Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Nepal và nỗ lực bảo tồn loài hổ

15/11/2021

    Một thế kỷ trước, vẫn còn khoảng 100.000 cá thể hổ hoang dã trải khắp các cảnh quan của châu Á, nhưng đầu những năm 2000, con số này giảm tới 95%, phần lớn do nạn săn trộm và mất môi trường sống. Từ 9 phân loài chỉ còn 6, trong đó Việt Nam, Lào, Campuchia gần như tuyệt chủng hổ và những cá thể mèo lớn hiện chỉ còn được tìm thấy ở 10 quốc gia: Nepal, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Thái Lan và Nga.

    Năm 2010, 13 quốc gia đưa ra kế hoạch đầy tham vọng: Nhân đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022. Tại thời điểm này, chỉ còn khoảng 3.200 cá thể hổ trong tự nhiên. Hiện con số này đã tăng lên xấp xỉ 4.000 nhưng vẫn thấp hơn số hổ được gây nuôi trong các trang trại, với ước tính từ 5.000 - 10.000 cá thể. Điều này cho thấy, nhiều khả năng hổ không bị tuyệt chủng sớm. Tuy nhiên, việc tăng gấp đôi quần thể hoang dã được đặt ra cấp bách từ lâu vì hổ là một loài ô dù, đại diện cho một môi trường sống đa dạng, do đó, bảo vệ hổ cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ được tất cả các loài sống trong sinh cảnh đó - Theo Ram Aryal từ Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc gia (NTNC).

    Trong số 13 quốc gia ký cam kết, hiện chỉ có Nepal là tiến sát mục tiêu. Từ 121 cá thể hổ vào năm 2010, đến nay, Nepal y sở hữu khoảng 240 cá thể hổ ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn lân cận, gần chạm mục tiêu 250 cá thể vào năm 2022. Đáng chú ý là việc bảo tồn hổ ở quốc gia cổ xưa này có sự tham gia của cả hệ thống, từ quan chức Chính phủ đến nông dân địa phương. Các cộng đồng sống trong và quanh môi trường sống của hổ được hưởng lợi từ doanh thu từ khách du lịch mang lại với nguồn thu được chuyển cho các trường học và nông dân.

    Để duy trì một quần thể hổ hoang dã khỏe mạnh, cần hai yếu tố chính là không gian và con mồi. Ram Aryal ước tính, Nepal có thể nuôi tới 700 cá thể hổ nếu các vùng đệm tiếp giáp với các vườn quốc gia được mở rộng và thiết lập nhiều hơn các hành lang động vật hoang dã giữa các khu bảo tồn. Thậm chí, số lượng hổ có thể tăng gấp đôi trong 5 năm.

Hổ Bengal ở Vườn quốc gia Chitwan

    Ngoài ra, yếu tố quan trọng trong thành công của Nepal và cũng chính là điều mà các quốc gia khác đang thiếu, đó là chống săn trộm mạnh mẽ. Nepal đặt mục tiêu không có bất cứ cá thể hổ nào bị bắn trong một thập kỷ. Tuy nhiên, do nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên Nepal từng trở thành quốc gia trung chuyển cho hoạt động buôn lậu động vật. Để xử lý vấn nạn này, Nepal huy động sự tham gia của cả quân đội với binh lính được trang bị vũ khí tuần tra dọc các Vườn quốc gia như Chitwan, đồng thời sử dụng máy bay không người lái, camera giám sát, chó nghiệp vụ, voi, xe jeep, xe máy, thuyền và xe đạp. Luật pháp Nepal nghiêm cấm mọi hoạt động săn bắn, ngoại trừ một số loài. Việc săn trộm ngay cả với những loài phổ biến như lợn rừng, hươu, nai đều có thể nhận án tù dài hạn; riêng giết hổ thì chịu án chung thân.

    Vấn đề duy nhất ở Nepal là diện tích. Một cá thể hổ cần khoảng 50 km2 phạm vi lãnh thổ và mật độ săn mồi 150 con/km2 nhưng hiện tại không có đủ hai yếu này để hỗ trợ số lượng hổ đang gia tăng. Những cá thể mèo lớn rất coi trọng lãnh thổ riêng và gần đây đã có một số vụ việc xảy ra ở Chitwan, nơi những cá thể hổ giết nhau trong những cuộc chiến tranh giành không gian hạn chế. Con số mục tiêu mà Nepal hướng tới là 250 cá thể hổ tức cần 12.500 km2 lãnh thổ nhưng 5 khu bảo tồn hổ hiện tại chỉ bao phủ khoảng 5.200 km2 với mật độ săn mồi khoảng 56 con/km2, dù so với tổng diện tích cả nước thì các khu này đã bao phủ khoảng 1/4, một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Á. Bao quanh những vườn quốc gia này là 40.000 km2 rừng, đồng cỏ và đất nông nghiệp, tất cả đều là từng lãnh địa của hổ trong quá khứ. Do đó, Chính phủ đang xem xét mở rộng các vùng đệm bao quanh các vườn quốc gia. Các nhà bảo tồn cũng ủng hộ giải pháp mở rộng các khu bảo vệ hổ ra vùng đệm, nơi bao gồm các cộng đồng địa phương đang sinh sống.

    Rừng cộng đồng Baghmara là một phần của vùng đệm bên cạnh Vườn quốc gia Chitwan. Đây là nơi cư trú của 5.600 nhân khẩu sống dựa vào rừng để lấy củi và các nguồn tài nguyên khác. Hổ và các loài động vật hoang dã khác từng lang thang trong khu vực này nhưng vào những năm 1990, cây cối đã được trồng ở đây khiến nó không còn thích hợp làm môi trường sống của hổ. Ngày nay, khách du lịch đến Chitwan để ngắm hổ và tê giác trong Vườn quốc gia bằng hình thức cưỡi voi hoặc chèo xuồng. Họ mang lại doanh thu khoảng 500.000 đô la/năm trước khi đại dịch Covid-19 tấn công. 1/3 doanh thu dành cho cộng đồng, bao gồm cả việc bảo trì đường sá và xây dựng trường học, nơi học sinh được dạy về tầm quan trọng của việc bảo tồn hổ.

    Xung quanh Chitwan, hàng rào điện và tường bê tông đã được dựng lên để giảm xung đột giữa con người và động vật hoang dã. Nông dân được đền bù cho mùa màng bị tàn phá bởi tê giác, voi hoặc gia súc bị giết bởi hổ, báo. Mọi người ở đây đều tôn trọng hổ. Đó là viên ngọc của khu rừng, chúng tượng trưng cho quyền lực, rất thu hút du khách và mang lại việc làm cho người dân. Đối với nhiều người dân, họ nhận thức được hổ mang lại nguồn thu từ du lịch nên cũng rất ủng hộ bảo tồn hổ, dù không ít lần hổ tấn công gia súc. Nhiều người mong muốn, con của họ lớn lên sẽ làm hướng dẫn viên du lịch trong Vườn quốc gia.

    Từ năm 2015, Sáng kiến Darwin (Anh) đã tài trợ cho Chương trình “sống chung với hổ” nhằm nâng cao nhận thức của 1.200 hộ gia đình và 5.000 nhân khẩu ở Chitwan cùng Vườn quốc gia Hoàng gia Bardia nằm ở phía Tây Nepal. Chương trình bao gồm quản lý vật nuôi, tận dụng nguồn khí sinh học từ chất thải trâu, bò, giúp giảm nhu cầu sử dụng củi của người dân. Bên cạnh việc truyền thông qua mạng xã hội, đài phát thanh địa phương, các cuộc điều tra xã hội cũng được thực hiện như một phần của chương trình cho thấy thái độ của người dân đối với hổ đang thay đổi.

Hồng Cẩm (Theo Mongabay)

Ý kiến của bạn