Banner trang chủ

Thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

17/11/2023

    Tiếp nối Phiên toàn thể diễn ra vào sáng ngày 16/11/2023, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023, buổi chiều cùng ngày, Bộ TN&MT tiếp tục tổ chức 3 phiên chuyên đề xoay quanh vấn đề liên quan tới việc thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam với sự tham gia của đông đảo đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp lớn, Trường Đại học, Viện nghiên cứu, cùng chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn.

Lộ trình triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT Mai Thanh Dung phát biểu khai mạc Phiên chuyên đề

    Phát biểu khai mạc Phiên chuyên đề “Lộ trình triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn”, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT Mai Thanh Dung cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức xây dựng Dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” để cụ thể hóa lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn được giao tại Điều 142 của Luật BVMT và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cuối năm nay. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Dự thảo cũng đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững. Đồng thời, đề xuất 35 nhóm vật liệu, sản phẩm, chất thải và dịch vụ thuộc 9 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn theo lộ trình đến năm 2030.

    Nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam, Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn…

    Tại phiên họp, nhiều nội dung đã được thảo luận sôi nổi như: Đề xuất Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn; Nghiên cứu trao đổi chất: Phương pháp xây dựng lộ trình cho nền kinh tế tuần hoàn; Chỉ số đo đạc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp; Xã hội tuần hoàn vật chất ở Nhật Bản: Vai trò trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn ASEAN: Chuỗi giá trị chất thải điện tử trong hợp tác quốc tế; Kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống…

Quang cảnh sự kiện

Phương pháp tiếp cận môi trường - xã hội - quản trị (ESGđể thực hiện kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp

    Trao đổi về chủ đề “Phương pháp tiếp cận môi trường - xã hội - quản trị (ESG) để thực hiện kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp”, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết về mô hình tái chế khép kín; ESG tại các chuỗi bán lẻ; Khung chiến lược hành động thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; ESG tại các chuỗi bán lẻ…

Giám đốc Chương trình quản lý nước WWF Hoàng Thị Thanh Nga chia sẻ tại Diễn đàn

    Chia sẻ về công nghệ tái chế nước thải công nghiệp, Giám đốc Chương trình quản lý nước WWF Hoàng Thị Thanh Nga cho biết, theo báo cáo của Liên hiệp quốc, trên thế giới hiện có tới 2,2 tỉ người đang sống thiếu nước sạch, trong khi những người không được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản lên tới 4,2 tỉ người. Dự báo đến trước năm 2030, có khoảng 60 quốc gia lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Tại Việt Nam, để góp phần giải quyết bài toán thiếu nước sạch, bà Hoàng Thị Thanh Nga đưa ra các đề xuất về việc đẩy mạnh tái chế nước thải bởi việc tái sử dụng nước thải trong công nghiệp có khả năng giảm chi phí cấp nước và xử lý nước thải của các ngành công nghiệp, cũng như giảm áp lực lên nguồn nước. Nước thải có thể được tái sử dụng trong chính một doanh nghiệp hoặc giữa một số doanh nghiệp thông qua cộng sinh công nghiệp. Tùy thuộc vào loại và chất lượng của nước thải, nó có thể được tái sử dụng trực tiếp hoặc được xử lý trước khi tái sử dụng (tức là tái chế).

    Để công nghệ tái chế nước thải công nghiệp đạt hiệu quả cao, theo bà Hoàng Thị Thanh Nga, cần xác định rõ ràng phạm vi áp dụng khi xây dựng khung pháp lý về việc đưa nước thải tái chế quay trở lại sản xuất, đặt mục tiêu cụ thể về năng suất nước cũng như tỷ lệ nước tái sử dụng trong từng khu vực, từng ngành và các dự án gây ô nhiễm nước. Trong quá trình thực thi pháp luật cũng cần tăng cường năng lực quản trị và giám sát của các cơ quan chức năng có liên quan. Bên cạnh đó, công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng để đưa ra những số liệu cụ thể nhằm đánh giá khách quan kết quả của quá trình đưa nước thải tái chế trở lại quá trình sản xuất…

Quang cảnh Phiên chuyên đề

Cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn

    Với nhu cầu vốn lớn để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ huy động vốn, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công cao, nguồn vốn tài trợ và viện trợ có xu hướng giảm, huy động nguồn lực tài chính cho nền kinh tế chủ yếu từ nguôn tín dụng ngân hàng. Trong tình hình trên, chủ trương của Việt Nam là huy động mọi nguồn lực tài chính trong xã hội để thực hiện các mục tiêu của tăng trưởng và kinh tế xanh, bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, các nguồn tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác. Việc phân bổ và sử dụng nguồn tài chính phục vụ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cũng đặt tra những thách thức lớn đối với chính sách tài chính do những đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam: Thị trường tài chính dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng; các tổ chức tài chính chưa chú trọng tới phát triển xanh; các công cụ tài chính xanh đang trong giai đoạn thử nghiệm, mới phát triển; cơ sở hạ tầng tài chính còn nhiều hạn chế.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

    Nhằm làm rõ cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn, tại Phiên thảo luận với chủ đề “Cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn”, các đại biểu tham dự tập trung thảo luận và trao đổi về các nội dung: Khai phá tiềm năng của vốn tự nhiên: Nguồn tài chính đổi mới cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; Huy động các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào quản lý rác thải; Thị trường các-bon tại Thái Lan; Nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm  2050; Tiềm năng thị trường các-bon ở Việt Nam…

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn