Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Cần xây dựng nhà máy xử lý, tái chế rác thải xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

30/07/2019

     Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh, tốc độ đô thị hóa cộng với mức thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh đang làm tăng mật độ xây dựng, sửa chữa nhà trên toàn địa bàn. Thực tế này cũng làm phát sinh lượng lớn rác thải xây dựng, trong khi đó, TP chưa có nhà máy xử lý loại rác thải này.

     Theo Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, lượng rác thải xây dựng của TP chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt đô thị phát sinh. Như vậy, nếu dựa trên cơ sở lượng rác thải sinh hoạt ước đạt trên 9.000 tấn/ngày thì lượng rác thải xây dựng chiếm khoảng 1.800 tấn/ngày và con số này dự tính sẽ tăng lên gần 3.000 tấn/ngày vào năm 2025. Khối lượng rác thải xây dựng được thu gom chủ yếu tập trung ở nội thành. Báo cáo gần đây của các quận/huyện trên địa bàn TP đã chỉ ra, rác thải xây dựng được phân thành 3 nguồn phát sinh, với tính chất, đặc điểm khác nhau. Cụ thể, nguồn phát sinh từ khu vực xây dựng cải tạo, nguồn phát sinh từ khu vực xây dựng mới, phát triển mới và nguồn phát sinh từ khu vực xen kẽ giữa cải tạo và xây dựng mới.

     Điều đáng nói là cho đến nay, việc thu gom và xử lý loại rác thải này chưa được thực hiện riêng biệt. Đại diện nhiều công ty dịch vụ công ích, dịch vụ vệ sinh môi trường cho biết, họ thường thu gom rác thải xây dựng chung với rác thải sinh hoạt bởi chủ nguồn thải (đa phần hộ gia đình) thường đổ chung vào rác thải sinh hoạt. Sau đó, chuyển giao về các bãi xử lý rác thải và chôn lấp cùng rác sinh hoạt. Đối với những công trình xây dựng nhà mới, lượng rác thải xây dựng khá nhiều, hoảng từ 200 kg trở lên, các hộ gia đình thuê các xe ba gác mang đổ những bãi đất trống, hoặc bãi rác tự phát. 

 

Thu gom chất thải rắn xây dựng (Ảnh: Thành Trí - sggp.org.vn)

 

     Rác thải xây dựng có khả năng tái chế khá cao. Theo nhìn nhận của các chuyên gia môi trường, nếu được tổ chức thu gom và tái chế hợp lý thì tỷ lệ rác thải xây dựng có thể tái chế lên đến 90%. Chỉ có 10% mới phải chôn lấp, giảm tối đa quỹ đất phục vụ hoạt động chôn lấp rác. Đáng tiếc, trên địa bàn TP, việc tái chế, tái sử dụng loại rác này phần lớn mang tính chất tự phát. TP hiện vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải xây dựng ở quy mô công nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh môi trường. 

    Hiện tại, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh có vận chuyển riêng loại rác thải xây dựng, nhưng thường chỉ tập trung một số công trình xây dựng quy mô lớn, có hợp đồng ký kết chuyển giao rác thải xây dựng. Các loại rác thải này được thu hồi sẽ tái chế, tái sử dụng một phần. Trong đó, bê tông, gạch ngói vỡ được dùng để đắp nền cho các công trình xây dựng hoặc làm lớp phủ cho bãi chôn lấp. Riêng sắt thép, ống nước hỏng, bao bì, nhựa, thủy tinh… thì tái chế.

     Do đó, TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng nhà máy tái chế, tái sử dụng rác thải. Việc đầu tư xây dựng nhà máy này khá đơn giản, không phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư công do chủ đầu tư có thể tạo một phần nguồn thu từ xã hội hóa và chủ nguồn thải. Mặt khác, những nguy cơ phát sinh ô nhiễm thứ cấp từ hoạt động tái chế rác thải này cũng không cao. Vấn đề còn lại là TP cần xác định vị trí, diện tích đất cấp phép cho đầu tư và xác định ban hành đơn giá thu gom, xử lý. Đồng thời, ban hành chủ trương xã hội hóa đầu tư công tác này, trong đó có tính đến ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam như chỉ đạo của Chính phủ. 

     Hiện Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra 2 phương án thu gom, vận chuyển nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải xây dựng. Trước hết, có thể thu gom, vận chuyển rác thải xây dựng thông qua trạm trung chuyển chất thải xây dựng riêng. Đơn vị thực hiện thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt đô thị sẽ chịu trách nhiệm thu gom rác thải xây dựng. Hoặc rác thải xây dựng phát sinh sẽ được hợp đồng trực tiếp giữa chủ nguồn phát thải và đơn vị thu gom vận chuyển. Sau đó sẽ vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn đô thị hoặc tận dụng san lấp mặt bằng. 

     Có thể thấy, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại TP. Hồ Chí Minh tăng nhanh, kéo theo nhu cầu sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới nhà ở cùng các công trình công cộng. Lượng rác thải xây dựng phát sinh ngày càng tăng, không chỉ ở các quận nội thành mà còn tăng nhanh ở các huyện ngoại thành. Vì vậy, việc bố trí các trạm trung chuyển và xây dựng nhà máy xử lý rác thải xây dựng là rất cấp thiết.

 

Huy Hoàng

 

Ý kiến của bạn