Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Thụy Điển: Hướng đến phát triển xanh

09/03/2018

     Từ giữa những năm 1990, Thụy Điển là một trong số ít các nước công nghiệp hóa quản lý hiệu quả và duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải các bon, nhờ đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục tăng lên cùng với mức phát thải giảm đi.

     Mức phát thải khí nhà kính của Thụy Điển nằm ở mức thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tính theo đầu người. Vào năm 2013, phát thải khí nhà kính (GHG) của Thụy Điển chỉ còn 55,8 triệu tấn CO2 so với 71,8 triệu tấn năm 1990 - giảm đến 22%. Trong khi đó, GDP của Thụy Điển đã tăng 58% trong thời gian này.

     Việc giảm phát thải của Thụy Điển đã được thực hiện trong bối cảnh phải duy trì ngành công nghiệp chế biến trong nước tương đối lớn, cùng với nhu cầu về sưởi ấm trong mùa đông lạnh và những tuyến đường vận chuyển dài ở một quốc gia khá rộng lớn về địa lý, nhưng với dân cư thưa thớt.

     Đánh thuế phát thải

     Kể từ những năm 1990, sự chuyển đổi từ việc sử dụng dầu cho mục đích sưởi ấm sang sưởi ấm chia theo khu vực, sử dụng máy bơm nhiệt và nhiên liệu sinh học đã làm giảm một đáng kể phần đóng góp của khu vực dân cư và khối dịch vụ đối với phát thải GHG.
      Năm 1995, Thụy Điển đã trở thành một trong những nước đầu tiên đánh thuế các bon. Thuế tiêu thụ đặc biệt áp đặt đối với các nhiên liệu có hàm lượng các bon cao như dầu mỏ và khí tự nhiên đã giúp giảm phần lớn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chính sách này thể hiện tính hiệu quả và là công cụ ít tốn kém nhất góp phần giảm khí thải CO2.
     Ưu đãi xanh

     Chính phủ Thụy Điển cũng đã đưa ra một số hình thức ưu đãi xanh để giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Hệ thống chứng nhận điện được khởi xướng vào năm 2003 là hệ thống hỗ trợ dựa trên thị trường để tăng sản xuất điện từ các nguồn tái tạo và khiến cho việc sản xuất điện tiết kiệm chi phí hơn.

 

Thụy Điển mong muốn trở thành quốc gia đầu tiên chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch

 

     Các ưu đãi khác bao gồm quỹ của Nhà nước hỗ trợ cho đối phó với biến khí hậu ở các địa phương. Các hội đồng cấp địa phương và cá nhân tư nhân đều có thể nộp đơn xin tài trợ để chuyển đổi sang hình thức sưởi ấm theo khu vực hoặc sử dụng nhiên liệu sinh học. Các chương trình này đã giúp thay đổi nhận thức của người dân, hướng đến phát triển xanh hơn.

     Trong giai đoạn 2015 - 2018, Thụy Điển đã dành 4 nghìn tỷ SEK (522 triệu EUR) - nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác nếu tính đầu người - cho Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc, một cơ chế tài chính sẽ giúp chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới nhằm thích ứng với khí hậu.

     Chỉ số Kinh tế Xanh Toàn cầu

     52% năng lượng của Thụy Điển đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là thủy điện và nhiên liệu sinh học. Thụy Điển có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao nhất ở EU. Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Thụy Điển, tỷ lệ này có thể tăng lên 55% vào năm 2020.

     Thụy Điển mong muốn trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và đã tăng ngân sách cho các khoản đầu tư năng lượng mặt trời lên 800%. Mục tiêu của thủ đô Stốckhôm là sử dụng hoàn toàn những nguồn năng lượng bền vững vào năm 2050. Cuộc chạy đua không phát thải cũng đã thúc đẩy rất nhiều doanh nghiệp Thụy Điển tham gia để thích ứng với sự đổi mới xanh.

     Trong bảng xếp hạng gần đây nhất của Chỉ số Kinh tế Xanh Toàn cầu, Thụy Điển đứng đầu trong số 80 quốc gia được xếp hạng. Thụy Điển được ghi nhận  do những quyết định nhất quán và nắm bắt cơ hội trong việc đổi mới sáng tạo sang một nền kinh tế xanh, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sạch, xây dựng thương hiệu xanh bền vững và hiệu quả phát thải các bon thấp.

 

Phạm Đình (Theo TN&MT)

 

Ý kiến của bạn