Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 06/12/2024

Triển khai Chương trình Quản lý chất thải y tế cho các huyện miền núi tại các tỉnh phía Bắc

01/10/2015

     Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh từ các bệnh viện trong cả nước khoảng 350 tấn/ngày. Tỷ lệ gia tăng chất thải y tế phụ thuộc vào việc tăng giường bệnh, phát triển các dịch vụ kỹ thuật và sự tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân. Hiện có đến 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 88% bệnh viện tuyến tỉnh, 54% bệnh viện tuyến huyện xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt tại chỗ hoặc thuê Công ty Môi trường đô thị đốt tập trung; số bệnh viện còn lại xử lý chất thải rắn y tế bằng phương pháp thủ công, chôn lấp tại chỗ gây ô nhiễm môi trường.

     Từ thực trạng trên, tháng 7/2014, Dự án VIE/027 “Hỗ trợ Chính sách Khám Chữa Bệnh cho người nghèo tại Cao Bằng và Bắc Cạn” do Cơ quan hợp tác phát triển Luxembourg tài trợ phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) thực hiện Chương trình Quản lý chất thải y tế (QLCTYT) cho các bệnh viện huyện và các trạm y tế xã tại 6 huyện của dự án bao gồm: huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì, (tỉnh Bắc Cạn) và huyện Nguyên Bình, Hà Quảng và Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) nhằm nâng cao năng lực quản lý chất thải y tế của cán bộ y tế, đồng thời quảng bá giải pháp xanh trong quản lý chất thải y tế.

     Để triển khai Chương trình, Dự án đã thực hiện đánh giá các hệ thống xử lý chất thải y tế tại hai địa phương. Theo đó, với các khó khăn về cơ sở vật chất và kỹ thuật, hiện các trạm y tế thường chỉ chôn lấp hoặc đốt rác thải y tế một cách thủ công; còn tại các bệnh viện huyện, hoạt động xử lý rác thải y tế có tiến bộ hơn nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khi công nghệ đốt đã và đang bộc lộ một số nhược điểm như gây ô nhiễm môi trường thứ cấp (phát thải mùi, các loại khí...), ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng khu vực xung quanh. Thêm vào đó, chi phí vận hành, bảo dưỡng và giám sát môi trường trong quá trình vận hành công nghệ lò đốt thường cao hơn so với các công nghệ khác.

 

    Dự án bàn giao máy hấp xử lý chất thải y tế cho Bệnh viện huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn)

 

     Tại các quốc gia phát triển (Mỹ, Canada, Đức...), công nghệ đốt đã bị loại bỏ và bị cấm vì công nghệ này thải ra khí độc hại. Mục tiêu của Dự án VIE/027 là thay thế công nghệ đốt bằng giải pháp công nghệ xanh và việc lựa chọn thiết bị máy hấp để quản lý và xử lý chất thải y tế là hoàn toàn phù hợp với 6 huyện thí điểm của dự án. Để đánh giá tính hiệu quả của thiết bị máy hấp, Dự án đã tiến hành thăm quan học hỏi tại một số đơn vị quản lý môi trường và một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Công ty Môi trường Đô thị 10 (URENCO 10), Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, Bệnh viện Lao phổi Cần Thơ, Trung tâm Truyền máu huyết học Cần Thơ… là các đơn vị tiếp nhận công nghệ máy hấp để xử lý chất thải y tế do các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ như UNDP, WB.

     Sau một năm thực hiện Dự án, 6 bệnh viện huyện và 17 trạm y tế xã của hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Cạn được hỗ trợ thiết bị máy hấp xử lý rác thải y tế. Đây là lần đầu tiên công nghệ xử lý rác thải y tế độc hại bằng lò hấp tại tuyến huyện và xã được triển khai. Theo đó, rác thải y tế độc hại sẽ được đưa vào lò hấp khử trùng, trở thành rác thải y tế không độc hại và sau đó mới đưa vào xử lý như rác thải thông thường, tránh gây độc hại cho môi trường xung quanh. Ngoài ra, còn có 108 trạm y tế xã được tiếp cận với công nghệ hấp xử lý chất thải y tế thông qua việc chia sẻ công nghệ hấp và trở thành các thành viên trong mạng lưới xã. Mô hình mạng lưới được thành lập trên nguyên tắc “huyện hỗ trợ xã” và “xã hỗ trợ xã”. Bên cạnh đó, Dự án còn triển khai các lớp tập huấn, đào tạo về quản lý chất thải y tế, tổ chức giám sát thực hiện chương trình quản lý chất thải y tế và cung cấp các áp phích truyền thông hướng dẫn cách phân loại rác đúng cách cho 6 bệnh viện huyện và 108 trạm y tế xã.

     Bà Bế Thị Bạch - Phó Giám đốc/Điều phối viên BQL Dự án VIE/027 tỉnh Cao Bằng cho biết: Cao Bằng là tỉnh nghèo miền núi, biên giới với hệ thống y tế tuyến tỉnh gồm 3 Trung tâm y tế dự phòng; 7 Trung tâm y tế chuyên ngành và 3 bệnh viện; 13 Trung tâm y tế huyện, thành phố; 13 Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố; 199 Trạm y tế xã, phường, thị trấn... Vừa qua, Cao Bằng được Dự án VIE/027 hỗ trợ 12 lò hấp chất thải y tế để loại bỏ các ảnh hưởng độc hại từ rác thải y tế, đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý chất thải y tế và BVMT. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương hiện nay là chất thải sau khi hấp được đốt tại các bệnh viện  và chôn lấp thông thường (chủ yếu tại tuyến xã). Đối với các bệnh viện và trạm y tế không có thiết bị lò hấp thì chất thải y tế được vận chuyển đến nơi có lò hấp để xử lý theo cụm. Để thực hiện tốt mô hình này, Cao Bằng rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Dự án nói riêng và các nguồn đầu tư khác để mỗi trạm y tế của địa phương có một lò hấp và máy cắt, nghiền làm biến dạng và giảm thể tích chất thải sau khi hấp, đồng thời hướng dẫn trạm y tế xây dựng bể chôn lấp an toàn dành cho chất thải sau khi hấp.

     Xây dựng môi trường sống bảo đảm an toàn sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội bền vững hiện nay. Do đó, các chương trình dự án nhằm mục đích cải tạo môi trường, xử lý chất thải, rác thải, trong đó có chất thải rắn y tế đã và đang được triển khai, đem lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường. Việc xây dựng giải pháp công nghệ xanh trong quản lý chất thải y tế tại hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Cạn thực sự cần thiết và cấp bách và những hoạt động mà Dự án VIE/027 triển khai trong thời gian qua được xem là một giải pháp tốt về vấn đề này.

 

Nguyễn Hằng

 

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn