Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Câu chuyện quản lý rác thải ở Singapore

09/06/2021

    Giống như nhiếu quốc gia trên thế giới, Singapore - đất nước có diện tích chỉ khoảng 772 km2, nhưng dân số hơn 5,8 triệu người, cũng từng phải “đau đầu” vì lượng rác thải khổng lồ. Tuy nhiên, với những chính sách, giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý rác thải mà “quốc đảo sư tử” Singapore đã giải quyết được bài toán khó nảy, trở thành “thương hiệu quốc gia sạch sẽ hàng đấu thế giới” trong nhiều năm qua. Vậy những giải pháp đó là gì?

Chú trọng đốt rác phát điện

    Là một đảo quốc nhỏ, dân số ít, không có tài nguyên thiên nhiên và từng là một đất nước nghèo, nhưng giờ đây, Singapore đã vươn lên, trở thành “con rồng” châu Á về tăng trưởng kinh tế. Tất cả là nhờ những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ trong thúc đẩy công nghiệp hóa, thu hút đầu tư nước ngoài, giảm lạm phát, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số đã làm phát sinh lượng rác thải sinh hoạt đô thị lớn, nhưng do diện tích đất không có nên việc xây dựng các bãi chôn lấp rác cũng hạn chế. Ngay từ năm 1990, 2 bãi chôn lấp có diện tích lớn nhất Singapore là bãi rác Lim Chu Kang (hoạt động từ năm 1976, tổng diện tích là 30 ha) và Lorong Halus (xây dựng năm 1970, diện tích 234 ha) đã bị quá tải. Năm 1992, bãi rác Lim Chu Kang đã chính thức đóng bãi và 7 năm sau đó là bãi rác Lorong Halus.

    Để tiết kiệm diện tích đất và giảm lượng rác phải chôn lấp, Singapore đã triển khai nhiều biện pháp như: Đầu tư vào công nghệ đốt rác phát điện; tăng cường phân loại rác tại nguồn; phạt nặng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh tái chế rác thải; tuyên truyền cho người dân về BVMT… Từ năm 1979, quốc đảo này đã có Nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại Ulu Pandan. Sau đó, Singapore tiếp tục xây dựng thêm 4 nhà máy đốt rác khác là Senoko, Tuas, Tuas South và Keppel Seghers Tuas (KST).

    Theo thống kê của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA), hiện nay, mỗi ngày, Singapore thải ra khoảng 21.023 tấn rác các loại, trong đó, 58% lượng rác được đưa đến các nhà máy tái chế, 41% đem đến các nhà máy đốt rác phát điện, 2% không đốt được, mang đến bãi chôn lấp Semakau để xử lý. Việc đốt rác phát điện đã giúp Singapore giảm đến 90% lượng CTR phải chôn lấp, đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng của đất nước, nhất là trong bối cảnh diện tích đất ngày càng hạn hẹp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn dư số chất thải không đốt được như bùn thải, chất thải nhà máy đóng tàu, chất thải xây dựng… và tro xỉ của các nhà máy đốt cần phải chôn lấp.

Xây dựng bãi chôn lấp rác ngoài khơi đầu tiên trên thế giới

    Trước tình hình đó, Chính phủ Singapore đã quyết định xây dựng bãi chôn lấp rác ở ngoài khơi, trên 2 hòn đảo gần nhau Pulau Semakau và Pulau Seking. Ngày 25/7/1994, Quốc hội Singapore đã phê chuẩn Dự án cải tạo bờ biển và đáy biển phía Đông tỉnh Pulau Semakau, với diện tích khoảng 350 ha để xây dựng bãi chôn lấp rác ngoài khơi. Đây là bãi chôn lấp rác đầu tiên trên thế giới nằm hoàn toàn giữa biển khơi, với công suất khoảng 63,2 triệu m3, kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 610 triệu đô la Singapore. Năm 1995, bãi chôn lấp Semakau bắt đầu được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1999. Sau đó, Chính phủ Singapore đã quyết định đầu tư thêm 36 triệu USD cho giai đoạn 2 của Dự án để bãi chôn lấp Semakau có thể hoạt động đến năm 2045.

    Tuy nhiên, Chính phủ Singapore cũng nhận thức rõ rằng, việc xây dựng bãi chôn lấp rác ngoài khơi thải phải được nghiên cứu, tính toán cẩn thận để đảm bảo các chất ô nhiễm sẽ không ngấm vào nước biển, hủy hoại các loài sinh vật biển. Do đó, Chính phủ Singapore đã yêu cầu các nhà khoa học, chủ đầu tư Dự án phải tìm được một giải pháp để Dự án không chỉ là nơi chôn lấp rác, mà còn bảo tồn môi trường tự nhiên và có không gian cho các hoạt động giải trí công cộng.

    Để ngăn chặn ô nhiễm và BVMT biển, các kỹ sư, nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp sáng tạo trong thiết kế, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp Semakau. Cụ thể, họ cho xây dựng một bờ kè dài 7km như một bức tường thành để nối 2 đảo Pulau Semakau, Pulau Seking và ngăn cách phần biển quanh 2 hòn đảo này với phần biển bên ngoài. Bờ kè được xây bằng cát, các lớp đá, đất sét, phần biển trong bờ kè được xây thành 11 ô nhỏ, có lớp lót bằng màng chống thấm để ngăn rò rỉ rác thải ra ngoài.  Rác được đổ vào các ô này, sau đó phủ đất lên trên, nhằm thu hút các loài côn trùng và chim đến tạo nên dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, người ta còn xây dựng một ống nước thải ở dưới đáy các ô chứa rác để đưa nước rỉ rác của bãi chôn lấp về nhà máy xử lý nước thải nổi trên đảo để xử lý, đảm bảo nước sạch, an toàn 100% trước khi thải ra môi trường biển.

    Theo Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore, tính đến tháng 8/2019, mỗi ngày, có khoảng 2.100 tấn rác thải được chuyển ra “đảo rác” Semakau, trong đó có 600 tấn rác không đốt được và 1.500 tấn tro xỉ. Tro xỉ và các loại rác không thể đốt được thu gom từ các nhà máy và chuyển đến đến Trạm trung chuyển hàng hải Tuas (TMTS), sau đó được vận chuyển đến Semakau trên một sà lan dài có mái che để đảm bảo không bị rò rỉ rác thải ra môi trường. Trạm trung chuyển này cách bãi chôn lấp Semakau khoảng 30km và phải mất 3 tiếng để sà lan di chuyển từ đó đến Semakau.

     Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động đến môi trường, người ta còn trồng khoảng 400.000 cây ngập mặn để thay thế rừng đước tự nhiên bị ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng; lắp đặt các tấm lưới chắn bùn thải gần khu vực chôn lấp để giảm tác động của trầm tích lên san hô. Đồng thời, xây dựng một “cánh đồng” có lắp đặt các tấm pin mặt trời và tua-bin gió để sản xuất năng lượng sạch phục vụ hoạt động trên đảo. Mỗi tháng, các chuyên gia của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) đến Semakau để lấy mẫu nước biển xung quanh đảo về xét nghiệm, nhằm bảo đảm các chỉ số luôn ở mức an toàn. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại và kiểm soát môi trường chặt chẽ, “đảo rác” Semakau không những sạch, không có mùi mà còn trở thành nơi có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và phong phú với rừng ngập mặn, đồng cỏ biển, rạn san hô. Đây cũng là “ngôi nhà” của 700 loài động, thực vật, trong đó có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá heo trắng Trung Quốc, 66 loài chim, bao gồm loài chim diệc Sumatra cao 1,2m (loài chim lớn nhất tại Singapore), là nơi có trang trại cá chẽm lớn nhất Singapore do có dòng biển mạnh và hàm lượng oxy trong nước cao. Từ năm 2005, “đảo rác” Semakau đã mở cửa cho khách du lịch đến thăm quan và tham gia các hoạt động giải trí, câu cá, thể thao và ngắm sao.

Thùng đựng rác tái chế ở Singapore

Thu gom rác hiệu quả và tăng cường tái chế chất thải

    Với mục tiêu phát triển kinh tế, nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường sạch, đẹp, Chính phủ Singapore đã sớm áp dụng chiến lược quản lý CTR tổng hợp bền vững thông qua 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải). Tất cả các loại chất thải đều được phân loại và thu gom rác (TGR) ngay tại nguồn. Ý thức phân loại rác thải sinh hoạt thành loại tái chế được, loại đốt cháy được luôn được mọi người dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc. Hàng ngày, người dân phân loại rác theo cách để giấy và bìa cứng vào một túi riêng; rác tái chế, không đốt được như chai, lọ, pin để trong một túi riêng và rác đốt được như thực phẩm được đựng vào túi riêng. Việc phân loại r sẽ giúp nhân viên dọn vệ sinh của khu chung cư nhanh chóng thu gom trước khi đưa ra xe vận chuyển đến nơi xử lý rác.  Tại nơi công cộng trên đường phố Singapore đều có lắp đặt các thùng rác có 4 khoang để phân chia cụ thể theo từng loại chất thải, gồm vỏ lon, giấy, đồ nhựa và rác khác.

    Cùng với cách thức phân loại rác khoa học, Singapore cũng hình thành và phát triển một cơ chế TGR rất hiệu quả. Theo đó, việc TGR được tổ chức đấu thầu công khai cho các doanh nghiệp theo từng khu vực. Singapore có 9 khu vực TGR. Công ty trúng thầu sẽ thực hiện TGR trên một địa bàn cụ thể trong thời hạn 7 năm và Chính phủ Singapore quản lý hoạt động này theo quy định pháp luật. Để nâng cao chất lượng dịch vụ TGR, từ năm 1999, Chính phủ Singapore đã cho phép tư nhân hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, các công ty tư nhân cung ứng dịch vụ TGR sẽ được cấp phép hoạt động nếu trúng thầu và phải chịu sự giám sát của Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore. Các công ty đó phải chấp hành các quy định về phân loại rác; sử dụng phương tiện, trang thiết bị TGR để không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng; Công ty TGR sẽ cung cấp dịch vụ “từ cửa đến cửa”; rác thải sinh hoạt được vận chuyển về khu vực tập kết rác lớn (Trạm trung chuyển) theo quy định; rác thải tái chế được thu gom và xử lý theo Chương trình Tái chế quốc gia. Trong số các nhà thầu TGR tại Singapore hiện có 4 nhà thầu thuộc khu vực công chịu trách nhiệm thực hiện TGR tại các cơ quan nhà nước, còn lại là doanh nghiệp tư nhân (hơn 300 công ty), chủ yếu thực hiện thu gom chất thải tại các cơ sở công nghiệp, xây dựng và thương mại. Đến nay, khoảng 50% lượng rác thải của Sinapore là do doanh nghiệp tư nhân thu gom.

    Bên cạnh một hệ thống thu gom chất thải hiệu quả, Chính phủ Singapore cũng có những sáng kiến quan trọng, giúp giảm thiểu lượng chất thải phát sinh, đặc biệt là chính sách thúc đẩy tái chế rác (TCR). Từ năm 2001, Chính phủ Singapore đã triển khai Chương trình Tái chế quốc gia. Theo Chương trình, những đơn vị thu gom chất thải công cộng được NEA cấp phép phải làm việc với các công ty tái chế để thực hiện việc thu gom vật liệu tái chế “từ nhà đến cửa” ở các khu nhà ở công cộng, khu đất. Cư dân ở các khu công cộng được cấp túi tái chế và cư dân trong các khu đất công được cấp thùng rác để bỏ rác thải có thể tái chế vào đó. Họ đặt các túi đựng rác, hoặc thùng tái chế bên ngoài cửa nhà để các công ty tái chế thu gom vào một ngày định trước. Mỗi khu nhà sẽ có ít nhất một cuốn sổ ghi chú cẩn thận những gia đình nào mang rác tái chế đến nơi tập trung. Chính phủ cũng yêu cầu tất cả các chung cư và căn hộ phải cung cấp các ngăn chứa để tái chế trong khuôn viên của họ. Ban quản lý và hội đồng quản lý của các khu chung cư, căn hộ được NEA hướng dẫn thiết lập các chương trình tái chế chất thải.

    Các đồ tái chế được thu gom bao gồm giấy sạch, nhựa, hộp thủy tinh, lon kim loại và quần áo cũ. Các doanh nghiệp TGR khu vực công cộng sẽ đến thu gom và vận chuyển đến cơ sở thu hồi vật liệu để phân loại thành các loại chất thải khác nhau. Sau đó, tiếp tục đưa đến các cơ sở tái chế khác nhau và chuyển thành nguyên liệu thô có thể sử dụng để tạo ra sản phẩm mới. Ví dụ, nhựa sẽ được nghiền thành các mảnh nhỏ hơn, pha trộn, đùn và cắt thành các viên nhỏ để bán cho các công ty. Thủy tinh được làm sạch và nghiền thành các hạt nhỏ, sau đó có thể nấu chảy thành các sản phẩm mới. Giấy được cắt nhỏ và ngâm thành bột giấy, sau đó được tinh chế thành các tờ giấy có thể sử dụng để làm giấy ghi chú, túi vận chuyển.

    Để người dân hiểu rõ quy trình phân loại, TGR, TCR, các thông tin, hướng dẫn về TCR vẫn thường xuyên được gửi đến họ thông qua các tổ chức quần chúng và hội đồng đô thị dưới sự lãnh đạo của các nghị sĩ là đảng viên Đảng cầm quyền, hay Đảng đối lập được trúng cử qua kỳ bầu cử Quốc hội. Đặc biệt, tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thu gom rác tái chế, nơi tập kết rác của khu dân cư, người dân có thể đổi các loại rác như giấy, bìa cứng, đồ nhựa, điện thoại di động cũ… đã được phân loại cẩn thận để đổi lấy tiền mặt, phiếu mua hàng giảm giá, thẻ tập thể dục, vé thăm quan một địa điểm du lịch nào đó…

    Mặc dù có các chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi xả rác không đúng nơi quy đinh, nhưng Chính phủ Singapore không xem đây là biện pháp ưu tiên, mà tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của người dân mới là biện pháp hiệu quả và căn cơ để giảm thiểu phát sinh rác thải, tăng tỷ lệ TCR. Đến cuối năm 2005, có tới 56% số hộ gia đình tại Singapore tham gia Chương trình Tái chế quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng huy động các trường học, văn phòng, trung tâm mua sắm và các ngành tham gia vào Chương trình Tái chế quốc gia, nhằm giáo dục và hình thành ý thức, thói quen TCR trong học sinh, cán bộ, người lao động. Tại các khu vực công cộng, Chính phủ đã cho lắp đặt khoảng 3.800 thùng rác tái chế như ở bên ngoài ga tàu điện ngầm, khu mua sắm và trung tâm thương mại.

     Nhờ vào những giải pháp trên mà hiện nay, mục tiêu hướng tới một đất nước “không rác thải” của Singapore sẽ không còn quá xa vời, đây cũng là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải học tập.

Giáng Hương (Theo nea.gov.sg)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2021)

Ý kiến của bạn