Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tháo gỡ rào cản để phát triển xe hybrid thân thiện với môi trường

13/03/2018

     Hiện nay, môi trường không khí tại nhiều quốc gia trên thế giới bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước thách thức trên, việc phát triển các loại  xe thân thiện với môi trường, trong đó có xe hybrid là giải pháp khả thi đối với các quốc gia, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát triển xe hybrid vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

     Xe hybrid và sự phát triển xe hybrid trên thế giới

     Xe hybrid (xe “lai”) là xe sử dụng kết hợp 2 bộ truyền động, một động cơ chạy xăng gắn với một mô tơ chạy điện cho phép động cơ ngắt định kỳ để tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải. Một trong những đặc điểm của xe hybrid là khả năng tận dụng nguồn năng lượng dư thừa. Không giống như các loại xe sử dụng động cơ điện khác, xe hybrid không cần phải sạc bằng nguồn điện bên ngoài, chính hệ thống điều khiển trên xe sẽ tận dụng nguồn năng lượng dư thừa của động cơ đốt trong để sạc đầy pin. Khi xe giảm tốc độ hay phanh, mô tơ điện sẽ hấp thụ một phần lực quán tính và chuyển đổi thành dòng điện tích trữ trong bộ pin của chiếc xe. Khi ô tô chạy trên đường, cứ mỗi lần đạp phanh là năng lượng của xe bị thất thoát. Xe chạy, hoặc lao dốc càng nhanh thì động năng càng lớn và năng lượng này sẽ bị triệt tiêu nếu người lái đạp phanh. Nhờ có công nghệ tiên tiến của động cơ “lai”, xe hybrid có thể “thu” nguồn năng lượng đó và nạp vào pin nhiên liệu để tái sử dụng. Ở chế độ xe chạy bình thường, động cơ chính và động cơ điện đều tham gia tạo năng lượng. Lúc xe dừng lại, động cơ xăng tự động ngừng hoạt động, trong khi động cơ điện vẫn tiếp tục làm việc, giúp tiết kiệm nhiên liệu. Xe hybrid vận hành tiết kiệm hơn khoảng 30% nhiên liệu so với xe sử dụng động cơ chạy bằng xăng (chỉ cần 3,5 lít xăng cho 100 km). Hệ thống thông minh cho phép động cơ xăng và điện tự động thay thế nhau linh hoạt, tạo ra hiệu quả hoạt động tối ưu. Bên cạnh đó, khi mô tơ điện hoạt động để thay thế động cơ xăng trong quá trình xe chạy sẽ làm giảm mức khí thải ra môi trường. Một chiếc xe chạy xăng có dung tích xi lanh 2.0 L thải ra tới 173g CO2/km, còn xe hybird chỉ thải ra 140g CO2/km. Khi xe hybrid chạy trong trạng thái điện hoàn toàn, chỉ có mô tơ điện làm việc, đảm bảo không phát thải CO2.

     Với những hiệu quả về BVMT, tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí vận tải của xe hybrid, các nước châu Âu đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển của các dòng xe thân thiện môi trường, thông qua việc đưa ra những điều kiện có lợi cho các đơn vị sản xuất, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng những dòng xe này. Ví dụ, Thụy Sỹ giảm thuế đường bộ 20% đối với các xe hybrid; Pháp giảm 50% thuế đăng kí cho các xe hybrid, xe chạy pin nhiên liệu và sử dụng khí gas hóa lỏng; tại Anh, các dòng xe hybrid thường được áp mức thuế thấp hơn so với các dòng xe khác từ 3 - 4 lần...

 

Xe Prius hybird của Toyota được giới thiệu tại Hội thảo Công nghệ Toyota hybrid ngày 1/6/2017 tại Hà Nội

 

     Một số quốc gia ở châu Á cũng ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường. Tại Thái Lan, xe hybrid chỉ chịu mức thuế nội địa là 10% cho xe có dung tích động cơ dưới 3.000 phân khối. Trong khi mức thuế này với dòng xe cùng loại là từ 30% - 40%. Xe sử dụng điện và pin nhiên liệu chịu mức thuế tiêu thụ nội địa là 10%, trong khi với các dòng xe khác từ 30% - 50%. Ở Hàn Quốc, chủ xe hybrid cũng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế khi mua xe như giảm 50% thuế đường bộ và mua bảo hiểm ít hơn so với xe thông thường. Chính phủ Nhật cũng miễn thuế đánh vào trọng lượng xe và lệ phí trước bạ cho các loại xe sử dụng điện, pin nhiên liệu, hybrid, plug-in hybrid, các loại xe sử dụng khí thiên nhiên nén. Đặc biệt, tại Malaixia, khái niệm xe xiết kiệm nhiên liệu (EEV) được quy định rất rõ, đó là các loại xe đạt các tiêu chuẩn về mức phát thải cácbon (g/km) và mức tiêu hao nhiên liệu (lít/100 km). Xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe chạy điện, xe sử dụng các nhiên liệu thay thế… đều được xếp là xe EEV và được hưởng nhiều ưu đãi như hỗ trợ thuế đầu tư, trợ cấp, tạo điều kiện cho phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như bị đánh thuế thấp hơn.

     Chính sách của Việt Nam về phát triển xe hybrid

     Tại Việt Nam, với tình trạng thường xuyên tắc đường, lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, xe hybrid có thể là phương án khả thi. Cách đây khoảng 8 năm, đã xuất hiện một số loại xe hybrid đầu tiên tại Việt Nam, tuy nhiên, cho đến nay, số lượng xe hybrid vẫn còn hạn chế. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), từ năm 2010 đến nay, mới có khoảng 1.229 xe hybrid và 7 xe ôtô điện tại Việt Nam. Sở dĩ số lượng xe hybrid ít như vậy là do các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng không “mặn mà” bởi giá thành xe hybrid cao hơn so với xe bình thường. Mức giá xe hybrid cao chủ yếu là do các khoản thuế. Theo Bộ Tài chính, chỉ những xe sử dụng năng lượng điện kết hợp với xăng (với tỷ lệ sử dụng 70% xăng - 30% điện) và có hệ thống nạp điện ở ngoài mới được hưởng ưu đãi, còn xe hybrid với hệ thống chuyển đổi năng lượng biến thiên (từ xăng sang điện) không được thừa nhận là xe xanh. Hiện tại, những loại xe xanh được áp dụng mức Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thấp hơn 20% so với xe thông thường. Trong khi đó, các Bộ, ngành chưa có sự thống nhất về khái niệm các loại xe thân thiện với môi trường, cũng như tiêu chí đánh giá xe xanh. Ngoài ra, việc người dân không lựa chọn sử dụng xe hybrid là vì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa khá cao và hiện tại, ở Việt Nam chưa có trung tâm bảo dưỡng chuyên dành cho dòng xe này.

     Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng tập trung vào phát triển các dòng xe thân thiện môi trường gồm các loại xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải như: xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học… Một số chuyên gia cho rằng, do công nghệ thay đổi không ngừng, cho nên chính sách ưu đãi trong Luật không nên quy định một loại xe, hay một loại công nghệ cụ thể nào mà cần sử dụng thuật ngữ có tính khái quát, áp dụng đối với nhiều loại phương tiện khác nhau. Quan trọng nhất là phải có quy định về xác định mức độ phát thải của phương tiện, đánh giá mức độ thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn phát thải khí thải, mức tiêu hao năng lượng làm căn cứ để xác định các mức ưu đãi. Qua đó, cần xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế như đánh giá tác động theo hướng các ưu đãi có làm giảm giá thành sản phẩm, mở rộng nguồn cung, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm là dòng xe thân thiện môi trường.

     Mặc dù, Việt Nam đã có đầy đủ những cơ chế, chính sách ưu đãi cho dòng xe thân thiện môi trường, nhưng nhiều cơ chế, chính sách vẫn chưa đi vào thực tế. Vì thế, Chính phủ cần xây dựng lộ trình phát triển các loại xe thân thiện môi trường phù hợp với đà tăng trưởng số lượng ô tô nhanh như hiện nay. Việc tạo cơ chế, khuyến khích sử dụng dòng xe thân thiện môi trường sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu chế tạo xe “xanh”, người dân sẽ tăng cường sử dụng và Nhà nước cũng được hưởng lợi do quá trình vận hành giảm khói bụi, khí thải.

 

Nguyễn Văn Phong

Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018

 

 

Ý kiến của bạn