Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài mèo lớn

05/03/2018

     Tại phiên họp 68 năm 2013, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra quyết định lấy ngày 3/3 - Ngày ký Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã (ĐVHD) là Ngày ĐVHD thế giới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ các loài ĐVHD.

     Với chủ đề “Mèo lớn - Thú săn mồi đang bị đe dọa”, ngày ĐVHD thế giới năm 2018 là cơ hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những nguy cơ mà các loài mèo lớn đang phải đối mặt, từ đó cùng nhau ủng hộ những nỗ lực trong, ngoài nước nhằm bảo vệ các loài thú săn mồi hùng dũng và uy nghiêm này.  

     Các loài mèo lớn trên thế giới hiện nay bao gồm: Hổ, sư tử, báo đốm, báo hoa mai, báo tuyết, báo săn, báo sư tử, báo gấm… đều được xem là biểu tượng cho sức mạnh và sự dũng mãnh. Chúng giúp duy trì số lượng các loài động vật ăn cỏ trong mức giới hạn, từ đó tác động tới tính đa dạng loài của các loài thực vật. Sự biến đổi của các loài động vật ăn thịt ở đỉnh của hệ sinh thái như mèo lớn có thể điều chỉnh toàn bộ hệ thống. Do đó, các loài mèo lớn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học.

     Tất cả các loài mèo lớn hiện nay trên thế giới đều được bảo vệ trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Tuy nhiên ngày nay, những loài này đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa bởi các hoạt động của con người. Số lượng các loài mèo lớn suy giảm ở mức đáng báo động do mất môi trường sống, suy giảm nguồn thức ăn và hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép của con người. Số lượng cá thể hổ trên thế giới hiện chỉ còn còn khoảng 3.900 cá thể hổ trong tự nhiên (giảm 95% trong một thế kỉ). Trong hai thập kỉ qua, số lượng sư tử cũng giảm 43% và đã biến mất trên khoảng 90% những vùng lãnh thổ chúng đã từng xuất hiện.

     Việt Nam cũng là nơi cư trú của một số loài mèo lớn như hổ Đông Dương, báo hoa mai… Mặc dù được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất nhưng các loài này cũng đang phải đối mặt với không ít mối đe dọa. Mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ tại Việt Nam là hoạt động săn bắn và buôn bán hổ trái phép để lấy xương bào chế các loại thuốc cổ truyền. Ngoài ra, hổ con hay một số bộ phận cơ thể khác của hổ thường dùng để ngâm rượu. Các tiêu bản hổ nhồi bông, các bộ phận khác như da, móng, hoặc nanh cũng được coi là các đồ trang trí và trang sức có giá trị cao.

 

 

     Đặc biệt, hổ Đông Dương là loài đối diện với nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất. Hổ Đông Dương được bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm (CITES) . Theo đó, việc săn bắn, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ, vận chuyển, buôn bán hay quảng cáo hổ và các sản phẩm từ hổ là vi phạm pháp luật.

     Bà Trần Thị Thuỳ Dương, Phòng Bảo vệ ĐVHD của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Trong năm 2017, Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV đã ghi nhận 218 trường hợp vi phạm liên quan đến hổ, trong đó 92 trường hợp quảng cáo và buôn bán, chủ yếu là trên mạng internet, 13 trường hợp buôn lậu, tàng trữ hổ và các bộ phận, sản phẩm liên quan.

     Ngoài ra, ở Việt Nam hoạt động gây nuôi hổ vẫn đang diễn ra. Theo thống kê của ENV, tính đến hết năm 2017, có khoảng 202 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt ở 14 trang trại và vườn thú tư nhân trên cả nước. Một số trang trại được cho rằng đang ra núp dưới vỏ bọc “trang trại được cấp phép” để buôn bán trá hình.

     Bên cạnh đó, quần thể hổ hoang dã của Việt Nam cũng bị đe dọa bởi việc mất môi trường sống mà nguyên nhân chính là do nạn chặt phá rừng cũng như sự suy giảm nghiêm trọng của nguồn thức ăn cho hổ như bò rừng, hươu nai… do các loài ĐVHD này cũng đang bị săn bắt ở mức đáng báo động.

     Để có thể bảo vệ loài hổ và các loài mèo lớn nói chung trước nguy cơ tuyệt chủng, trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường việc thực thi pháp luật, điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu các loài mèo lớn cũng như đường dây hoạt động của chúng trong việc tuồn lậu hổ vào Việt Nam, đồng thời tăng cường thể chế, chính sách có liên quan đến vấn đề bảo vệ những loài này.

     Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần kiểm soát sự phát triển của các cơ sở nuôi nhốt hổ. Nhà nước cũng cần cụ thể hóa các quy định hiện hành về điều kiện cấp phép cũng như quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như hổ. Việc cấp phép nuôi nhốt hổ hay các loài nguy cấp, quý, hiếm khác chỉ nên giới hạn vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giáo dục cho các cơ sở đáp ứng những yêu cầu cụ thể theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo môi trường sống lành mạnh và an toàn cho các loài ĐVHD ngoài tự nhiên.

      Cá nhân mỗi người cũng có thể góp sức bảo vệ hổ bằng cách cam kết không tiêu thụ các sản phẩm từ hổ; Kêu gọi người thân, bạn bè và những người xung quanh không sử dụng các sản phẩm từ hổ; Thông báo các hành vi săn bắt, quảng cáo, vận chuyển, buôn bán hổ đến các cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi đến đường dây nóng miễn phí 1800 - 1522.

 

Gia Linh

Ý kiến của bạn