18/11/2020
Ngày 17 - 18/11/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Điều hành Trung tâm Đa dạng sinh học (ĐDSH) ASEAN lần thứ 22 (Hội nghị GB ACB 22), Cuộc họp tham vấn xây dựng Tuyên bố chung ASEAN tại COP 15 Công ước ĐDSH (CBD) và các Hội nghị có liên quan thông qua hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị có các quốc gia thành viên ASEAN (AMS), Ban Thư ký ASEAN (ASEC), Trung tâm ĐDSH ASEAN (ACB). Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện các đối tác phát triển trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH như Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ).
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học
(Tổng cục Môi trường) - Trưởng Nhóm công tác ASEAN Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học
phát biểu tại Hội nghị GB ACB 22
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch ASOEN Việt Nam; Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Tổng cục Môi trường), Trưởng Nhóm công tác ASEAN Việt Nam về bảo tồn ĐDSH; và các đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…
Tại Hội nghị GB ACB 22, các quốc gia thành viên ASEAN cùng với các nước đối tác và các tổ chức cùng nhau trao đổi về việc tăng cường hiệu quả thực thi Kế hoạch hành động ACB với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Chương trình Công viên Di sản ASEAN (AHP); ĐDSH lồng ghép; Phục hồi hệ sinh thái; Tăng cường năng lực bảo tồn ĐDSH; Báo cáo Hiện trạng ĐDSH ASEAN lần thứ ba (ABO3); Truyền thông, Giáo dục và Nhận thức Cộng đồng (CEPA); Các sáng kiến liên ngành; Ban cố vấn khoa học ACB; Chương trình Biệt phái ACB cho AMS và Chương trình Gắn kết Chuyên gia ACB. Cùng với đó, các bên đã cùng nhau cập nhật Kế hoạch hành động Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn ĐDSH (AWGNCB); Rà soát kết quả Cuộc họp lần thứ 30 của Nhóm Công tác ASEAN về Bảo tồn Thiên nhiên và ĐDSH (AWGNCB); Cập nhật về Đánh giá tổ chức ACB và báo cáo Cuộc họp bất thường của Hội đồng quản trị ACB lần thứ 21. Bên cạnh đó, ACB cũng đưa ra những sáng kiến, đề xuất tiềm năng hợp tác với các đối tác phát triển như: Hợp tác với Ban Thư ký Công ước ĐDSH; Hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu…
Tại Cuộc họp tham vấn xây dựng Tuyên bố chung ASEAN tại COP 15 Công ước ĐDSH (CBD), các quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhìn nhận, đánh giá những tổn thất về ĐDSH cùng biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến tiến trình thực hiện phát triển bền vững của toàn cầu. Đồng thời cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp ngăn chặn tốc độ suy thoái, tăng cường phục hồi ĐDSH. Đây được coi là nhiệm vụ khó khăn và thách thức đang được đặt ra trong khuôn khổ thực hiện Công ước ĐDSH cũng như các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Ban Thư ký Công ước ĐDSH (CBD) đang làm việc với các đối tác toàn cầu nhằm xây dựng Khung ĐDSH toàn cầu sau 2020. Khung ĐDSH toàn cầu đặt ra mục tiêu đến 2050 “con người sống hài hòa với thiên nhiên”.
Quang cảnh Hội nghị GB ACB 22
Cũng như các quốc gia ASEAN, Việt Nam được công nhận là nước có tính ĐDSH cao trên thế giới, ĐDSH đã góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; tạo nên các cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các Điều ước quốc tế về ĐDSH như Công ước ĐDSH, Công ước Ramsar, Công ước CITES, Công ước Biến đổi khí hậu và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển... Trong đó, Việt Nam là nước thứ 7 ở ASEAN tham gia CITES, là nước đầu tiên ở ASEAN xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý buôn bán động thực vật hoang dã. Việt Nam cũng đã tham gia tích cực trong quá trình xây dựng khung toàn cầu về ĐDSH.
Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị tổng kết Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020 và chuẩn bị cho Chiến lược quốc gia về ĐDSH giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể hóa các yêu cầu Chiến lược toàn cầu trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, để thúc đẩy đạt được các mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH của đất nước trong giai đoạn tới. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được Quốc hội thông qua đã đưa một số nội dung liên quan đến di sản thiên nhiên và ĐDSH nhằm tăng cường thể chế cho công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Chính phủ Việt Nam cam kết chung tay cùng với Chính phủ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hợp tác đẩy lùi sự mất mát ĐDSH vào năm 2030 để phát triển bền vững.
Bên lề của Hội nghị ACB GB 22, Cuộc họp tham vấn xây dựng Tuyên bố chung ASEAN tại COP 15 Công ước ĐDSH (CBD), còn diễn ra Hội nghị lần thứ 6 của Ban chỉ đạo Chương trình (PSC) cho Hợp tác ASEAN - Đức về ĐDSH; Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Dự án (PSC) Dự án Bảo tồn và quản lý ĐDSH trong các Khu Bảo tồn trong ASEAN (BCAMP).
Nguyễn Hằng