Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

EU sẽ thắt chặt các quy định về ô nhiễm không khí, chất thải

19/05/2021

     Ngày 12/5/2021, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thắt chặt các quy định về ô nhiễm không khí, chất thải và sử dụng hóa chất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học.

     Kế hoạch trên về giải quyết ô nhiễm của EC đặt ra các mục tiêu cho năm 2030 và định hướng đến năm 2050 về việc giảm ô nhiễm không khí, nước, đất đến mức không còn gây hại cho sức khỏe và môi trường. “Một trong những bài học lớn mà chúng ta học được từ cuộc khủng hoảng COVID-19 là mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người và sức khỏe của hành tinh. Hiện tại, cả hai vấn đề này đều không tốt”, Ủy viên Môi trường EU Virginius Sinkevicius cho biết.

     Theo ông Sinkevicius, các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm những cộng đồng có thu nhập thấp phải chịu gánh nặng từ tác động tiêu cực của ô nhiễm. Không khí ô nhiễm là thủ phạm chính và có liên quan đến các mục tiêu biến đổi khí hậu của EU, đồng thời, các nhà máy và phương tiện ô tô cũng thải ra chất gây ô nhiễm như CO2 khiến Trái đất nóng lên.

Ảnh minh họa

     EC cho biết chất lượng không khí của châu Âu đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn còn gây ra số ca tử vong lớn, với 379.000 ca tử vong sớm ở EU vào năm 2018 liên quan đến việc tiếp xúc với các chất dạng hạt. EC đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm ít nhất 55% số ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí. Theo đó, EC sẽ sửa đổi các giới hạn ô nhiễm không khí của EU vào năm 2022 để phù hợp hơn với khuyến nghị sắp tới của Tổ chức Y tế thế giới. Các quy định “Euro 7” chặt chẽ hơn, dự kiến sẽ được đề xuất trong năm 2021 cũng sẽ hạn chế ô nhiễm từ phương tiện giao thông.

     Cùng với đó, để đạt được các mục tiêu khác cho năm 2030, bao gồm giảm phát thải 25% trong các hệ sinh thái, nơi ô nhiễm không khí đe dọa đa dạng sinh học và giảm 50% rác thải nhựa trên biển, EC sẽ đề xuất biện pháp loại bỏ dần những chất gây rối loạn nội tiết - hóa chất can thiệp vào hormone; xem xét giới hạn lượng khí thải amoniac từ chăn nuôi và nhà máy, đồng thời sửa đổi các quy định về thuốc trừ sâu để giảm việc sử dụng hóa chất.

     Các quy định của EU có hiệu lực từ năm 2023 sẽ đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt hơn đối với nước uống. Đến năm 2025, EU sẽ xem xét lại luật chất thải để cải thiện việc tái chế và giảm phát sinh chất thải.

Phạm Đình

Ý kiến của bạn