Banner trang chủ

Các xã ven biển huyện Hậu Lộc chung tay bảo vệ môi trường và giữ mãi màu xanh cho rừng ven biển

06/06/2022

    Trước đây, khu vực 6 xã ven biển (Hòa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc và Đa Lộc) của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên bị “ngập” trong rác thải do lượng dân cư tập trung đông đúc và hoạt động đánh bắt thủy, hải sản. Để giải quyết vấn đề này, các cấp chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải môi trường biển. Bên cạnh đó, nhiều đoàn thể như đoàn thanh niên, hội nông dân (HND), hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... đã ra quân đồng loạt tổng dọn vệ sinh, thu gom rác thải tại tuyến đê biển, góp phần giữ gìn bờ biển sạch đẹp.

    Tập trung nguồn lực xử lý rác thải

    Theo thống kê của Phòng TN&MT huyện Hậu Lộc, trung bình mỗi ngày, 6 xã ven biển phát sinh trên 33 tấn rác, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng rác thải toàn huyện. Điều đáng nói, tại các địa phương này thường xuyên có rác thải từ biển đổ vào, đồng thời, một bộ phận người dân thiếu ý thức vứt rác thải ra bờ biển, gây nên tình trạng ô nhiễm. Trước tình trạng trên, huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức trong công tác BVMT; kêu gọi xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển và phân loại rác thải; huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, tham gia vào công tác vệ sinh môi trường. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh, UBND huyện Hậu Lộc đã giao UBND các xã Ngư Lộc, Hưng Lộc và Đa Lộc thường xuyên phối hợp với Công ty Vệ sinh môi trường Hậu Lộc tổ chức dọn vệ sinh tại khu vực dọc tuyến đê biển từ xã Ngư Lộc đến hết địa phận xã Đa Lộc. Đến nay, tại các địa phương ven biển, cơ bản lượng rác phát sinh đã được thu gom, xử lý, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Đoàn viên, thanh niên cùng người dân nêu cao tinh thần BVMT

    Xã Ngư Lộc có 4/7 thôn tiếp giáp với biển, hàng ngày, hoạt động khai thác, chế biến hản sản ở đây phát sinh một lượng rác thải lớn. Cùng với đó, rác thải theo con nước dạt vào bờ, vừa làm mất mỹ quan, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Xác định công tác vệ sinh môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ như ra quân xử lý môi trường biển; ký cam kết với các cơ sở chế biến thủy hải sản; hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt với công ty môi trường; định kỳ hàng tháng hỗ trợ kinh phí, huy động toàn thể người dân thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường ở những khu vực này. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động của các cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản đến môi trường, xã Ngư Lộc đã triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 77-QĐ/UBND ngày 13/1/2017 của UBND huyện Hậu Lộc về việc tăng cường kiểm tra công tác BVMT đối với các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, UBND xã đã phối hợp với Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức 7 hội nghị ở 7 thôn về công tác BVMT, thu hút trên 1.000 người tham dự, trong đó có các hộ kinh doanh, sơ chế, chế biến hải sản. Ngoài ra, UBND xã phân công ban giao thông - môi trường, cùng cán bộ chuyên môn phối hợp với lãnh đạo các thôn thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh, chế biến hải sản đảm bảo vệ sinh môi trường; kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp cố tình làm ảnh hưởng đến môi trường. Hàng tháng, xã tổ chức tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ xã đến thôn, nhất là tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác BVMT.

    Đáng chú ý, một trong những khó khăn trong công tác vệ sinh môi trường tại các xã ven biển huyện Hậu Lộc hiện nay là lượng rác thải từ biển trôi dạt vào bờ lớn, đặc biệt vào mùa mưa bão. Do vậy, công tác giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển nói chung, vùng ven biển nói riêng được các địa phương chú trọng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các thành phần, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển, huyện Hậu Lộc đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, các địa phương ven biển tuyên truyền, giáo dục BVMT cho người dân thông qua việc lồng ghép với sự kiện Tuần lễ biển và hải đảo, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học và hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... Để thực hiện mục tiêu “BVMT biển là BVMT sống cho con người”, thời gian tới, huyện Hậu Lộc sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn, nhất là các địa phương ven biển tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong BVMT; không xả rác, nước thải chưa qua xử lý, những chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong BVMT, đồng thời lên án mạnh mẽ những đối tượng gây tác hại đến môi trường biển. Mặt khác, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải, gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục hoàn thiện các thể chế quản lý để mọi người dân có thể thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, BVMT biển. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về môi trường do Nhân dân phản ánh phải được các cơ quan hữu quan tiếp nhận, xử lý một cách triệt để, kịp thời và hiệu quả...

    Giữ mãi màu xanh cho rừng ven biển

    Qua thống kê, từ năm 2016 - 2020, diện tích rừng phòng hộ ven biển Hậu Lộc đạt hơn 373 ha, gần như phủ kín toàn bộ 12,5 km dọc bờ biển. Đơn cử như xã Đa Lộc, diện tích rừng che phủ đạt 287,66 ha; xã Ngư Lộc đạt 17,2 ha; xã Hải Lộc đạt 63,96 ha… Trong những cánh rừng, một hệ sinh thái phong phú nuôi dưỡng hàng chục loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, vạng, trai, sò, cá, rong câu… ngày càng đa dạng, phong phú.

    Để tiếp tục phủ kín rừng trên diện tích đất trống lâm nghiệp sẵn có, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Hậu Lộc rà soát, chuyển đổi diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác mà đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng… nhằm quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển. Trường hợp khu rừng ven biển đã giao cho hộ gia đình, tổ chức kinh tế nhưng có tầm quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thì Nhà nước xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đó đã đầu tư theo quy định của pháp luật để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.

    Song song với đó, để “đánh thức” tiềm năng của rừng ven biển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 4261/QĐ-UBND ngày 30/10/2018 phê duyệt Dự án trồng, phục hồi rừng ven biển Hậu Lộc, Quảng Xương với tổng mức đầu tư 93 tỷ đồng. Theo đó, quy mô Dự án triển khai trồng rừng ngập mặn giảm sóng, ổn định bãi, bảo vệ tuyến đê biển, đê cửa sông huyện Hậu Lộc với tổng diện tích 228 ha trên đất quy hoạch rừng phòng hộ. Thực hiện Dự án, Phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc đã phối hợp với Phòng TN&MT, UBND các xã có liên quan tiến hành rà soát, điều tra thống kê, lập danh sách các hộ có diện tích nuôi ngao kém hiệu để chuyển sang trồng rừng ngập mặn. Năm 2020, có 5 xã ven biển Hậu Lộc tham gia trồng 228 ha rừng, đồng thời chú trọng phát triển các mô hình kinh tế, cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ sản xuất vùng ven biển như: Nuôi ong dưới tán rừng, nuôi thủy cầm trong rừng ngập mặn, nuôi thủy sản tự nhiên dưới tán rừng và nâng cấp công trình thủy lợi. Riêng xã Ngư Lộc đã trồng 215,2 ha rừng, trong đó: Trồng bổ sung trên diện tích trống là 97,9 ha; trồng bổ sung tầng cây cao là 61,7 ha; trồng bổ sung tầng cây thấp là 55,6 ha. Bên cạnh đó, chú trọng công tác cải tạo, duy trì và phát triển gần 300 ha rừng tự nhiên và đã trồng.

Bổ sung trồng mới 24,5 ha rừng ngập mặn trên địa bàn xã Đa Lộc

    Ngày 19/5/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Quyết định số 1627/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án trồng, phục hồi rừng ven biển huyện Hậu Lộc, Quảng Xương. Trong đó, bổ sung trồng mới 24,5 ha rừng ngập mặn trên địa bàn xã Đa Lộc. Cụ thể, điều chỉnh quy mô đầu tư và giải pháp kỹ thuật, trồng rừng ngập mặn trên diện tích 246,1 ha, trong đó: Điều chỉnh giảm diện tích trồng rừng ngập mặn theo Quyết định số 4261/QĐ-UBND ngày 30/10/2018 còn 221,6 ha (tương ứng cắt giảm diện tích 6,4 ha trồng rừng ngập mặn trên địa bàn xã Đa Lộc. Không thi công các hạng mục thuộc phạm vi cắt giảm diện tích nêu trên, gồm: 600 m tường mềm giảm sóng; 600 m tuyến cọc tiêu báo hiệu; 240 m hàng rào bảo vệ). Bổ sung trồng mới 24,5 ha có cải tạo theo nền trên địa bàn xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Bên cạnh đó, xây dựng mới các hạng mục công trình thuộc khu vực rừng bổ sung trồng mới 24,5 ha, gồm 1.860 m tường mềm giảm sóng, gây bồi; 1.860 m hàng cọc tiêu báo hiệu; 900 m hàng rào bảo vệ. Xây dựng công trình hạ tầng lâm sinh: Điều chỉnh số lượng xây dựng chòi canh từ 5 chòi thành 1 chòi và cắt giảm không xây dựng biển báo bảo vệ rừng. Bổ sung xây dựng 1 nhà tránh trú bão cộng đồng 2 tầng tại thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. Bổ sung sửa chữa nâng cấp tuyến đường quản lý vận hành kết hợp phòng, chống lụt bão số 6 tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Xây dựng khoảng 1,2 km đường cấp VI đồng bằng theo tiêu chuẩn thiết kế TCVN 4054:2005. Vận tốc thiết kế 30 km/h, nền đường rộng 6,5 m, mặt đường rộng 5,5 m. Tổng mức đầu tư dự án được duyệt là 93 tỷ đồng, thời gian thực hiện Dự án trong vòng 5 năm (2018 - 2022).

    Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư Dự án (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn) căn cứ nội dung phê duyệt tại Quyết định tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tính chính xác của thông tin, số liệu sử dụng trong hồ sơ thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng được thẩm định, trình phê duyệt. Đồng thời, giao các sở: NN&PTNT, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải và đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Thanh Hóa thực hiện các nội dung nêu trên theo đúng quy định.

    Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong công tác BVMT, Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/ 2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững, trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm. Ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất”, nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Hưởng ứng sự kiện quan trọng này, ngày 4/6/2022, tại huyện Hậu Lộc, HND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc tổ chức Lễ mít tinh, ra quân dọn vệ sinh, làm sạch môi trường biển. Tham dự buổi Lễ có ông Phạm Văn Thiện - Giám đốc Trung tâm Môi trường và phát triển bền vững - Trung ương HND Việt nam, cùng đại diện lãnh đạo HND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo huyện Hậu Lộc và hơn 500 đại biểu đến từ 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Sau buổi lễ, HND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ trồng 500 cây sú vẹt, đây là loại cây bản địa giúp chắn sóng, chống sạt lở, xói mòn, ngăn mặn xâm thực được ví như tấm áo giáp bảo vệ cuộc sống vùng biển. Cùng với đó, đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân huyện Hậu Lộc ra quân thu gom rác thải, dọn vệ sinh khu vực tuyến biển, các khu vực trọng yếu có nguy cơ ra ô nhiễm rác thải.

    Hội Nông dân chung sức, đồng hành cùng gia BVMT

    Ông Nguyễn Hữu Đồng - Phó Chủ tịch HND tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm qua, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tham gia công tác BVMT, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Hàng năm, các cấp Hội đã mở hàng trăm lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên nông dân về BVMT. Riêng năm 2021, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều mô hình dự án thu gom, phân loại, xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Các cấp Hội hướng dẫn cho hội viên nông dân phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn; hỗ trợ giống cây trồng rừng ngập mặn, hỗ trợ xe chở rác, thùng đựng rác, chế phẩm sinh học ủ rác thành phân bón hữu cơ; thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường; tổ chức hàng trăm cuộc mít tinh, ra quân BVMT ở các địa phương trong tỉnh, với tổng kinh phí lên đến gần chục tỷ đồng.

Lễ mít tinh, ra quân dọn vệ sinh, làm sạch môi trường biển tại huyện Hậu Lộc ngày 4/6/2022

    Tại huyện Hậu Lộc, những năm qua, công tác BVMT đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, cùng với sự chung tay, đồng lòng của toàn thể nhân dân trong huyện. Các mô hình tự quản của HND, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh và những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ường đã được nhân rộng ở hầu hết các xã, thôn. Diện tích rừng ngập mặn “lá chắn xanh” ven biển cơ bản đã phủ kín 12,5 km bờ biển của huyện, không chỉ góp phần bảo vệ các tuyến đê, phục hồi hệ sinh thái, tạo cảnh quan môi trường, mà còn đem lại sinh kế cho nhiều hộ dân ven biển từ nghề nuôi ong và khai thác các nguồn lợi thủy sản như cá, tôm, cua, khều, ngao, ốc... Nhờ đó, công tác BVMT bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định như: Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải phát sinh tại các xã ven biển, vấn đề ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm tại các trang trại chăn nuôi cơ bản đã được xử lý, bộ mặt cảnh quan đô thị và khu vực nông thôn đã thay đổi đáng kể…

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Tình trạng ô nhiễm từ các điểm tập kết rác thải không đúng quy định; vẫn còn hiện tượng xả rác thải bừa bãi trên các tuyến đê, đặc biệt là tuyến đê ven biển, kênh mương, ao, hồ tại một số địa phương trên địa bàn. Tại Lễ mít tinh ra quân dọn vệ sinh, làm sạch môi trường biển nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022 ngày 4/6 vừa qua, thay mặt Ban Chấp hành HND tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Hữu Đồng kêu gọi các cấp HND và toàn thể nhân dân huyện Hậu Lộc nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong hành động BVMT; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; sản xuất kinh doanh phải gắn với BVMT và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Có thể thấy, việc phát triển kinh tế đi đôi với công tác BVMT, phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven biển đang được các địa phương ven biển huyện Hậu Lộc chú trọng. Qua đó thấy rằng, chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường biển.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn