Banner trang chủ

Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023: Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững trong bối cảnh đô thị hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

10/11/2023

    Ngày 8/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức "Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023" với chủ đề “Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững trong bối cảnh đô thị hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Diễn đàn đô thị Việt Nam 2023 là cơ hội để các chính quyền đô thị các địa phương, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng có liên quan đối thoại, chia sẻ, kết nối các tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay để hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148 của Chính phủ về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra để phát triển đô thị đất nước giai đoạn mới.

    Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương cũng như từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế; cùng hơn 40 diễn giả là các chuyên gia đầu ngành về phát triển đô thị và trên 35 nhà cung cấp giải pháp hàng đầu lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc Diễn đàn

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngày 24/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã tổng kết thành tựu đã đạt được của phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới. Cụ thể: Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao, đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

    Tuy nhiên, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị, như: Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

    Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nêu rõ một số định hướng hợp tác thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam. Cụ thể, đối với Chính quyền đô thị tại địa phương cần quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa. Phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế xã hội. Đối với cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện các công tác quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là các chương trình, đề án phát triển đô thị trọng điểm. Đối với các tổ chức, cộng đồng dân cư, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển đô thị. Chủ động có những đề xuất, tham vấn, đóng góp với các cơ quan có liên quan tại địa phương và Trung ương.

Phiên toàn thể tại Diễn đàn

    Bên cạnh phiên toàn thể, Diễn đàn còn tổ chức ba hội thảo chuyên đề với các nội dung: Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững; Chuyển đổi số trong quản lý, phát triển đô thị; Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu. Tại các hội thảo chuyên đề, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc hoàn thiện các khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững. Ngoài ra, các các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, trình bày các sáng kiến, giải pháp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng của các đô thị thông minh. 

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn