Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Nhật Bản thử nghiệm hệ thống cảnh báo gấu tấn công dựa trên trí tuệ nhân tạo

10/05/2024

    Hiện nay Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng các vụ tấn công nghiêm trọng của loài gấu, với số liệu ghi nhận mức cao kỷ lục tới 6 người thiệt mạng và 213 người bị thương trong các vụ tấn công của gấu trong năm 2023, con số cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu được cho là do sự biến động trong nguồn thức ăn của gấu và sự suy giảm dân số ở các khu vực nông thôn, khiến cho gấu phải vật lộn hơn để tìm thức ăn. 

    Để giải quyết bài toán này, Nhật Bản đang tiến hành thử nghiệm hệ thống cảnh báo gấu tấn công dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo vệ người dân và giảm thiểu nguy cơ từ loài động vật hoang dã, theo The Guardian. Theo đó, hệ thống sẽ giám sát nguồn cấp dữ liệu trực tiếp từ camera an ninh của Chính phủ, thành phố và các đơn vị tư nhân để xác định vị trí của các con gấu đang di chuyển gần khu vực dân cư. Sau đó, hệ thống sẽ gửi cảnh báo ngay lập tức đến chính quyền địa phương, cảnh sát và các thợ săn có liên quan, giúp họ có thể đưa ra biện pháp phòng ngừa và bảo vệ người dân. Trong hệ thống này, công nghệ AI sẽ xử lý các hình ảnh ghi được từ camera an ninh để phát hiện gấu và thông báo tới cơ quan chức năng. Đây là các camera giám sát và quản lý thảm họa, hoặc thuộc sở hữu của các công ty tiện ích công cộng. Kế hoạch thí điểm dự kiến sẽ được bắt đầu từ mùa hè năm 2024 ở tỉnh Toyama, miền Trung Nhật Bản. Nếu thử nghiệm cho thấy hiệu quả, hệ thống AI này sẽ được áp dụng tại các tỉnh khác nơi thường xuyên ghi nhận sự xuất hiện của gấu ở gần khu vực dân cư.

    Ngoài ra, tỉnh Iwate ở Đông Bắc Nhật Bản cũng tiến hành một thử nghiệm giám sát gấu, bằng cách sử dụng các camera tự động có thể phát hiện chuyển động của động vật. Hệ thống giám sát AI cũng đang được thử nghiệm ở thành phố Hanamaki thuộc quận Iwate, phía Đông Bắc Nhật Bản, với 30 camera được lắp đặt dọc theo các con sông chạy từ những ngọn núi gần đó về phía Thành phố. Gấu thường được phát hiện dọc theo các con sông, thông báo sẽ được gửi đến trạm giám sát và người dân địa phương. Thành phố đang hợp tác với nhà sản xuất hệ thống an ninh nói trên để tìm ra các giải pháp ngăn chặn gấu xâm nhập khu vực đô thị mà không phải giết chết chúng. Điều này giúp phát hiện sớm và cảnh báo nguy cơ từ gấu, giúp người dân và chính quyền địa phương có thời gian chuẩn bị và ứng phó với tình huống. 

    Bộ Môi trường Nhật Bản cảnh báo người dân, đặc biệt là những người có sở thích đi bộ trong rừng núi, các ngư dân, người hái rau trên núi và cư dân sống ở vùng ngoại ô phải cảnh giác cao độ đối với với loài gấu sau trạng thái ngủ đông. Cảnh báo này được đưa ra sau khi ghi nhận 219 người bị gấu tấn công (6 người trong số đó tử vong) trong năm tài chính 2023 kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua. 

    Theo các chuyên gia, gấu thường có xu hướng ra khỏi trạng thái ngủ đông vào mỗi mùa Xuân với tâm trạng cực kỳ tồi tệ vì đói. Điều đó khiến chúng trở nên hung hăng, dễ nổi giận. Sự biến động về nguồn thức ăn chủ yếu của gấu, cũng như tình trạng suy giảm dân số ở nông thôn, được coi là những yếu tố dẫn đến việc gia tăng các cuộc chạm trán với loài động vật này. Các chuyên gia cho rằng việc số lượng trẻ em vùng nông thôn ngày càng ít đi cũng là nguyên nhân, vì trẻ em có thể tạo ra nhiều tiếng ồn khiến gấu không dám lại gần những nơi như vậy. Trước tình trạng gấu xuất hiện thậm chí vồ người ngày càng tăng khắp Hokkaido gần đây, chính quyền tỉnh đã đưa ra một hệ thống mới - cấp giấy phép cho thợ săn hoạt động ở các khu vực miền núi vào mùa xuân. Đài truyền hình Nhật Bản NHK cũng đã phát sóng hàng loạt các quảng cáo thông tin dài 30 giây tuyên truyền các cách đối phó với gấu cho bất kỳ ai đi bộ hoặc ngồi trong xe hơi đều có thể tiếp cận dễ dàng. 

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn