Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị

25/06/2019

     Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm không khí (ÔNKK) tại các đô thị đang có chiều hướng gia tăng, là một thách thức lớn đối với cộng đồng. Vì vậy, cần phải có những hành động cụ thể để hạn chế, kiểm soát tình trạng ÔNKK là bài toán đặt ra cho các cơ quan chức năng ngay lúc này.

     Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, trung bình mỗi năm, thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ÔNKK, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, với khoảng 92% người dân không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la.

     Tại Việt Nam, đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) thời gian qua cho thấy, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức tốt và trung bình. Một số trạm đo tại khu vực Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Nguyễn Xiển, Minh Khai của TP. Hà Nội có chất lượng không khí kém hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.

 

ÔNKK tại các đô thị đang có chiều hướng gia tăng

 

     Để hạn chế sự gia tăng ÔNKK, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí; Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức phi Chính phủ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng gia tăng ô nhiễm như: Quyết định số 985a/QĐ -TTg phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đề ra mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí (CLKK) thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát CLKK xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

     Tiếp đó là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/ND-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, yêu cầu các chủ nguồn thải, khí thải công nghiệp có phát sinh khí thải lưu lượng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát…

     Theo đánh giá chung, hiện tại, chất lượng môi trường không khí ở một số nơi đã được cải thiện so với thời gian trước. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Do vậy, cần tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí, cụ thể: Kiểm soát nghiêm ngặt ô nhiễm khí thải do giao thông; kiểm soát phát thải từ hoạt động xây dựng, không để phát tán bụi ra môi trường xung quanh; kiểm soát phát thải từ hoạt động công nghiệp…

     Đặc biệt, cần kiến nghị với Chính phủ tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng lắp đặt các trạm quan trắc không khí tự động liên tục tại các đô thị và thành phố lớn theo các quy hoach đã được phê duyệt, đảm bảo mạng lưới đủ dày để thu thập số liệu phục vụ cho việc quan trắc dự báo được chất lượng không khí cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và các cơ quan quản lý. Cùng với đó, các chuyên gia môi trường cho rằng, việc tuyên truyền và huy động sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, các hoạt động cần được đẩy mạnh như: Hạn chế đốt rác, rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong, ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường…

 

Minh Thành

Ý kiến của bạn