24/05/2017
Chương trình “Doanh nghiệp (DN) sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh (TTX) quốc gia” được tổ chức tối ngày 22/5/2017 nhằm chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của các DN trong quá trình đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các DN tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; Áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải gây hiệu ứng nhà kính; Cam kết sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Đẩy mạnh xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc gặp gỡ với các DN ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường
Hiện nay, phát triển kinh tế xanh (KTX), TTX là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt coi trọng. Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN cũng đặt ra vấn đề DN phải xây dựng đạo đức, văn hóa, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật trong BVMT thiên nhiên, không vì phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường.
Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) và các chiến lược TTX, phòng chống thiên tai, phát triển năng lượng tái tạo... với nhiều chương trình, dự án thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với BĐKH.
Tuy nhiên, phát triển KTX, TTX ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là nhận thức về nội hàm KTX, TTX còn khác nhau. Bên cạnh đó, việc phát triển KTX và TTX song song với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng trong điều kiện nguồn lực hạn chế cũng rất khó khăn. Trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng ứng dụng công nghệ cao, máy móc hiện đại... thì Việt Nam vẫn đang phát triển dựa nhiều vào khai thác tài nguyên và chi phí nhân công giá rẻ. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của DN Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu trong khi tại Ấn Độ, tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%.
Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ngày 23/5/2017, đại diện các DN cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển KTX là tất yếu. Đại diện DN đánh giá cao những chính sách, cơ chế của Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm khuyến khích DN đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển KTX. Nhiều DN đã sẵn sàng loại bỏ những công nghệ cũ, lỗi thời để đầu tư ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm bảo đảm chất lượng, thân thiện môi trường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trò chuyện với các DN (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Các DN kiến nghị Chính phủ có quy định cụ thể về phát triển KTX, đưa ra những tiêu chuẩn cao về môi trường để DN có lộ trình triển khai thực hiện; Quy định về thủ tục, hồ sơ, tiêu chí đấu thầu để khuyến khích DN ứng dụng khoa học công nghệ; Xem xét điều chỉnh một số chính sách liên quan đến sử dụng đất đai cho sản xuất nông nghiệp và chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ. Đồng thời, kiến nghị Nhà nước có quy hoạch, định hướng phát triển ngành nghề, hỗ trợ DN mở rộng, phát triển thị trường.
Đánh giá cao vai trò của DN trong việc đổi mới công nghệ, thực hiện mục tiêu TTX, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và DN, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN để phát triển KTX bền vững, tạo ra không gian kinh tế công bằng cả về cơ chế, chính sách và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho tất cả các thành phần kinh tế.
Phó Thủ tướng đề nghị, các DN Việt Nam cần đặt mục tiêu đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, gắn với BVMT, sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên; Tiếp tục nâng cao năng lực, tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, cùng nâng cao nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất kinh doanh.
Nguyệt Minh