Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng: Nơi ẩn chứa nhiều giá trị sinh thái đặc trưng của vùng núi đá Đông Bắc bộ

05/02/2018

   Nằm trên địa bàn huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thần Sa - Phượng Hoàng được giao quản lý, bảo vệ 52.359 ha rừng trải dài qua các xã Thần Sa, Thượng Nung, Sảng Mộc, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Cúc Đường, Phú Thượng và thị trấn Đình Cả, trong đó có 17.474 ha rừng đặc dụng, với nhiều loại gỗ và động, thực vật quý hiếm đặc trưng của vùng núi đá Đông Bắc bộ.

   Giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH)

   Do địa hình chia cắt bởi núi đá hiểm trở (chiếm 87% diện tích đất rừng đặc dụng), nằm trên khu vực tận cùng phía Nam của dãy Ngân Sơn, với độ cao trung bình khoảng 700 m, KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng có hệ sinh thái rừng núi đá độc đáo, tính ĐDSH phong phú với nhiều nguồn gen, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

   KBTTN có địa hình núi đá vôi và điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm tạo nên tính đa dạng của các loài thực vật. Thống kê cho thấy, KBTTN có tổng số 1.096 loài thực vật thuộc 160 họ, trong đó, cây cho gỗ là 319 loài, dược liệu 574 loài, làm cảnh 84 loài, cây ăn quả 162 loài. KBTTN còn có một số loài cây quý, hiếm cần được bảo vệ nguồn gen và phát triển rộng như: Củ bình vôi, rau sắng, giảo cổ lam, ba kích, lan kim tuyến (Nhóm 1B)… Bên cạnh đó, rừng đặc dụng thuộc KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng hiện còn nhiều loại gỗ quý, hiếm: Nghiến, trai, lý, sến... với trữ lượng lớn.

   Không chỉ đa dạng về các loài thực vật, KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng còn phong phú về hệ động vật, với 295 loài, 93 họ và 80 bộ. Lớp thú có 56 loài, 25 họ và 8 bộ; loài chim có 117 loài, 43 họ và 15 bộ; 28 loài bò sát, có 15 loài thuộc nhóm IB và 19 loài thuộc nhóm IIB; lớp lưỡng cư có 11 loài; lớp cá 77 loài. Đặc biệt, khỉ mặt đỏ được phát hiện tại KBTTN là loài động vật quý, hiếm, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và danh sách các loài cần được bảo vệ và phát triển. Ngoài ra, KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng còn có nhiều hang động với vẻ đẹp tự nhiên như hang Thằm Bau, động Thăm Luông, hang Phiêng Tung, động Bó Pha, Thác mưa rơi… Nổi bật nhất là hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà với cảnh quan đẹp, hấp dẫn, giàu tiềm năng phát triển du lịch, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

   Công tác bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm

   Với đặc điểm địa hình đồi núi hiểm trở, nằm giáp ranh với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Cạn và là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan... nên công tác bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm của Ban quản lý (BQL) KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng gặp không ít khó khăn. Tại đây, kiểm lâm viên được “cắm” đến từng thôn, bản nhằm giữ rừng tận gốc. Hiện nay, KBTTN có 6 trạm kiểm lâm địa bàn làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và 10 chốt đặt tại các tuyến đường trọng yếu, duy trì tổ chức tuần tra, truy quét nhằm phát hiện và ngăn chặn các vụ phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép.

Lực lượng kiểm lâm thuộc BQL KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng tuần tra trên địa bàn

   BQL cũng đã xây dựng Quy hoạch phát triển rừng đặc dụng KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng đến năm 2020, với mục tiêu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững gắn với việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn nguồn gen, bảo vệ cảnh quan môi trường. Đây là cơ sở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rừng đặc dụng nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững rừng. Bên cạnh đó, BQL đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế khảo sát điều tra về các loài: Voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, vượn, cây gỗ đinh, lim, sến, táu… để có giải pháp bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm này.

   Nhằm phát huy giá trị “rừng vàng”, BQL thường xuyên phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia mở các lớp tập huấn về khuyến nông- khuyến lâm; xây dựng quy chế quản lý rừng đặc dụng để tạo việc làm, tăng thu nhập và tìm giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Đặc biệt, Dự án “Mở rộng mô hình trồng thâm canh cây chuối Tây theo hướng sản xuất hàng hóa tại một số xã trong KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng” do BQL KBTTN triển khai là hướng đi nhiều triển vọng, mang lại thu nhập từ rừng cho người dân, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng.

   Năm 2011, Thái Nguyên đã có chủ trương kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy BQL KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng, trong đó, thành lập 1 Hạt Kiểm lâm. Từ khi thành lập cho tới nay, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các xã trong khu vực tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Bảo vệ và phát triển rừng đến với người dân, đồng thời, tổ chức cho các hộ dân sống trong khu vực có rừng ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

   Để bảo tồn những giá trị ĐDSH tại KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng, trong thời gian tới, BQL sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng khai thác tài nguyên rừng trái phép; Chú trọng bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm; Tăng cường gây dựng cơ sở để kịp thời nắm bắt thông tin, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép…

                Thủy Lê

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn