởi các yếu tố như nghèo đói, dân số, tiêu dùng quá mức và sản xuất lãng phí đe dọa sự phát triển kinh tế và sự sống còn của con người; (2) Sự tích hợp giữa môi trường và phát triển là điều kiện tiên quyết thiết yếu cho phát triển bền vững và (3) Tầm quan trọng của hành động hợp tác ở SAS nơi có nhiều vấn đề sinh thái và phát triển vượt qua ranh giới quốc gia và hành chính. Đến nay, "Một môi trường lành mạnh, xã hội kiên cường và thịnh vượng khu vực cho các thế hệ hiện tại và tương lai" là tầm nhìn của SACEP trong suốt thập niên 2020 – 2030. Bên cạnh các biện pháp chung để BVMT biển,SACEP giải quyết một loạt vấn đề lớn từ đất liền đe dọa môi trường biển như ô nhiễm biển các chất dinh dưỡng và cụ thể là Nitơ bằng việc việc thành lập Trung tâm Nitơ ở SAS; vấn đề rác thải biển thông qua việc xây dựng khung quản lý xả rác biển tại khu vực SAS vào năm 2017.

    Ngoài ra, Bangladesh cũng tích cực tham gia hợp tác BVMT biển do LBS trong vịnh Bengals. Hệ sinh thái biển lớn vịnh Bengal (BOBLME) là một trong 64 hệ sinh thái biển lớn (LMEs) được công nhận trên toàn thế giới. Các quốc gia trong khu vực BOBLME đã xây dựng kế hoạch quản lý chiến lược khu vực (SAP). Theo đó, các vấn đề ưu tiên cao nhất của LBS trong khu vực liên quan đến nước thải, nông nghiệp/nuôi trồng thủy sản và công nghiệp. Ngoài ra, còn có vấn đề việc tích tụ các chất ô nhiễm qua các dòng sông, dòng chảy, lũ lụt và xuyên biên giới của các chất ô nhiễm qua các con sông quốc tế. Thêm vào đó, Chương trình vịnh Bengalđã được xây dựng và đề xuất một số hoạt động nhằm hỗ trợ các quốc gia trong tiểu khu vực này đáp ứng các nghĩa vụ của họ trong việc quản lý và BVMT biển và ven biển.

Xây dựng và thực hiện NPA

    Bangladesh đã xây dựng và thông qua NPA năm 2016, trong đó xác định 15 vấn đề là nguồn gây ô nhiễm biển và ven biển chính gồm: Chất thải công nghiệp (bao gồm cả phá dỡ tàu); Xử lý nước thải; Quản lý chất thải rắn; Hóa chất nông nghiệp và PoP; Phá rừng; Xâm nhập mặn; Đô thị hóa nhanh; Xói mòn ở vùng ven biển; Khai thác tài nguyên ven biển; Tài nguyên dầu khí và khoáng sản; Nuôi tôm; Đánh bắt cá và chế biến cá ven biển; Du lịch ven biển; Thay đổi sử dụng đất; Khí hậu thay đổi.

    Đối với mỗi vấn đề chính, 4 khía cạnh chính được phân tích gồm (áp lực; hiện trạng; tác động và phản ứng). Trong khi lựa chọn các mục tiêu quản lý cho các vấn đề ưu tiên, các khía cạnh môi trường, bài học rút ra từ các sáng kiến ​​thí điểm, sinh kế bền vững và các khía cạnh kinh tế được đưa ra để cân nhắc cẩn thận. Sự đồng bộ với tài liệu Chiến lược giảm nghèo và kế hoạch quản lý tổng hợp vùng ven biển đã được xác định và xem xét cẩn thận trong NPA.

    Từ các vấn đề ưu tiên nêu trên, 7 Chiến lược mở rộng đã được xác định để bảo vệ tài nguyên ven biển và biển khỏi các hoạt động trên đất liền và từ đất liền, bao gồm: Quản lý chất thải hợp lý (bao gồm cả hóa chất và thuốc trừ sâu trước đây, chất thải rắn và nước thải); Quản lý chất thải công nghiệp đúng cách; Tăng cường trồng rừng ven biển; Xây dựng năng lực (Đào tạo, nhận thức, nghiên cứu và giám sát); Đánh giá yêu cầu dòng chảy môi trường và xâm nhập mặn; Thành lập thư mục cơ sở dữ liệu trung tâm; Đảm bảo sẵn sàng cho việc thích ứng với thiên tai. Để thực hiện các chiến lược, 7 chương trình hành động và 12 hoạt động chính đã được xác định với thời gian và kinh phí cụ thể.

Văn bản quy phạm pháp luật

    Bangladesh không có luật riêng quy định về BVMT biển và cũng như BVMT biển do LBS, mà việc BVMT biển được quy định trong Đạo luật bảo tồn môi trường (BEC) năm 1995 (sửa đổi 1997 và 2010). Đây được xem là luật chính về BVMT để ngăn chặn tổng thể sự ô nhiễm. BEC năm 1995 quy định về việc cải thiện chất lượng của các tiêu chuẩn môi trường, tính bền vững của bảo tồn và giảm thiểu ÔNMT và KSÔN môi trường. Trong Phần 2 của Đạo luật BEC đã định nghĩa một cách thấu đáo thuật ngữ “ô nhiễm” quy định gián tiếp về ô nhiễm biển, mặc dù thuật ngữ ô nhiễm biển không được đưa vào cụ thể trong Đạo luật BEC. Ngoài ra, BEC năm 1995 trao quyền cho Chính phủ Bangladesh đề xuất và xây dựng các hướng dẫn môi trường phù hợp.

4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

   Mỗi quốc gia tùy theo điều kiện về nguồn lực, khoa học kỹ thuật, ban hành các chính sách, pháp luật ở các thời điểm khác nhau để hướng tới việc kiểm soát hiệu quả LBS gây ra ÔNMT biển. Các quốc gia, cụ thể như Ôxtrâylia, Israel và Bangladesh đều là các quốc gia rất chủ động và tích cực trong việc giải quyết ô nhiễm biển do LBS. Sau đây là một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:

Việc tham gia các cam kết quốc tế và hợp tác khu vực về BVMT do LBS

    Các quốc gia Ôxtrâylia, Isreal và Bangladesh có quốc gia tham gia đầy đủ các cam kết quốc tế toàn cầu BVMT biển do LBS, có quốc gia không tham gia đầy đủ, tuy nhiên, các quốc gia này lại tích cực tham gia các điều ước quốc tế ở khu vực và các thỏa thuận quốc tế không bắt buộc ở khu vực. Có thể thấy, các quốc gia này rất quan tâm đến các cam kết quốc tế toàn cầu và khu vực có các khuyến nghị cụ thể để giải quyết ô nhiễm biển do LBS. Đây được xem là điểm quan trọng và thực chất trong việc BMVT biển do LBS của các quốc gia này để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển xuyên biên giới trong khu vực. Đây được xem là kinh nghiệm quan trọng cho Việt Nam để tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực thông qua việc xây dựng và thực hiện các thỏa thuận khu vực sẽ đóng vai trò then chốt trong việc BVMT biển ở khu vực, trong đó có vùng biển của Việt Nam.

Thực hiện việc BMVT biển do LBS ở cấp quốc gia

     Thứ nhất, việc đầu tư nguồn lực để thực hiện việc điều tra, nghiên cứu để làm rõ được đâu là các tác nhân chính từ đất liền gây ra ÔNMT biển, hoạt động nào từ đất liền đã và đang đóng phần lớn trong nguồn ô nhiễm biển là các công việc công việc rất quan quan trọngcủa các quốc gia.Việc xác định được các nguyên nhân để xảy ra các hiện trạng ô nhiễm biển sẽ là cơ sở nền tảng để hoạch định chính sách, pháp luật phù hợp với điều kiện về nguồn lực của quốc gia mình, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường biển. Kinh nghiệm này thể hiện rất rõ ràng ở Israel khi quốc gia này đánh giá đầy đủ hiện trạng, nguồn gốc và nguyên nhân của các nguồn gây ô nhiễm biển do LBS và từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách trọng tâmvà đưa ra lộ trình phù hợp với nguồn tài chính để giải quyết vấn đề. Đây là bài học thiết thực cho Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ để đánh giá được hiện trạng ô nhiễm biển do LBS và với nguồn lực hạn chế.

    Thứ hai, việc xây dựng và thông qua các hành động cụ thể ở cấp quốc gia để BVMT do LBS là rất cần thiết để có mục tiêu, nội dung cụ thể nhằm từng bước phòng ngừa, ngăn chặn, giảm bớt ô nhiễm biển do LBS. Đây là được xem là thực tiễn tốt từ các quốc gia. Các quốc gia như các nước Bangladesh và Israel đã xây dựng kế hoạch hành động riêng để giải quyết các nguồn ô nhiễm biển chính từ LBS với các hoạt động ưu tiên cho các giai đoạn cụ thể phù hợp với nguồn tài chính. Trong khi Ôxtrâylia cũng xây dựng kế hoạch quốc gia, tuy nhiên, kế hoạch này chủ yếu là mang tính chất khung vừa tổng hợp thống nhất lại các hoạt động cụ thể, vừa hoạch định các hoạt động, dự án mới để đảm bảo mục tiêu của quốc gia trong việc bảo vệ môi trường biển do LBS.

    Thứ ba, việc đảm bảo nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật, các sáng kiến, các hành động cụ thể sẽ đảm bảo việc kiểm soát hiệu quả ô nhiễm biển do LBS để phát triển bền vững tài nguyên biển là một trong những nhân tố then chốt. Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển khác việc thực thi các chính sách, pháp luật hiện hành rất yếu do không đảm bảo nguồn tài chính và nhân lực tương xứng và phù hợp để thực hiện. Đây là bài học cho Việt Nam để đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách, pháp luật hiện hành để từ đó có định hướng phù hợp cho thời gian tới.

Kết luận

    ÔNMT biển và đại dương đã và đang là vấn đề toàn cầu, không còn phải là việc của từng quốc gia hay từng khu vực. Một số quốc gia như Ôxtrâylia, Israel và Bangladesh đã tích cực tham gia các cam kết quốc tế toàn, nỗ lực cùng với các quốc gia trong khu vực và đặc biệt chú trọng ở cấp độ quốc gia để từng bước giải quyết vấn đề ÔNMT biển do LBS. Kinh nghiệm của các quốc gia này cung cấp cơ sở thực tiễn để Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi để có các giải pháp phù hợp cho thực tế ở Việt Nam.

 

Phạm Thị Gấm

Vụ Chính sách và Pháp chế

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

 

Ý kiến của bạn