23/05/2017
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV được tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/5/2017, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; Tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2017 trên các lĩnh vực: Ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn; Việc hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Kỷ luật kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; Văn hóa, xã hội; Trật tự an toàn xã hội; An ninh quốc phòng…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
Riêng về lĩnh vực môi trường, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường quản lý, thực hiện nhiều giải pháp BVMT; Kiên quyết thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên; Rà soát các dự án thủy điện ở Tây Nguyên, không cấp phép cho những dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái phép; Tập trung rà soát các quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường... Nhờ đó, nhận thức và hành động về BVMT đã có những chuyển biến rõ nét, đối với cả cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp; công tác xử lý vi phạm về môi trường còn tồn tại bất cập, chế tài chưa nghiêm. Bên cạnh đó, tình trạng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn diễn ra trên nhiều địa bàn; Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp
Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách và chế tài hình sự liên quan đến các vi phạm về môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám sát thực thi pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, tập trung cải thiện chất lượng và xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là các lưu vực sông, làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư tập trung ở nông thôn; tăng cường quan trắc, giám sát môi trường, tài nguyên nước và tài nguyên, môi trường biển; thực hiện nghiêm đóng cửa rừng tự nhiên và bảo vệ, phát triển rừng; kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản; làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và năng lực của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ về BVMT.
Ngoài ra, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, nhất là ở Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, từng bước khắc phục tình trạng ngập úng tại một số thành phố lớn…
Chính phủ cũng sẽ có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để xử lý các vấn đề môi trường, nhất là xử lý chất thải, tái chế, phát triển xanh và năng lượng sạch; hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng bộ tiêu chí và thực hiện xếp hạng chất lượng BVMT; thực hiện nghiêm các quy hoạch liên quan đến môi trường, trong đó có quy hoạch về xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại.
An Vi (Theo Monre)