Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Top 15 quốc gia phải gánh chịu thảm họa từ lụt ven sông

30/05/2016

   Lũ lụt là thiên tai thảm khốc nhất đối với nhân loại, ảnh hưởng trên phạm vi rộng hơn bất cứ thảm họa thiên nhiên nào. Nhằm giảm thiểu thiệt hại của lũ lụt đến đời sống con người, việc áp dụng các công cụ tiên tiến để đánh giá và dự báo hiện trạng lũ lụt là rất cần thiết. Đây cũng là nội dung chính được đề cập trong chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới (23/3):“Đối mặt với tương lai: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn”. Chủ đề cũng nhấn mạnh, người dân cần nâng cao nhận thức, đối phó với các ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu (BĐKH) một cách chủ động và hiệu quả hơn nữa.

   Nghiên cứu về hiện trạng lũ lụt toàn cầu của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) mới đây cho thấy, trung bình khoảng 21 triệu người trên thế giới phải gánh chịu tác động từ lụt ven sông mỗi năm. Con số này có thể tăng lên 54 triệu người vào năm 2030 do BĐKH và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người.

   Dựa trên đánh giá 164 quốc gia về số lượng người bị ảnh hưởng bởi lụt ven sông (năm 2013), nghiên cứu của WRI đã chỉ ra trên 80% dân số thế giới bị ảnh hưởng mỗi năm, chủ yếu từ 15 quốc gia. Trong đó, đứng đầu là Ấn Độ (4,48 triệu người), tiếp theo là Băng-la-đét (3,48 triệu người), Trung Quốc (3,28 triệu người), Việt Nam (0,93 triệu người), Pakistan (0,71 triệu người), Inđônêxia (0,64 triệu người), Ai Cập (0,46 triệu người), Mianma (0,39 triệu người), Áp-ga-ni-xtan (0,33 triệu người), Nigeria (0,29 triệu người), Braxin (0,27 triệu người), Thái Lan (0,25 triệu người), Cộng hòa dân chủ Công-gô (0,24 triệu người), Irắc (0,19 triệu người), Campuchia (0,19 triệu người), các quốc gia còn lại chiếm 4,24 triệu người.

    Ảnh hưởng của lụt ven sông đến GDP

   Tổng GDP thiệt hại do lụt ven sông trung bình hàng năm vào khoảng 96 tỷ USD. Theo phân tích của WRI, top 20 nước có tỷ lệ GDP bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lụt ven sông đều là các nước kém phát triển nhất trong số các nước phát triển và đang phát triển. Trong đó, Ấn Độ có GDP bị ảnh hưởng nặng nề nhất (14,3 tỷ USD), tiếp theo là Băng-la-đét (5,5 triệu USD), Việt Nam (2,7 triệu USD). Theo các nhà nghiên cứu của WRI, thiệt hại về GDP do lụt ven sông đồng nghĩa với thiệt hại đến nền kinh tế quốc gia. Trên thực tế, Trung Quốc và Braxin lần lượt đứng ở vị trí đầu tiên và thứ 5 trên danh sách xếp hạng. Tuy nhiên, thu nhập của 2 quốc gia này bù lại được phần thiệt hại do lũ lụt nên không nằm trong bảng xếp hạng.

   Các chuyên gia của WRI cũng cho biết, tại các nước thu nhập thấp và trung bình, khu vực phát triển kinh tế - xã hội thường tập trung nhiều người, nhiều tòa nhà, cơ sở hạ tầng… trong khu vực dễ bị tổn thương. Vì vậy, các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng bởi lụt ven sông nhiều hơn các nước phát triển vào năm 2030.

   Xét trường hợp của Ấn Độ, quốc gia này phải đối mặt với nhiều rủi ro từ lụt ven sông đến GDP hơn bất kỳ nước nào khác. Theo công cụ phân tích lũ lụt toàn cầu, ước tính, mức thiệt hại hiện nay của Ấn Độ có thể tăng gấp hơn 10 lần, đạt 154 tỷ USD vào năm 2030. Khoảng 60% trong số đó là do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

   Với trường hợp các nước phát triển, Ôxtrâylia, Crô-a-ti-a, Phần Lan, Bồ Đào Nha, và Israel, GDP cũng được dự đoán là bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lụt ven sông trong năm 2030, chủ yếu là do sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, các nước như Hà Lan, Slovenia, Bỉ, Ai-len và Thụy Sĩ, GDP bị ảnh hưởng bởi lụt ven sông, chủ yếu là do BĐKH.

Lụt ven sông Yamuna do các trận mưa lớn kéo dài tại New Delhi, Ấn Độ tháng 6/2013

   BĐKH làm gia tăng lụt ven sông

   BĐKH có sức ảnh hưởng lớn, làm mở rộng phạm vi vùng ngập lũ, khiến cho lũ lụt xảy ra ở các khu vực thường xuyên hơn và không phân biệt các nước phát triển hay đang phát triển. Tại Ai-len là nước phát triển, hiện có khoảng 2.000 người phải đối mặt với rủi ro từ lũ lụt. Dự kiến, đến năm 2030, số lượng này tăng lên 48.500 người (87%) do ảnh hưởng của BĐKH. Trong khi đó, tại Pakistan là nước đang phát triển, hiện có 715.000 người phải đối mặt với thảm họa lũ lụt, thì tới năm 2030, số lượng này tăng lên 2 triệu người (70%) cũng do BĐKH.

   Theo dự đoán của WRI, đến năm 2030, số người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sẽ tăng lên 2,6 lần so với năm 2010 (từ 21 lên 54 triệu người), 2/3 trong số đó là do BĐKH, yếu tố kinh tế - xã hội chiếm 1/3.

   Công cụ hữu ích để giảm thiểu rủi ro từ lũ lụt

   Công cụ phân tích tình trạng lũ lụt toàn cầu được WRI nghiên cứu và phát triển, dưới sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng và Môi trường Hà Lan. Đây là một phần mềm trực tuyến nhằm định lượng và mang lại cái nhìn trực quan về tình hình lũ lụt thực tế toàn cầu (ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, dân số…). Công cụ giúp nâng cao nhận thức của từng cá nhân và cộng đồng về tình trạng lũ lụt hiện tại và trong tương lai, từ đó giúp họ có thể ngăn chặn và ứng phó kịp thời với thiệt hại thảm khốc do lũ lụt. Việc tiếp cận với thông tin đúng và kịp thời giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra phương án giảm thiểu rủi ro và các dự án thích ứng BĐKH hiệu quả, tiết kiệm nhất. Việc bảo vệ hàng chục triệu người khỏi lụt ven sông, ven biển là rất tốn kém và phải mất hàng thập kỷ. Nhưng với sự trợ giúp từ công cụ phân tích tình trạng lũ lụt toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách, tổ chức cứu trợ quốc tế, công ty tái bảo hiểm, công ty đa quốc gia và nhiều tổ chức khác sẽ dễ dàng hơn trong việc xây dựng phương án tối ưu để bảo vệ con người và cơ sở hạ tầng khỏi lũ lụt.

Trung Thảo (Theo WRI)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn