30/05/2017
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng, chất thải rắn phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh.
Hiện nay, lượng chất thải rắn xây dựng (CTRXD) chiếm khoảng 20 đến 25% chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD chưa thực sự hiệu quả, tình trạng đổ trộm phế thải từ xây dựng diễn ra phổ biến. Điều này cho thấy việc phân loại, thu gom, vận chuyển đang thiếu các quy định cụ thể, không rõ trách nhiệm.
Phải đảm bảo quản lý chất thải rắn xây dựng công trình
Đặc biệt, việc xử lý CTRXD, biện pháp xử lý chủ yếu hiện nay là chôn lấp, điều này đòi hỏi có những bãi chôn lấp lớn, tốn diện tích, chưa kể loại chất thải này rất khó phân hủy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Vì thế, mới đây Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BXD quy định về quản lý CTRXD. Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết về việc phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn xây dựng được quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/ 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Thông tư quy định, chất thải rắn phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh theo quy định Khoản 1 Điều 50 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP thành các nhóm sau: Chất thải rắn có khả năng tái chế được; Chất thải rắn có thể được tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng khác; Chất thải không tái chế, tái sử dụng được và phải đem đi chôn lấp.
Chất thải nguy hại được phân loại riêng và quản lý theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan. CTRXD sau khi phân loại không được để lẫn với các chất thải khác và phải được lưu giữ tại các khu vực đã được bố trí, tránh bị ngập nước, hoặc nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, đảm bảo không gây ô nhiễm vệ sinh môi trường xung quanh. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2017.
Nguyên Hằng