Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào Khơ Mú ở tỉnh Yên Bái

02/03/2018

   Cách trung tâm huyện Văn Chấn gần 20 km, Nghĩa Sơn là xã duy nhất của tỉnh Yên Bái có đồng bào Khơ Mú sinh sống. Người Khơ Mú ở đây có trên 1.500 người, tuy số lượng không lớn nhưng đồng bào luôn có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Do tập quán canh tác và cuộc sống sinh hoạt gắn bó mật thiết với thiên nhiên nên trong văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào luôn mang đậm dấu ấn của núi rừng. Ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi theo sự phát triển chung của đất nước, song dấu ấn của núi rừng vẫn còn thể hiện sinh động trong đời sống sinh hoạt, trang phục truyền thống, âm nhạc dân gian và phong tục tập quán của người Khơ Mú.

Thiếu nữ Khơ Mú với các điệu múa mừng Xuân

 

   Truyền thống đón Tết của đồng bào Khơ Mú

   Cũng như người Kinh, đồng bào Khơ Mú ăn Tết cổ truyền theo Tết Nguyên đán. Vào khoảng cuối tháng Chạp là thời gian đồng bào chuẩn bị cho ngày Tết với mong muốn một năm mới đem lại nhiều may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Tục đón Tết của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn khá độc đáo. Điểm nổi bật trong ngôi nhà của đồng bào trong dịp Tết đó là 2 bàn thờ: Bàn thờ ma nhà và bàn thờ thổ công được trang hoàng lộng lẫy, sặc sỡ, các loại giấy màu đỏ được trang trí khắp khu vực bàn thờ trong những ngày Tết.

   Theo tập quán, các cụ già chú ý nghe xem từ đêm giao thừa đến sáng con vật gì sẽ kêu trước. Người dân cho rằng, nếu con gà kêu trước thì năm đó sẽ mất mùa vì gà lúc nào cũng ăn; nếu lợn hay chó kêu trước sẽ được mùa và no đủ vì chó thì sang, lợn thì sung túc; con mèo kêu trước sẽ có nhiều chuột đến phá nương rẫy của đồng bào. Trong ngày mùng 1 đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình người Khơ Mú. Chính vì vậy, người xông nhà thường được người dân lựa chọn, chuẩn bị trước và nhất thiết phải là nam giới. Người Khơ Mú cũng kiêng sang làng khác chơi hay chúc Tết vào ngày đầu năm bởi họ cho rằng, sang làng khác thì mọi của cải trong làng sẽ đi theo, làm cho bản làng mình đói kém cả năm.

   Bên cạnh đó, vào ngày Tết cổ truyền, mỗi gia đình Khơ Mú đều phải mổ một con lợn dù to hay nhỏ để cúng tổ tiên. Lợn cúng tổ tiên và ma nhà của đồng bào Khơ Mú không mổ trước Tết mà tùy thuộc vào từng gia đình cùng những kiêng kỵ mà họ sẽ mổ lợn cúng vào ngày mùng 1, mùng 2 hay mùng 3 Tết. Khi mổ lợn, gia chủ mời dân làng tới dự và ăn Tết cùng gia đình để cảm ơn và là dịp để mời dân làng uống rượu. Sau ngày mùng 1, dân làng đi chúc Tết, dự lễ mổ lợn cúng và ăn Tết tại các gia đình khác. Theo tập quán, con cháu cùng bố mẹ đi chúc Tết và mừng thọ ông bà, ông bà thường mừng mỗi cháu một đôi bánh chưng lấy may cùng lời chúc phúc, dặn dò con cháu luôn luôn ngoan ngoãn, nghe lời người lớn. Do vậy, trong ngày Tết, đồng bào Khơ Mú thường làm nhiều bánh chưng để mừng tuổi con cháu.

   Vui Xuân, người làng còn tụ họp tại trung tâm xã, cùng say với các điệu múa mừng Xuân, mừng mẹ lúa, ngày mùa. Trước đây, lễ hội đánh chiêng thường kéo dài từ 30 Tết đến hết rằm tháng Giêng, khi đó, hầu như nhà nào cũng có 1 - 2 chiếc chiêng. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới, lễ hội đánh chiêng chỉ kéo dài trong 3 ngày Tết. Tiếng cồng, trống, chiêng, đàn tính tờ la, pí tót, đao, khèn... hòa quyện vào nhau tạo nên những âm điệu rất riêng của núi rừng.

   Người Khơ Mú ăn Tết cổ truyền tới rằm tháng Giêng mới kết thúc. Vào ngày này, gia đình làm lễ “đuổi ma” về rừng, bàn thờ được dỡ bỏ và từ hôm sau mọi người bắt đầu các công việc thường ngày.

   Tục lấy nước đầu năm - nét đẹp trong kho tàng văn hóa của người Khơ Mú

   Với mục đích giáo dục con cháu biết giữ nước, giữ rừng, quý trọng thiên nhiên, người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn vẫn lưu truyền tục lệ lấy nước mới đầu năm và coi đây là hoạt động mang lại niềm vui, sự may mắn cho gia đình, cộng đồng mỗi dịp đầu Xuân, năm mới.

Phụ nữ Khơ Mú đi lấy nước mới với mong muốn mang lại nhiều may mắn cho gia đình

 

   Theo quan niệm của người Khơ Mú, tục lấy nước vào buổi sáng đầu năm mới là việc làm quan trọng, thể hiện cách ứng xử của người dân với môi trường thiên nhiên và các quan niệm về vai trò của nước trong cuộc sống. Để có nguồn nước trong lành, từ ngày 25, 26 Tết, già làng, trưởng bản huy động người dân làm vệ sinh nước từ đầu nguồn, thay máng nước mới. Khác với tục lấy nước của một số dân tộc khác, người lấy nước cho mỗi gia đình Khơ Mú không phải là chủ gia đình mà là những cô gái khỏe mạnh, bởi theo quan niệm, phụ nữ trong gia đình giữ vai trò quan trọng, là người thương yêu, chăm sóc cho gia đình, phụ trách việc bếp núc, cấy cầy và gieo trồng, do vậy, nước gắn chặt với công việc hàng ngày của người phụ nữ. Vì thế, họ sẽ đi lấy nước mới trong ngày đầu năm cho toàn thể gia đình để mong nhận được nhiều may mắn.

   Vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết, các thiếu nữ Khơ Mú đến nơi chuẩn bị dụng cụ đựng nước để đi lấy nước. Để có được nguồn nước trong lành, các cô gái phải vượt quãng đường xa, lên khe nước đầu nguồn, chắt chiu từng giọt nước tinh khiết nhất từ trên cao chảy xuống. Người Khơ Mú cho rằng, nếu gia đình nào không đi lấy nước mới, cả năm sẽ không gặp may mắn, con người không được khỏe mạnh như cây không có nước, vật nuôi trong gia đình không lớn nhanh, cây cối, hoa màu không xanh tốt.

   Khi các cô gái đi lấy nước, những thành viên còn lại trong gia đình cũng thức dậy dọn dẹp nhà cửa và quây quần bên bếp lửa, hàn huyên chuyện trò. Nước mới lấy về được chọn ra một ống rót cho các thành viên trong gia đình mỗi người một chén để lấy may. Đại diện con, cháu lấy nước mời ông bà, bố mẹ để bày tỏ tình cảm, sự kính trọng. Cùng với việc rót nước mời các thành viên gia đình, nước mới cũng được rót để thờ cúng tổ tiên, ma nhà, số còn lại dùng để nấu nướng, chế biến thức ăn trong những ngày Tết. Điểm đặc biệt ở tục lấy nước của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn là trong quá trình lấy nước, các cô gái sẽ bí mật lựa chọn 1 hòn đá may mắn dưới lòng suối sâu coi như bắt được của trong ngày đầu năm mới.

   Tục lấy nước đầu năm của người Khơ Mú là tục lệ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, giáo dục con cháu phải biết bảo vệ và giữ gìn nguồn nước, bảo vệ rừng, môi trường để phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt. Trước đây, khi lấy nước mới về, mọi người trong gia đình còn cân nước để đánh giá, xem xét về môi trường, nguồn nước, chỉ bảo con cháu chủ động trong sản xuất. Cùng với thời gian, tục cân nước đã bỏ đi, nhưng những giá trị và ý nghĩa nhân văn của tục lệ này vẫn còn nguyên vẹn để mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn lại thực hiện với niềm vui, ước vọng một năm mới tốt lành hơn.

   Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần. Hòa chung với không khí tấp nập, nhộn nhịp vui Xuân của cả nước, đồng bào Khơ Mú đang tích cực hoàn thành các công việc chuẩn bị cho ngày Tết. Củi lửa, nguyên liệu gói bánh chưng, lương thực, thực phẩm, dọn dẹp nhà cửa và đặc biệt hơn là chuẩn bị con lợn cúng tổ tiên, ma nhà đã sẵn sàng. Hy vọng một cái Tết no ấm sẽ đến với người dân nơi đây.

                Phạm Thị Lan Anh

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn