Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Điểm sáng trong công tác cứu hộ rùa đầu to tại Vườn Quốc gia Cúc Phương

13/03/2018

     Trong những năm gần đây, cùng với sự suy giảm môi trường sống và tác động của con người (chủ yếu là hoạt động săn bắt trái phép), loài rùa đầu to đang đối mặt với nguy cơ sinh tồn. Theo số liệu của Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương (TCC), Vườn quốc gia Cúc Phương, trong 5 năm qua, số lượng loài rùa đầu to tịch thu từ các hoạt động buôn bán trái phép và được TCC không ngừng tăng lên với số lượng lên tới hàng trăm cá thể.

 

Loài rùa đầu to

 

     Rùa đầu to nằm trong Danh lục Nguy cấp (IUCN 2017) cần được bảo vệ. Rùa đầu to thường sống trong các con suối trong rừng (nơi nhiệt độ thấp khoảng trên dưới 200C) và ăn một số loài thủy sinh như tôm, cua, ốc… Chúng rất dễ nhận ra với chiếc đầu to quá khổ (không thể thu vào bên trong mai và yếm) và chiếc mỏ vẹt sắc nhọn, có thể dễ dàng giúp chúng xé đôi con mồi nhỏ. Với hình dáng đặc biệt như vậy, rùa đầu to còn được gọi với nhiều tên khác nhau như rùa quái vật, rùa đớp, rùa bạo chúa… Về đời sống, rùa đầu to rất độc lập và đề cao tính chủ quyền lãnh thổ, chúng không chấp nhận việc chia sẻ lãnh địa với cá thể rùa đầu to khác, kể cả trong mùa sinh sản. Kết quả của việc xâm lấn lãnh địa thường được giải quyết bằng sức mạnh của cặp hàm mỏ vẹt sắc nhọn và kết thúc bằng những vết thương trên mình của kẻ yếu hơn.

 

Cứu hộ rùa từ Hà Nội

 

     Đến nay, TCC đã cứu hộ gần 200 cá thể rùa đầu to nguy cấp quý hiếm. Chúng được nuôi nhốt trong các thùng riêng biệt và được các nhân viên thay nước sạch, kiểm tra, chữa trị các vết thương. Đặc biệt có những trường hợp, lưỡi câu được phát hiện trong họng và dạ dày của rùa đầu to. Với những cá thể này, các chuyên gia thú y hàng đầu thế giới cùng với nhân viên TCC phẫu thuật tách lấy lưỡi câu. Tuy nhiên, sẽ cần tới vài năm để chúng có thể dần hồi phục sức khỏe.

 

Lưỡi câu trong dạ dày rùa đầu to

 

     TCC đã xây dựng một số khu chuồng nuôi mới nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe về môi trường sống của loài. Bên cạnh đó, TCC cũng tích cực nghiên cứu, phân tích nguồn gen ADN để xác định chính xác loài, phân loài, từ đó có hướng thả về tự nhiên. Đây là một tín hiệu đáng mừng với loài rùa đầu to nguy cấp quý hiếm nói riêng cũng như một minh chứng về khả năng cứu hộ, phục hồi loài của TCC, một điểm sáng trong công tác bảo tồn.

 

Đỗ Thành Hào

Vườn Quốc gia Cúc Phương

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2018

 

 

 

Ý kiến của bạn