Banner trang chủ

Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023

07/11/2023

    Nhằm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ngày 3/11/2023, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức “Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023”. Đây là diễn đàn khoa học tập trung vào phân tích một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Tham dự Diễn đàn có hơn 300 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các Viện nghiên cứu; Bộ, ngành; Hội đồng Lý luận Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Hiệp hội; ngân hàng; doanh nghiệp...

    Phát biểu khai mạc Chương trình, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013. Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH), thân thiện với môi trường là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được đề ra trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

    Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và hai năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn nhiều khó khăn phải giải quyết nhằm hướng tới triển khai ngày càng hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề ra định hướng chung và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu.

    Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày các tham luận về các vấn đề huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh; phát triển thị trường các-bon; đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và phát triển các nguồn năng lượng mới; các rào cản, điểm nghẽn của việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh…

    Báo cáo tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn ở vị trí khiêm tốn về thu nhập bình quân đầu người cũng như chuyển đổi công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ mang lại những lợi ích to lớn và lâu dài.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

    Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; xây dựng khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện, khuyến khích với cơ chế ưu đãi. Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch quan trọng trong đó có quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số.

    Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đưa ra các nhóm mục tiêu cơ bản: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Nhất là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động bên ngoài, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh.

    Giới thiệu về một số nội dung chính của Dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, mục tiêu tổng quát của Dự thảo là hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường, thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên trên cơ sở lựa chọn, áp dụng mô hình KTTH phổ biến và phù hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng KTTH, gắn với phát triển các thói quen, thực hành, tạo dựng văn hóa áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất. Theo đó, các mục tiêu cụ thể được đề xuất theo từng giai đoạn 2025 và 2030. Các ngành lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn thực hiện KTTH, bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; năng lượng; khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến tạo; hóa chất; xây dựng và giao thông vận tải; quản lý chất thải; lĩnh vực trung gian, cộng sinh; hỗ trợ thực hiện KTTH…

    Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về huy động vốn cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường tài chính, ThS. Trần Đình Nuôi - Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay, huy động vốn qua thị trường tài chính cho tăng trưởng xanh được thực hiện khá thành công ở một số quốc gia phát triển (Anh, Đức, Hàn Quốc...) thông qua các sản phẩm tài chính như trái phiếu xanh hoặc qua các chỉ số xanh, chương trình tín dụng xanh từ hệ thống các ngân hàng. Trong khi đó, các quốc gia khác có nền tài chính đang phát triển cũng đang tìm cách đưa các công cụ tài chính xanh này gia nhập thị trường tài chính.

    Kết thúc Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã tham gia  phiên thảo luận bàn tròn về những sáng kiến, mô hình khu công nghiệp sinh thái; mô hình KTTH, kinh tế xanh... Nhiều nội dung đã được nhận diện, phân tích, từ đó đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy tăng trường xanh và chuyển đổi xanh ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tình hình mới của đất nước.

Châu Loan

Ý kiến của bạn