Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Ra mắt ấn phẩm về báo cáo chỉ số Net Zero các quốc gia

22/11/2022

    Ngày 15/11/2022, bên lề Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập, PwC đã cho ra mắt ấn phẩm về báo cáo chỉ số Net Zero các quốc gia. Nghiên cứu này tập trung vào các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương trên tương quan với toàn thế giới. Dữ liệu được thu thập từ Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Nhật Bản, Malaixia, New Zealand, Pakistan, Philippin, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. 

    Nghiên cứu Chỉ số Net Zero các nền kinh tế năm 2022 của PwC cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt tỷ lệ giảm phát thải khí carbon trung bình 1,2% vào năm 2021. Điều này cho thấy lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được tạo ra đang giảm. Trong khi đó, nỗ lực giảm phát thải carbon của thế giới là 0,5%, một khoảng cách lớn so với tỷ lệ giảm phát thải carbon 15,2% cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

    Nghiên cứu của PwC theo dõi tiến độ của các quốc gia trong việc giảm lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng và giảm phát thải khí carbon tại quốc gia đó. Nghiên cứu đo lường mức độ tiêu thụ năng lượng so với GDP và hàm lượng carbon của năng lượng đó. Nghiên cứu cho thấy, 9 trong số 13 nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã giảm phát thải carbon vào năm 2021, tuy nhiên, chỉ có hai nền kinh tế - New Zealand và Việt Nam - vượt qua mục tiêu giảm phát thải khí carbon dựa trên mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). New Zealand giảm cường độ carbon nhiều nhất ở mức 6,7% vào năm 2021, tiếp theo là Malaixia (4,0%), Việt Nam (3,4%) và Australia (3,3%). Tuy nhiên, để duy trì mục tiêu 1,5°C, chính phủ các nước trong khu vực này cần phải có những chính sách mang tính chất quyết định, bao gồm kết hợp các mục tiêu năng lượng tái tạo với các kế hoạch loại bỏ dần sử dụng than đá; thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả với chính sách điện khí hóa; tích hợp chính sách định giá carbon kết hợp với đổi mới, cũng như mở rộng quy mô công nghệ sạch và đảm bảo quá trình chuyển đổi hợp lý.

    Các nền kinh tế có các nỗ lực phù hợp với mục tiêu của mình gồm Úc, Trung Quốc, Malaixia, New Zealand, Hàn Quốc và có thể bao gồm Thái Lan. Các quốc gia này đã cho thấy sự tiến bộ đáng khích lệ về hướng đi và tốc độ.

    Một số nền kinh tế chưa có các hoạt động nhất quán và chậm trễ trong quá trình giảm phát thải carbon trong thập kỷ vừa qua: Ấn Độ, I Inđônêxia và Nhật Bản. Với tham vọng và quyết tâm rõ ràng hơn, các quốc gia này có khả năng điều chỉnh lại đúng hướng.

    Một số nền kinh tế đang vẫn còn ở khá xa đích đến: Bangladesh, Philippin, Pakistan và Việt Nam. Các nền kinh tế đang phát triển này bắt đầu với cường độ carbon tương đối thấp. Sự phát triển kinh tế của các nước này trong thập kỷ qua được thúc đẩy một phần bởi than đá và đây là những rủi ro lớn nhất khi quốc gia bị mắc kẹt giữa tài nguyên cạn kiệt và biến đổi khí hậu.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn