Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

24 chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

31/01/2018

   Trước tình hình đô thị hóa nhanh, cùng với tác động của các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các đô thị phải có tầm nhìn, kế hoạch dài hạn, xây dựng cơ sở bền vững cho sự tăng trưởng dựa trên động lực có tính cạnh tranh, cũng như hiệu suất cao. Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh (TTX) sẽ là sự chuyển dịch cơ bản trong tư duy hệ thống về tăng trưởng đô thị và để đạt được mục tiêu đó, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, cũng như các bên liên quan. Với tư duy đúng, lộ trình phù hợp và nhiều giải pháp sáng tạo, đô thị TTX sẽ đóng góp một phần quan trọng vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên tinh thần của Chính phủ kiến tạo, các chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX vừa được ban hành (Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 5/1/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) là cơ sở hướng dẫn cụ thể để các đô thị đưa ra các chương trình, hành động rõ nét dựa trên kết quả thực hiện trong giai đoạn hiện nay, nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện TTX.

 Phát triển đô thị TTX nhằm giảm những tác động bất lợi đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên 

   Theo Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), đô thị TTX được hiểu là đô thị đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách, hoạt động đô thị, nhằm giảm những tác động bất lợi đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

   Tại mỗi quốc gia, các đô thị đã và đang áp dụng nhiều cách thức khác nhau để quản lý quá trình tạo dựng, hình thành và phát triển đô thị hướng tới các mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, các vấn đề cần được quan tâm quản lý, các thách thức cần được xem xét, các yếu tố tác động ngày càng trở nên phức tạp. Do vậy, quản lý dựa trên kết quả được đưa ra nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý, đẩy mạnh sự chủ động sáng tạo trong quá trình phát triển và phát huy tối đa năng lực và trách nhiệm của các bên thực hiện. Các tổ chức quốc tế như OECD, OIOS của Liên hợp quốc định nghĩa quản lý dựa trên kết quả là một chiến lược quản lý tập trung nhấn mạnh vào hiệu quả thực hiện và sự hoàn thành các sản phẩm, kết quả và tác động đã được xác định trước. Quản lý dựa trên kết quả không chỉ chú trọng sản phẩm ngắn hạn trước mắt mà còn chú trọng đến tác động của những kết quả đem lại của quá trình phát triển đối với mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới tương lai bền vững của xã hội.

   Đối với các mục tiêu phát triển đô thị TTX là vấn đề mới mẻ trong thực tiễn quản lý đô thị trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc áp dụng quan điểm quản lý dựa trên kết quả sẽ cho phép các đô thị chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù và thực tiễn phát triển của từng địa phương.

   Thời gian qua, nhiều mô hình đô thị gần gũi với quan điểm đô thị TTX đã và đang được nghiên cứu áp dụng cho Việt Nam như đô thị xanh, đô thị sinh thái (Eco City), đô thị kinh tế - sinh thái (E2 City), đô thị kinh tế - môi trường và công bằng (E2 and Equity City), đô thị thông minh (Smart City, Ubiquious City)... Các đô thị tiêu biểu đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện các nỗ lực TTX cũng chỉ thành công bước đầu trong một số lĩnh vực riêng biệt như giao thông công cộng, giảm phát thải, xanh hóa đô thị, phát triển công trình xanh... Quan điểm phổ biến hiện nay là không có một mô hình chung nào có thể áp dụng cho mọi đô thị. Với mỗi đô thị, cần đánh giá toàn diện thực trạng phát triển để từ đó, xác định định hướng, chiến lược và lộ trình thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị TTX cho từng bối cảnh, đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) cụ thể của đô thị.

   Hiện tại, ở Việt Nam, do chưa có quy định thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX, nên chính quyền địa phương chưa có căn cứ để tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, cập nhật các chỉ tiêu trong định hướng phát triển đô thị (quy hoạch, chương trình phát triển…), cũng như nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển đô thị theo định hướng TTX. Việc thu hút ưu tiên đầu tư xây dựng đô thị và đánh giá hiệu quả mục tiêu đầu tư so với nhiệm vụ TTX còn gặp nhiều khó khăn. Các đô thị chưa triển khai thực hiện một cách hệ thống và phát huy hiệu quả sự tham gia của các cấp chính quyền và cộng đồng. Mặt khác, công tác theo dõi, đánh giá thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị TTX cũng chưa được triển khai định kỳ, phát hiện các vấn đề tồn tại, bất cập để có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với diễn biến của tình hình KT - XH hàng năm và 5 năm của các đô thị.

   Theo kết quả khảo sát do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thực hiện vào tháng 7/2017 cho thấy, mới chỉ có 35% đô thị đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động phát triển đô thị TTX; hơn 50% đô thị đã có chỉ đạo của cấp Ủy và chính quyền đô thị. Để góp phần tháo gỡ khó khăn của các địa phương trong quá trình triển khai xây dựng đô thị TTX, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 5/1/2018 nêu rõ 24 chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX, áp dụng cho thực tiễn phát triển của các đô thị tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

   Các chỉ tiêu được xây dựng theo quan điểm quản lý dựa trên kết quả thực hiện, áp dụng cho từng nội dung cụ thể. Kết quả thực hiện hàng năm được so sánh đối với năm cơ sở để từ đó, đánh giá và đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần được ưu tiên cho những năm tiếp theo. Các chỉ tiêu được chia theo 4 nhóm (kinh tế, môi trường, xã hội và thể chế). Trong đó, có 5 chỉ tiêu nhóm kinh tế, 10 chỉ tiêu nhóm môi trường, 4 chỉ tiêu nhóm xã hội, 5 chỉ tiêu nhóm thể chế.

   Các chỉ tiêu về kinh tế giúp đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế thông qua sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Các chỉ tiêu môi trường nhằm đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, BVMT và giảm thiểu ô nhiễm, phát thải khí nhà kính trong phát triển đô thị. Các chỉ tiêu xã hội giúp đánh giá hiệu quả nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân đô thị. Các chỉ tiêu thể chế giúp đánh giá về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị đối với công tác xây dựng đô thị TTX.

   Các chỉ tiêu giám sát về TTX đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia về TTX như nồng độ ô nhiễm môi trường, lượng phát thải CO2 và khí nhà kính, tỷ lệ tiêu thụ năng lượng… là rất cần thiết. Tuy nhiên, để giám sát các chỉ tiêu trên trong lĩnh vực đô thị đòi hỏi có các trang thiết bị chuyên dụng đồng bộ, cũng như năng lực phân tích tổng hợp của cán bộ. Hiện tại, cũng chưa có phương pháp đánh giá phát thải khí nhà kính áp dụng cho các đô thị Việt Nam. Do đó, các chỉ tiêu đã được cân nhắc, lựa chọn phù hợp với thực tiễn các đô thị trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Chiến lược quốc gia về TTX, nhưng đồng thời, cũng đảm bảo điều kiện thực hiện, sử dụng tối đa hệ thống quản lý nhà nước hiện có của các đô thị.

   Hướng tiếp cận mới quản lý dựa trên kết quả thông qua việc quản lý giám sát các chỉ tiêu thực hiện hàng năm sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho chính quyền đô thị trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu TTX. Đồng thời, các chương trình dự án hướng tới TTX cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho các ngành kinh tế, đầu tư, năng lượng, đặc biệt là nâng cao chất lượng đời sống cho người dân đô thị. Mặc dù, việc hiện thực hóa các mục tiêu đô thị TTX còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chắc chắn đây là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển bền vững.

TS.KTS. Trần Quốc Thái
ThS. Lê Hồng Thủy

Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn