Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Phát triển Văn phòng Xanh góp phần bảo vệ môi trường

14/03/2018

     Cùng với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang phải đối mặt với các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững, đặc biệt, các hành vi tiêu dùng bền vững chưa trở thành lối sống phổ biến của người dân. Do đó, xây dựng Văn phòng Xanh (VPX) góp phần BVMT, tiết kiệm chi phí vận hành bằng những hành động đơn giản như dùng giấy in hai mặt hoặc giấy tái chế, sắp xếp chỗ ngồi trong phòng hợp lý để tiết kiệm điện… là mô hình mà các doanh nghiệp nên lựa chọn.

     Hàng năm, cả nước tiêu thụ 117,226,907 MWh cho 89 triệu dân, với 1,306 kWh bình quân đầu người. Khoảng 50% lượng điện được sử dụng bởi các doanh nghiệp (khối công nghiệp), 4,6% được sử dụng bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ và 40,1% được sử dụng bởi hộ gia đình/các tổ chức khác. Đặc biệt, một văn phòng dịch vụ trung bình với khoảng 60 nhân viên (sử dụng tổng diện tích khoảng 250 m2, tòa nhà 3 tầng) có chi phí vận hành văn phòng tương đương 13,000 USD, trong đó điện thường tiêu tốn khoảng 10.000 USD (hay 1.000 MWh/năm), các chi phí đáng kể khác là giấy, mực in, hóa chất tẩy rửa. Đối với văn phòng này, phát thải khí nhà kính (KNK) khoảng 82,2 tấn CO2/năm. Thực tế cho thấy, cải thiện hành vi tiêu dùng bền vững của nhân viên và lựa chọn các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên (nước, giấy, văn phòng phẩm,...) trong văn phòng sẽ góp phần giảm từ 10% - 20% lượng phát thải KNK mỗi năm, tương đương với 16,44 tấn/năm hay khoảng 0,234 tấn CO2/đầu người/năm đối với các văn phòng có số lượng nhân viên trung bình là 60 người. Theo số liệu thống kê mới nhất năm 2016, với 2,8 triệu cán bộ và viên chức, cải thiện hành vi tiêu dùng bền vững của các nhân viên và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong các văn phòng công sẽ giúp giảm 459.200 tấn CO2/năm. Việc này sẽ góp phần đáng kể vào chiến lược giảm phát thải KNK của Việt Nam.

     Năm 2007, Việt Nam đã triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng thí điểm 5 VPX của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF). Các văn phòng được hỗ trợ để đáp ứng các tiêu chuẩn GO WWF (là tiêu chuẩn VPX). Tuy nhiên, mô hình VPX theo chuẩn WWF chưa được nhân rộng. Một số hệ thống dán nhãn và cấp chứng nhận khác cho tòa nhà xanh (LEEDs) và khách sạn xanh (LOTUS) đã được quảng bá, nhân rộng, tuy nhiên các hệ thống này thích hợp với doanh nghiệp, tổ chức lớn và yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn để xây mới, sửa chữa lại theo hướng “xanh”. VPX sẽ tập trung thay đổi ý thức và hành vi của nhân viên hướng tới thực hành tiêu dùng bền vững, không ngừng cải tiến và thực hiện những giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo môi trường làm việc lành mạnh và thân thiện.

 

Dán nhãn nhắc nhở tiết kiệm điện và nước - một trong các sáng kiến VPX

 

     Bên cạnh đó, VPX sẽ đưa ra những giải pháp đóng góp cho các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến môi trường, lối sống bền vững (các bon thấp) và chống biến đổi khí hậu. Giải pháp VPX sẽ giúp tổ chức/doanh nghiệp giảm chi phí cho tiêu dùng (chi phí in giảm đến 50%), giảm phát thải KNK (giảm đến 20%) và ô nhiễm môi trường thông qua sử dụng hiệu quả điện (thay một bóng đèn ICL 100W bằng một bóng đèn CFL 20Wcó thể giảm phát thải CO2 bình quân 1 năm là 83 kg, sử dụng điều hòa 5 sao công suất 1.650 thay cho điều hòa 2 sao công suất tương tự có thể giảm phát thải CO2 bình quân 1 năm là 283 kg), giấy in… Những tác động từ sự thay đổi của hàng triệu nhân viên trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên sẽ đóng góp không nhỏ cho mục tiêu giảm phát thải ra môi trường.

     Tiến trình thực hiện VPX bao gồm 5 bước chính: Chuẩn bị; Đánh giá thực trạng; Xây dựng phong cách sống xanh cho nhân viên và triển khai sáng kiến bền vững; Đánh giá kết quả triển khai; Hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường. Hiện Dự án VPX (do Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc tài trợ và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam thực hiện) đã xây dựng một Bộ công cụ triển khai lối sống bền vững tại văn phòng. Bộ công cụ hướng dẫn tổ chức xây dựng hệ thống quản lý môi trường (nhóm chuyên trách, các chính sách, ban hành các quy định, quy trình thực hiện, lên kế hoạch hành động cải tiến không ngừng, nỗ lực giảm phát thải từ các hoạt động của văn phòng mà trong đó sự đóng góp sáng kiến và tham gia thực hành của nhân viên văn phòng là nòng cốt), tập huấn xây dựng phong cách sống xanh cho nhân viên văn phòng, hướng dẫn xây dựng cẩm nang thực hành tiêu dùng cho các tiêu thụ chính trong văn phòng như điện, nước, giấy, thiết bị văn phòng, thải bỏ, đánh giá sự thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của nhân viên.

     Cùng với đó, Dự án VPX cũng xây dựng bộ tiêu chuẩn VPX nhằm giúp văn phòng thiết lập các quy trình kiểm kê KNK, xác định các nguồn chính của khí thải các bon, đề xuất các bước cần thiết để giám sát cũng như đưa ra hướng dẫn báo cáo, thẩm tra phát thải KNK.

     Như vậy, để xây dựng một VPX, công ty/tổ chức cần xây dựng một hệ thống quản lý môi trường “đơn giản” (EMS), cho phép lập kế hoạch và triển khai một cách hệ thống những giải pháp cải tiến, thực hành hiệu quả, đảm bảo quá trình cải tiến được liên tục. Hệ thống EMS được tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động hàng ngày của nhân viên, kế hoạch năm cũng như hệ thống quản lý chung của tổ chức. Mặt khác, để thành công, VPX cần sự cam kết của lãnh đạo, bố trí cán bộ chuyên trách điều phối các hoạt động, sáng kiến bền vững và một nhóm cán bộ được giao nhiệm vụ xây dựng VPX (GO Team), có khả năng xác định được tác động môi trường đối với việc tiêu dùng của văn phòng (tập trung chính vào tiêu dùng điện, nước, giấy, văn phòng phẩm, đi lại, quản lý rác thải, môi trường làm việc của nhân viên, các quy trình và chính sách mua bán của tổ chức). Đồng thời, thực hiện đào tạo thay đổi hành vi tiêu dùng của nhân viên, khuyến khích các sáng kiến tiêu dùng bền vững, đặc biệt GO Team sẽ giúp lãnh đạo xây dựng mục tiêu và chính sách tiêu dùng bền vững của tổ chức. GO Team sẽ xây dựng hệ thống EMS, cho phép đo lường và theo dõi quá trình xây dựng VPX, cũng như sự đóng góp của mỗi cá nhân vào quá trình giảm lượng phát thải của tổ chức.

 

Nguyễn Thị Bích Hòa

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018

 

Ý kiến của bạn