Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tăng cường triển khai các chương trình tín dụng xanh ở Việt Nam

02/01/2018

   Trong những năm gần đây, các ngân hàng chú trọng phát triển tín dụng xanh (TDX), chủ yếu tập trung vào các dự án BVMT. Việc thực hiện TDX đã đem lại những lợi ích về tăng trưởng kinh tế, đáp ứng mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) và phát triển bền vững. Đồng thời, phát triển TDX là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong, ngoài nước, tránh được những rủi ro về môi trường, đồng thời, cộng đồng và người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

   Nguồn lực tài chính cho TDX

   Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2017, dư nợ TDX đạt khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% so với thời điểm cuối năm 2016. Tốc độ tăng trưởng này được đánh giá là nhanh, gấp đôi năm 2016 (14,7%). Dòng vốn TDX chủ yếu tập trung vào các dự án như sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, rác thải, khí thải, tiết kiệm năng lượng, thủy điện… Thực tế hiện nay, nhu cầu về vốn cho các dự án này đang ngày càng tăng, trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều khuyến khích xu hướng đầu tư cho dự án BVMT, biến đổi khí hậu (BĐKH). Các chuyên gia cũng đánh giá, hiện tỷ lệ TDX chỉ chiếm 1,6 - 1,7% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đây là con số thấp so với nhu cầu thực hiện các mục tiêu TTX và ứng phó với BĐKH. Nguyên nhân là do việc tiếp cận gói TDX của các DN gặp không ít khó khăn, trở ngại. Các ngân hàng thường chú trọng những sản phẩm cho vay thương mại thông thường do dự án TDX có quy mô nguồn vốn lớn, thời gian đầu tư dài và rủi ro cao. Ngoài ra, các DN khi đầu tư vào lĩnh vực mới, việc thực hiện thủ tục thẩm định thế chấp mất nhiều thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho TDX tại các ngân hàng phần lớn vẫn dựa vào chương trình/dự án có nguồn vốn tài trợ quốc tế…

   Hiện nay, nguồn tài chính cho TDX chủ yếu là từ Quỹ ủy thác TDX (GCTF). Quỹ là sáng kiến của Chính phủ Thụy Sỹ dành cho một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Quỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho DN vừa và nhỏ ở Việt Nam, chủ yếu là các dự án thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện môi trường. Cơ chế hỗ trợ của Quỹ gồm 2 hình thức song song: Bảo lãnh 50% vốn vay tín dụng đổi mới công nghệ tại ngân hàng thương mại; trả thưởng 15% hoặc 25% tổng giải ngân tín dụng khi tác động môi trường sau dự án đầu tư được đánh giá đạt mức yêu cầu. Tham gia các hoạt động của Quỹ là 3 ngân hàng của Việt Nam (ACB, Techcombank và VIB), đóng vai trò đánh giá khách hàng về hiện trạng tài chính, đàm phán và thiết lập các điều kiện cho vay với DN, quản lý việc giải ngân, thu hồi vốn vay, khai thác nguồn khách hàng mới và tập trung quảng bá... Nguồn ngân sách của Quỹ do Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ hỗ trợ. Những dự án được xem xét cho vay buộc phải tuân thủ những tiêu chí nghiêm ngặt về quy mô công ty, hình thức sở hữu, tình trạng DN, ngành nghề, quy mô tín dụng...

   Triển khai các chương trình TDX

   Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020, ngày 24/3/2015, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng TDX và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình TDX, cụ thể như từ năm 2015, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã hợp tác với Công TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) tài trợ 90 triệu USD cho Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại TP. Hồ Chí Minh và làm đầu mối giải ngân 620 triệu USD cho 4 dự án tài chính nông thôn, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ từ năm 1999 đến nay. Cùng với BIDV, 3 ngân hàng (Agribank, Sacombank và Vietcombank) đã cho vay thí điểm các dự án kinh doanh năng lượng tái tạo, xử lý tái chế rác thải môi trường, giảm thiểu các tác hại từ BĐKH, với tổng giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của NHNN về thúc đẩy tăng trưởng TDX, từ cuối năm 2016 đến nay, Agribank đã triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”, với kinh phí 50.000 tỷ đồng, nhằm chung tay xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững. Từ nguồn vốn này, Agribank đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La), hoa quả, rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên… Bước đầu, các mô hình này mang lại thu nhập cao cho DN.

HSBC sẽ ngừng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than mới

   Mới đây, Ngân hàng TMCP An Bình (AB Bank) chính thức tham gia nhóm Sáng kiến Tài chính Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP FI). AB Bank trở thành thành viên của UNEP FI nhằm thúc đẩy tăng trưởng TDX, đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX. Đây cũng là tiền đề nghiên cứu một số sản phẩm thúc đẩy tỷ trọng TDX trong hoạt động của ngân hàng, giúp tránh được rủi ro về tài chính. AB Bank cũng chú trọng xây dựng sản phẩm TDX, với mục đích hướng tới các dự án đảm bảo tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Hiện các ngân hàng ACB, Sacombank, Techcombank... đã tham gia thực hiện Bộ tiêu chuẩn về môi trường - xã hội yêu cầu các dự án và đối tác vay vốn phải tuân thủ nhằm “xanh hóa” tín dụng. Bộ tiêu chuẩn đề ra yêu cầu báo cáo thẩm định tín dụng phải có nội dung thẩm định các điều kiện BVMT. Trong đó, báo cáo phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường của quá trình sản xuất và biện pháp BVMT. Ngoài ra, thẩm định cho vay tín dụng phải rà soát được rủi ro đối với môi trường khi khách hàng vi phạm quy định BVMT.

   Thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX đến năm 2020, Ngân hàng HSBC vừa cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD cho các hoạt động tài chính và đầu tư bền vững đến năm 2025. Theo đó, HSBC sẽ tăng cường hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng sạch và những công nghệ phát thải ít các bon, cũng như các dự án hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cùng với đó, HSBC cũng cam kết sử dụng 100% nguồn điện tái tạo vào năm 2030, mục tiêu tạm thời là 90% vào năm 2025. Đồng thời, giảm hợp tác với dự án than nhiệt lượng cao và chủ động quản lý quá trình chuyển đổi đối với các ngành có hàm lượng thải các bon cao khác. Điều này bao gồm việc ngừng cấp vốn cho nhà máy nhiệt điện than mới tại các thị trường phát triển và mỏ than nhiệt trên toàn thế giới.

   Đề xuất các giải pháp phát triển TDX

   Để triển khai hiệu quả các chương trình TDX, trong thời gian tới, NHHN cần thực hiện lồng ghép quy định về quản lý rủi ro môi trường - xã hội vào Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD thực hiện. Đồng thời, NHNN cần xây dựng một kế hoạch đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến các chương trình TDX cụ thể, cũng như có cơ chế khuyến khích, tăng cường vốn và năng lực… nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng phục vụ hiệu quả cho mục tiêu TTX và phát triển bền vững; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế thúc đẩy tài chính xanh.

   Ngoài ra, các ngân hàng cần xây dựng kế hoạch phát triển TDX phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; Xây dựng quy chế đánh giá quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong việc cấp TDX. Việc rà soát, chọn lọc hồ sơ các dự án cần thận trọng để hạn chế rủi ro môi trường - xã hội khi cấp tín dụng. Đồng thời, tạo cơ chế tài chính bền vững về thời hạn, lãi suất, thủ tục bảo lãnh…; hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế, Quỹ tiền tệ triển khai hiệu quả các chương trình TDX. Các ngân hàng cũng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ xây dựng văn hóa ngân hàng xanh, tích cực phổ biến đến khách hàng về các sản phẩm TDX của ngân hàng.

   Mặt khác, các DN cần tìm hiểu chính sách ưu đãi, hỗ trợ về lãi suất, thủ tục vay vốn, tài sản đảm bảo để tăng cường đầu tư vào dự án thân thiện với môi trường; đồng thời, nâng cao nhận thức cũng như có sự kết nối giữa ngân hàng và DN để tìm kiếm các nhu cầu đầu tư xanh.

Trần Thế Anh
Ngân hàng Phương Đông (OCB)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017

Ý kiến của bạn