Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

18 tổ chức bảo tồn gửi Thư ngỏ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm soát nạn tận diệt các loài chim di cư

26/05/2021

 

     Với lợi thế là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chi di cư Đông Á - Úc Châu, từ năm 2014, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 34 của Chương trình Hợp tác Đối tác Đường bay Chim di cư Đông Á - Úc Châu (EAAFP). Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã cùng 84 quốc gia trên thế giới cam kết chấm dứt chuỗi cung ứng và buôn bán động vật hoang dã trái phép, hợp tác với các cộng đồng quốc tế để đảm bảo các giải pháp bền vững.

     Mặc dù vậy, tình trạng săn bắt, buôn bán chim hoang dã, chim di cư, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm đã và đang tồn tại công khai tại nhiều địa phương (đặc biệt là tại một số điểm nóng quanh các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển như Vườn quốc gia Cát Bà, Xuân Thủy, Tràm Chim và các tỉnh miền Tây như chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa ở tỉnh Long An, chợ chim Tam Nông ở tỉnh Đồng Tháp)… đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, các chức năng của hệ sinh thái và hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.

     Cho đến nay, rất nhiều loài chim hoang dã, chim di cư quý, hiếm của Việt Nam và thế giới đã bị bẫy bắt, giết thịt, tàng trữ, tiêu thụ tại các chuỗi nhà hàng trên toàn quốc cũng như tại các cơ sở buôn bán chim hoang dã, thách thức cơ quan thực thi pháp luật. Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, chức năng của hệ sinh thái và hình ảnh của Việt Nam mà còn có thể thổi bùng dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Trước tình trạng đó, 18 tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã (gọi tắt là các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã) đã đồng ký thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải có giải pháp cấp bách kiểm soát thực trạng nêu trên, qua đó góp phần bảo tồn bền vững các loài chim hoang dã, chim di cư.

Các loài chim hoang dã được bày bán công khai tại chợ Thạnh Hóa, tỉnh Long An (Ảnh: HV/Vietnam+)

     Các tổ chức bảo tồn đánh giá cao số lượng các văn bản pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam đã ban hành nhưng sự thiếu vắng các quy định cụ thể về bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư. Điều này đã khiến công tác thực thi pháp luật chưa đạt hiểu quả như mong đợi. Đặc biệt, phần lớn các loài chim hoang dã và đa số các loài chim di cư hiện không nằm trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ bởi Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, Nghị định số 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, nên lực lượng chức năng không có căn cứ pháp luật để xử lý hoặc xử lý ở mức chế tài thấp, không mang tính răn đe.

     Để duy trì quần thể các loài chim hoang dã, chim di cư cũng như quần thể các loài động vật hoang dã nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các chức năng hệ sinh thái và ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh, 18 tổ chức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện 6 biện pháp cụ thể:

     Thúc đẩy và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã: Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết đánh giá, kịp thời khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt và xử lý kỷ luật các đơn vị không thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Gắn trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, chim di cư cho Ủy ban Nhân dân các cấp;

     Sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật có liên quan để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, đặc biệt là các loài có vai trò thụ phấn, thiên địch của chuột và côn trùng gây hại, cũng như tăng cường chế tài xử lý các vi phạm có liên quan;

     Ban hành văn bản nghiêm cấm việc quảng cáo, sử dụng, mua bán trực tiếp, trực tuyến các công cụ bẫy bắt, tận diệt chim hoang dã, chim di cư và các loại công cụ, phương tiện chuyên dùng, tự chế khác;

     Ban hành văn bản nghiêm cấm việc ăn thịt, giết mổ, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán chim hoang dã, chim di cư;

     Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư;

     Tham gia Công ước Quốc tế về Các loài Di cư (CMS).

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn