22/05/2017
Chính phủ vừa có báo cáo công tác BVMT năm 2016, trong đó đề cập rõ việc giải quyết hậu quả môi trường các tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra.
Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi
Theo Chính phủ, đây là sự cố môi trường biển nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở Việt Nam.
Ngay sau khi có thông tin, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, với tinh thần khẩn trương, sâu sát, thận trọng, khách quan, khoa học để vừa tiến hành xác định nguyên nhân, vừa ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, tiến hành các biện pháp đấu tranh buộc Formosa Hà Tĩnh phải thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường; công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam; cam kết thực hiện bồi thường 500 triệu USD cho người dân vùng bị ảnh hưởng thiệt hại về kinh tế; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Bộ TN&MT cũng xử phạt vi phạm hành chính Formosa Hà Tĩnh với số tiền là 4.485 tỷ đồng.
Để giám sát quá trình khắc phục vi phạm của Formosa, Bộ TN&MT đã thành lập Hội đồng Liên ngành giám sát và Tổ Giám sát, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 2 Trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát hàng ngày việc xử lý nước thải, khí thải và quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại của FHS. Quá trình giám sát được thực hiện cho đến khi FHS hoàn thành chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô.
Đồng thời, Bộ yêu cầu FHS lập, thực hiện kế hoạch khắc phục các tồn tại, vi phạm về BVMT và kế hoạch giám sát môi trường, đảm bảo các công trình BVMT đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo kết quả họp Hội đồng liên ngành ngày 10/5/2017, đến nay, Formosa đã khắc phục xong 52/53 lỗi (riêng lỗi chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô sẽ hoàn thành vào tháng 6/2019 theo như cam kết).
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, Formosa đã đầu tư trên 1 tỷ USD vào các hạng mục cải thiện, bổ sung các công trình BVMT theo yêu cầu của Bộ TN&MT. Các công trình của Foromsa đã cơ bản đáp ứng điều kiện để đưa lò cao số 1 vào vận hành thử nghiệm.
Cần cẩn trọng trong việc kêu gọi đầu tư
Hiện tượng hải sản chết bất thường tại khu vực miền Trung bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lần lượt xuất hiện tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế từ ngày 6/4/2016 đến hết ngày 10/5/2016.
Sự cố môi trường biển miền Trung gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài (Ảnh: Internet)
Việc tìm ra nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố buộc Công ty Formosa Hà Tĩnh phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả vi phạm đã góp phần buộc các doanh nghiệp hoạt động có quy mô lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải quan tâm hơn nữa đến công tác BVMT. Đồng thời, cảnh tỉnh các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý ở địa phương phải chú trọng hơn nữa đến các yêu cầu về BVMT trong thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư.
Mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết, xử lý.
Theo Chính phủ, tình trạng thu hút đầu tư bỏ qua BVMT vẫn diễn ra ở một số nơi; Công tác BVMT chưa được xem trọng và chưa thực sự trở thành một trong ba trụ cột phát triển bền vững đất nước. Nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường còn tồn tại, trong đó có một số loại hình công nghệ sản xuất lạc hậu, làm tăng chi phí đầu tư xử lý, giải quyết ô nhiễm môi trường và nhiều dự án xả thải lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường.
Đảm bảo sau năm 2020 không phát sinh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Để tăng cường công tác BVMT, sớm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, Chính phủ đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và một số giải pháp cấp bách:
Xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư. Ban hành danh mục các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao làm cơ sở xem xét, định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Rà soát, đánh giá, khắc phục các tồn tại, bất cập, nhằm nâng cao chất lượng của công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT; thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; sớm đưa các chế tài hình sự về môi trường vào áp dụng.
Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đảm bảo sau năm 2020 không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính phủ cũng gắn trách nhiệm trực tiếp của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, xã hội đối với vấn đề môi trường.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, cơ quan quyết định, phê duyệt đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp về các vấn đề môi trường trên địa bàn.
Ở Trung ương, rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT. Ở cấp tỉnh, thành lập phòng quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học trực thuộc Chi cục BVMT đối với các tỉnh có khu bảo tồn, vườn quốc gia và rừng đặc dụng để tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Đa dạng sinh học năm 2008.
Bình Minh (Theo thanhtra.com.vn)