Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 07/09/2024

Sơn La: Chú trọng thực hiện phân loại chất thải tại nguồn

06/09/2024

    Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đến ngày 31/12/2024 các tổ chức, cá nhân, đơn vị phải thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải thành nguồn tài nguyên tái tạo, nhằm góp phần giảm thiểu chi phí xử lý rác thải và bảo vệ môi trường Xanh - Sạch  - Đẹp.

    Nhiều biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện phân loại chất thải tại nguồn

    Hiện nay, rác thải sinh hoạt phát sinh tại 7 phường trên địa bàn TP. Sơn La với khối lượng 55 - 60 tấn/ngày; 5 xã với khối lượng 15 - 19 tấn/ngày. Các nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đến từ hộ gia đình, khu thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ…); công sở (cơ quan, trường học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện…); khu công cộng (bến xe, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố…); dịch vụ vệ sinh; các hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Toàn Thành phố đã bố trí 174 điểm tập kết xe gom rác đẩy tay, 2 trạm trung chuyển, 285 xe thu gom đẩy tay, 11 xe vận chuyển rác. Phạm vi thu gom, vận chuyển CTR trên địa bàn 7 phường đạt 100%; đối với 5 xã nông thôn, có 2 xã Chiềng Xôm, Chiềng Ngần thu gom hàng ngày; các xã còn lại thu gom 2 ngày/lần. Rác thải sau thu gom, vận chuyển, được xử lý bằng hình thức chế biến phân compost kết hợp chôn lấp hợp vệ sinh.

    Thực hiện công tác phân loại CTRSH tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phân loại; ban hành Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 2/11/2023, quy định cụ thể về phân loại, lưu giữ, điểm tập kết, trạm trung chuyển, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đồng thời, triển khai ký kết Chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phân loại rác; tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 6/7/2024 về thực hiện thí điểm phân loại CTRSH trên địa bàn 7 phường của Thành phố trong năm 2024.

    Theo Kế hoạch triển khai thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 7 phường của Thành phố năm 2024, mục tiêu đến hết ngày 31/8/2024, thực hiện thí điểm tại phường Tô Hiệu, phấn đấu ít nhất 40% số hộ thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn tại hộ gia đình. Đến ngày 31/10/2024, duy trì phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn phường Tô Hiệu, trong đó, ít nhất 60% số hộ thực hiện phân loại. Với 6 phường còn lại, có ít nhất 30% số hộ thực hiện. Đến hết ngày 31/12/2024, trên 90% số hộ tại phường Tô Hiệu thực hiện phân loại; với 6 phường còn lại, ít nhất 50% số hộ thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn tại hộ gia đình.

    Tuy nhiên hiện nay, toàn bộ nguồn rác thải sinh hoạt chưa được phân loại từ đầu nguồn ở các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ chỉ được phân loại trong quá trình thu gom vận chuyển về khu xử lý tập trung; đã và đang gây khó khăn, lãng phí lớn trong quá trình vận chuyển, phân loại, xử lý. Hầu hết rác thải sinh hoạt hàng ngày được các hộ gia đình chứa, đựng trong các dụng cụ như túi ni lông, bao bì, hoặc đặt trực tiếp trong xô, chậu, thùng xốp... để rải rác khắp các đầu ngõ, trước cửa nhà, treo ở các bờ tường bao, gốc cây... chờ được thu gom. Dẫn đến còn hiện tượng xả rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, với điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay cũng chưa đảm bảo triển khai thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt.

    Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La chia sẻ, từ năm 2021, Thành phố đã triển khai thí điểm Dự án “Phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn” nhưng công tác phân loại chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, ngày 1/8/2024, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 7 phường. Thực hiện văn bản chỉ đạo của tỉnh, Thành phố, Phòng TN&MT đang phối hợp với Phòng Quản lý môi trường của Sở TN&MT xây dựng sổ tay, tờ rơi, tờ gấp về phân loại CTRSH tại nguồn để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố, các đơn vị chuyên môn cung cấp tài liệu tuyên truyền đến các tổ, bản, cơ quan, đơn vị và nhân dân để cùng thực hiện. Thành phố cũng tổ chức ký cam kết với các xã, phường, các tổ, bản và các hộ gia đình, cá nhân; đưa nội dung phân loại CTRSH tại nguồn vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa; thực hiện biểu dương, nêu gương những tập thể, cá nhân, hộ gia đình làm tốt; thành lập các tổ giám sát, phản ánh kịp thời lên các tổ, bản để tổng hợp. 

    Đối với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, phối hợp với các phòng, ban đơn vị và các xã, phường lựa chọn các khu, tổ dân phố để làm điểm về công tác phân loại, thu gom rác thải; lựa chọn vị trí, phương án tập kết rác sau khi phân loại đối với từng địa bàn phường. Thống nhất rõ về thời gian, tuyến đường thu gom, địa điểm thu gom, tần suất thu gom, niêm yết, công khai tại nhà văn hoá phường và các tổ, bản, các cơ quan, đơn vị, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên các hệ thống thông tin đại chúng; xây dựng phí và xây dựng giá vào năm 2025.

    Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, để thực hiện hiệu quả công tác phân loại CTRSH tại nguồn, Sở đã đề nghị UBND thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các phường thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố về thí điểm triển khai phân loại CTRSH. Chỉ đạo UBND các phường quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác; in ấn tờ rơi hướng dẫn phát đến tận các tổ bản, hộ gia đình cá nhân. Lựa chọn các tổ chức đoàn thể làm lực lượng nòng cốt thực hiện tuyên truyền, phổ biến, vận động. Tổ chức ký cam kết với phường; phường ký cam kết với các tổ bản; tổ bản ký cam kết với các hộ gia đình, cá nhân. Đưa nội dung phân loại CTRSH tại nguồn vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa.

Cán bộ Phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT tuyên truyền, hướng dẫn người dân phường Tô Hiệu thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn

    Bên cạnh đó, rà soát lại các điểm tập kết, trung chuyển CTR, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về môi trường, tránh phát sinh ô nhiễm. Chỉ đạo UBND các phường thống nhất với Công ty CP môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La về vị trí, thời gian, quy mô tiếp nhận chất thải tại các trạm trung chuyển CTRSH. Thành lập các tổ kiểm tra, giám sát của UBND thành phố, các ban vận động, giám sát thực hiện của các phường, tổ dân phố để vận động, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển CTRSH, đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Tổ chức học tập mô hình, cách thức phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tại thành phố Hải Phòng để nghiên cứu, áp dụng thực hiện.

    Sở Tài nguyên và Môi trường đang tập trung biên soạn tập gấp, sổ tay hướng dẫn phân loại rác để tuyên truyền tới người dân. Thành lập các tổ công tác, tổ hướng dẫn chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện phân loại. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; xây dựng Quy định giá cụ thể với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

    Sẽ xử phạt nghiêm hành vi vi phạm

    Đặc biệt, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trong đó quy định rõ, phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu cá nhân, hộ gia đình không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 - 1.000.000 đồng; xử phạt 100.000 - 150.000 đồng khi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng; phạt từ 1 - 2 triệu đồng nếu vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao, hồ, sông, suối.

    Đối với doanh nghiệp, tổ chức, phạt cảnh cáo nếu không niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng; phạt từ 2-4 triệu đồng vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường khi tham gia giao thông; phạt từ 10-15 triệu đồng không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình cận chuyển vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.

    Đối với khu công viên, khu vui chơi giải trí… bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng, nếu vi phạm 1 trong các hành vi: Không có đủ công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định; không thu gom chất thải trong phạm vi quản lý; không bố trí nguồn nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý, không có cán bộ, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường kiểm tra, giám sát theo quy định.

    Với lộ trình, giải pháp cụ thể phân công, giao nhiệm vụ theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, tin rằng mô hình phân loại CTRSH tại nguồn sẽ sớm đạt mục tiêu, kế hoạch theo lộ trình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn