Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Một số câu chuyện nổi bật về môi trường thế giới năm 2020

03/02/2021

 

     Nhìn lại bức tranh toàn cảnh về môi trường thế giới năm 2020 có thể thấy, đại dịch COVID-19 là câu chuyện được quan tâm nhiều nhất của dư luận quốc tế trong năm qua. Đại dịch đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu triệu người dân trên hành tinh, gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Qua đó, cảnh báo mạnh mẽ tới cộng đồng thế giới về mối đe dọa trong hoạt động buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD).

     Tạp chí Môi trường xin trích dẫn một số câu chuyện môi trường thế giới nổi bật trong năm 2020 do trang tin Mongabay.com - một trong những trang web về bảo tồn rừng và khoa học môi trường hàng đầu thế giới đánh giá.

  1. Tác động của COVID-19

     Năm 2020, nỗi đau từ đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia trên thế giới, gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội; làm suy giảm hoạt động du lịch, sản xuất công nghiệp của cả thế giới. Đại dịch cũng làm gián đoạn nhiều sự kiện quan trọng, các cuộc họp, chương trình nghị sự của thế giới đều bị hủy bỏ, hoặc tổ chức trực tuyến, trong đó có các sự kiện liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH). Các hoạt động bảo tồn ĐDSH ở một số nước nhiệt đới bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Các mô hình, dự án du lịch sinh thái bị gián đoạn bởi biên giới của các quốc gia bị “đóng cửa”, nhiều nước cấm bay, cấm người nhập cảnh.

     Tuy nhiên, do đại dịch nên các hoạt động sản xuất, giao thông bị “ngưng trệ”, dẫn tới giảm thiểu lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Đặc biệt là sự thay đổi nhận thức, tư duy của lãnh đạo và người dân ở một số nước về hiểm họa từ nạn buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, ô nhiễm môi trường và BĐKH. Đồng thời, đại dịch cũng góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của thế giới.

  1. Thiên tai và thời tiết khắc nghiệt bất thường

     Trong năm qua đã xảy ra những hiện tượng thời thiết bất thường là minh chứng rõ rệt cho xu hướng thay đổi của mô hình khí hậu thế giới. Trái đất ngày càng ấm lên, khí hậu khô hạn quy mô lớn diễn ra trên khắp các khu vực, trong đó có một số vụ cháy rừng đã được dự báo từ trước như Australia, Siberia, Nga, rừng Amazon, Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo...; nhiệt độ tăng cao kỷ lục tại Nam Cực và California. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới trong tháng 12/2020, mặc dù, việc cách ly xã hội do COVID-19 diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng nồng đồ khí nhà kính (KNK) trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng lên. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2020 tăng hơn 1,2°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1.900) và đây có thể là năm ấm nhất trong thập kỷ này (2010 - 2020). Chưa kể là số lượng cơn bão xảy ra kỷ lục ở Đại Tây Dương, khoảng 30 cơn bão, trong đó 13 cơn bão được đánh giá là siêu bão, có cơn bão mạnh đến cấp độ 4, cướp đi tính mạng của rất nhiều người trên thế giới. Cùng với đó, rạn san hô Great Barrier Reef (Australia) cũng trải qua hiện tượng “tẩy trắng” lần thứ 3 trong vòng 5 năm qua. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đó có liên quan đến BĐKH, cùng với việc cháy rừng, suy thoái rừng đã đe dọa nghiêm trọng tới các hệ sinh thái trên Trái đất.

Hiện tượng “tẩy trắng” của rạn san hô Great Barrier Reef

  1. Ô nhiễm rác thải nhựa

     Năm 2020, Tạp chí khoa học Nature đã công bố một báo cáo cho biết, mỗi năm, có khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa (RTN) đổ xuống đại dương, gây tác hại cho môi trường và các loài sinh vật trong tự nhiên. Theo báo cáo, nếu thế giới không có hành động nào quyết liệt để giảm thiểu RTN ra môi trường thì đến năm 2040, lượng RTN sẽ tăng lên 29 triệu tấn/năm. Nếu tính cả lượng hạt vi nhựa thải ra môi trường thì lượng RTN tích tụ trong đại dương có thể lên tới 600 triệu tấn vào năm 2040. Đáng lo ngại hơn, kênh Truyền hình National Geographic của Mỹ cũng chỉ ra rằng, 91% lượng RTN không được tái chế và tồn tại trong môi trường hơn 400 năm mới có thể bị phân hủy.

Hải cẩu mắc kẹt trong RTN                                                  

  1. Nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài ĐVHD và suy giảm ĐDSH

     Tháng 9/2020, Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đưa ra Báo cáo Sức sống hành tinh, trong đó cảnh báo về sự suy giảm các quần thể động vật có vú, chim, cá, lưỡng cư và bò sát (giảm 68% kể từ năm 1970). Trong 50 năm qua, số lượng ĐVHD đã giảm 2/3. Nguyên nhân chính khiến quần thể các loài bị suy giảm là do môi trường sống bị phá hủy như con người phá rừng. Ngoài ra, do cách chúng ta sản xuất thực phẩm không bền vững cũng dẫn đến sự suy giảm của các loài ĐVHD, khiến chúng tuyệt chủng. Những phát hiện này là bằng chứng về việc cần phải khẩn cấp tăng cường nỗ lực bảo tồn ĐVHD. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được mọi người dân trên thế giới quan tâm.

     Khi tìm kiếm thông tin trên Google về “khủng hoảng khí hậu”, chúng ta sẽ nhận được 11 triệu kết quả; nhưng khi tìm thông tin về “khủng hoảng tuyệt chủng ĐVHD, hoặc ĐDSH”, chỉ nhận được 300.000 kết quả. Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, việc tuyệt chủng nhiều loài động vật trong thời gian qua là mối đe dọa môi trường nghiêm trọng nhất đối với sự tồn tại của nền văn minh nhân loại Trái đất.

5 trong số nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng

     5. Thiếu chính sách Thuế các bon

     Nhiều năm qua, các chuyên gia kinh tế và môi trường của thế giới đã yêu cầu các nhà hoạch định chính sách phải tăng mức thuế đối với các hoạt động phát thải KNK, nhưng không được chấp nhận. Để cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng, Chính phủ các nước không những phải gia tăng đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, mà còn cần phải áp dụng nhiều chính sách khác nhau để giải quyết các vấn đề khác của nền kinh tế.

     Hiện nay, trên thế giới có 25 nước đang áp dụng chính sách Thuế cacbon, bao gồm các nước EU, Canada, Singapo, Nhật Bản, Ukraine và Argentina. Tuy nhiên, theo Báo cáo Thuế sử dụng năng lượng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cấu trúc thuế hiện tại không phù hợp với mức độ ô nhiễm của các nguồn năng lượng toàn cầu. Cụ thể, mức thuế các bon đối với hoạt động sản xuất than vẫn thấp.

     Mặc dù, theo Thỏa thuận Paris về BĐKH, các quốc gia cần phải giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức dưới 20C vào năm 2100. Nhưng việc ký vào Thỏa thuận Paris là hoàn toàn tự nguyện và không có chế tài bắt buộc các quốc gia phải thực hiện điều đó. Hơn nữa, có sự khác biệt trong mức được phép phát thải KNK nhiều, hay ít giữa các nước đang phát triển và nước phát triển. Các nước đang phát triển được phép phát thải nhiều hơn cho đến khi có công nghệ giảm phát thải, vì thế, một số quốc gia đã “lợi dụng” điều đó để gia tăng phát thải KNK.

  1. Phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe”

     Trước hiểm họa từ đại dịch COVID-19, tháng 10/2020, Tổ chức Nền tảng Khoa học - chính sách Liên Chính phủ về ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) đã tổ chức hội thảo về mối liên hệ giữa tình trạng suy thoái của thiên nhiên, cũng như nguy cơ đại dịch gia tăng. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đồng tình, thế giới cần phải có một thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách tiếp cận đối phó với dịch bệnh sang phòng ngừa - đó là phương pháp tiếp cận “Một Sức khỏe”. Cách tiếp cận này cho thấy, sự gắn kết giữa sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái, vấn đề đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng thế giới. Các nhà khoa học cảnh báo rằng, đại dịch tiếp theo của thế giới có thể xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau bởi những cánh rừng đang nhanh chóng bị chuyển đổi thành các trang trại trồng trọt, chăn nuôi như lò giết mổ gia súc được “mọc lên” ngay tại khu rừng nhiệt đới Amazon. Do đó, mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã phải thiết lập các hạn chế mới đối với nạn buôn bán ĐVHD.

  1. Chuyển đổi sang “năng lượng sạch”

     Không chỉ khuyến khích đầu tư cho năng lượng, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Cộng đồng thế giới đang gia tăng sự quan tâm đến các loại ô tô điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và điện lưới thông minh, trong khi nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch cũ, đặc biệt là than ngày càng giảm mạnh. Nhiều nước đã công bố kế hoạch cấm bán ô tô chạy bằng xăng mới trong 10 - 15 năm tới.

Trang trại năng lượng điện tái tạo tại Peru

  1. Không hỗ trợ cho các dự án gây tổn hại đến môi trường

     Hiện nay, các công ty nhiên liệu hóa thạch trên thế giới đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ vì nhiều “cường quốc” quyết định chỉ hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm phát thải trong và ngoài nước. Nhiều ngân hàng trên thế giới cho biết, không tài trợ cho các hoạt động sản xuất trong khu vực nhạy cảm về sinh thái. Nhiều tổ chức tài chính cũng đang phải “đau đầu” khi một số dự án mà họ hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy phá rừng, cháy rừng và đe dọa đến ĐDSH như khu vực rừng Borneo, hoặc Amazon.

  1. Thực hiện cam kết về BĐKH

     Năm 2020 ghi dấu ấn với cam kết giảm phát thải của nhiều quốc gia và doanh nghiệp lớn. Một số công ty lớn nhất thế giới tuyên bố, sẽ thực hiện các giải pháp nhằm mục tiêu để mức phát thải các bon ròng bằng 0 trong 10 - 20 năm tới. Trong số đó có Công ty Microsoft, doanh nghiệp này đang nỗ lực để nhằm giảm hoàn toàn hoạt động phát thải và cam kết khôi phục các vùng đất mà Công ty đã khai thác trong thời gian qua. Tương tự như Công ty Microsoft, các thương hiệu lớn như Exxon, Royal Dutch Shell và BP cũng cam kết sẽ giảm lượng khí thải ra môi trường.

     Ở quy mô lớn hơn, nhiều quốc gia cũng đặt ra mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trung Quốc - quốc gia phát thải lớn nhất thế giới tuyên bố, năm 2060 sẽ thực hiện phát thải bằng 0; hoặc Nhật Bản, Hungary, Canada, Nam Phi và Hàn Quốc cũng đề ra mục tiêu này vào năm 2050.

Đỗ Hoàng (Theo Mongabay)

Ý kiến của bạn