Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Thụy Sĩ - Quốc gia đi đầu trong tái chế chất thải điện tử

08/05/2020

    Cuộc sống con người ngày càng hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng kéo theo sự gia tăng lượng lớn chất thải điện tử ̣(CTĐT). Đây là loại chất thải đặc thù, nguy hại, nếu không có giải pháp thu gom, xử lý hiệu quả, sẽ gây ra tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Trong khi các nước trên thế giới đang “loay hoay” để giải quyết bài toán ô nhiễm CTĐT thì Thụy Sĩ lại là quốc gia có nhiều sáng kiến nổi bật trong công tác xử lý, tái chế CTĐT.

 

CTĐT nếu được xử lý đúng cách sẽ thu hồi được những kim loại quý, đóng góp nguồn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm khác

 

   Từ năm 1971, Hiến pháp của Thụy Sĩ đã quy định rõ các biện pháp BVMT, trong đó đề cao trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời coi giáo dục công tác BVMT cho người dân là nội dung cơ bản trong giáo dục đào tạo ở mọi cấp học. Điều đó đã tạo nên thành công của Thụy Sĩ trong việc BVMT, nhất là trong vấn đề quản lý CTĐT.

   Nhận thấy nếu CTĐT được thu hồi đúng cách, thì hoàn toàn có thể tận dụng, tái chế được các kim loại, nhựa và thủy tinh trong các thiết bị điện, điện tử, giúp tiết kiệm tài nguyên, nên Thụy Sĩ đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tái chế CTĐT.Từ năm 1998, Chính phủ Thụy Sỹ đã ban hành Pháp lệnh thu hồi, xử lý sản phẩm, thiết bị điện, điện tử đã hết hạn sử dụng, hoặc thải bỏ. Theo đó, nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi một số thiết bị, sản phẩm điện, điện tử đã hết hạn sử dụng, hoặc thải bỏ. Đây cũng chính là cơ chế mở rộng (tăng cường) trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) đã được các nước trong Liên minh châu Âu, bao gồm Thụy Sĩ áp dụng. EPR là giải pháp lồng ghép các chi phí về môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm vào giá thành của sản phẩm, thông qua việc bắt buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm sau khi thải bỏ. EPR không chỉ quy định đối với nhà sản xuất, mà còn áp dụng đối với các cơ sở lắp ráp, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm điện, điện tử.

   Ngoài ra, để khuyến khích tái chế, Chính phủ Thụy Sĩ cũng ban hành phí tái chế trả trước, để áp dụng đối với các thiết bị điện, điện tử, các vật dụng thủy tinh, pin, chai nhựa (PET), lon nhôm, hộp đựng thực phẩm. Người tiêu dùng sẽ phải trả phí tái chế ngay khi mua thiết bị điện, điện tử để hỗ trợ cho việc xử lý môi trường sau khi thải bỏ các thiết bị đó. Các nhà sản xuất cũng phải trả phí tái chế trả trước cho các tổ chức chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, phân loại và tái chế CTĐT. này được chuyển cho các nhà phân phối và nhà bán lẻ, những người lần lượt gửi hóa đơn cho người tiêu dùng khi mua một thiết bị mới. Phí tái chế trả trước được sử dụng để thanh toán cho toàn bộ quá trình thu gom, vận chuyển, tháo dỡ, tái chế, xử lý các thiết bị điện, điện tử.

   Nhờ những chính sách trên, nên tỷ lệ thu gom và tái chế CTĐT của Thụy Sĩ ngày càng tăng cao từ 75% tổng lượng CTĐT vào năm 2016 và lên đến 95% vào năm 2018. Để có được kết quả này là do sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thu hồi, tái chế CTĐT tại Thụy Sĩ, với hệ thống này, người tiêu dùng có thể mang CTĐT đến bất kỳ điểm thu gom, hoặc cửa hàng điện tử nào trên cả nước. Tại các điểm đó, các cơ sở sản xuất, tái chế CTĐT sẽ có hệ thống máy móc tự động để thu hồi kim loại, vật liệu giá trị trong thiết bị điện, điện tử cũ đó như kim loại đất hiếm, nhựa, hoặc một số kim loại khác. Việc thu hồi, tái chế CTĐT được xem là giải pháp thân thiện với môi trường vì góp phần ngăn chặn chất thải nguy hại, kim loại nặng, các chất độc hại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bệnh tật cho con người.

 

Công nhân Nhà máy Batrec Industrie AG (Thụy Sĩ) thực hiện phân loại, sản xuất, tái chế pin

 

    Tại Thụy Sĩ, hệ thốngtái chế CTĐT đầu tiên được hình thành và triển khai vào năm 1991, ban đầu chỉ thu gom tủ lạnh cũ để tái chế, sau đó, dần dần mở rộng racác thiết bị điện và điện tử khác. Đến năm 1994, một trong những hệ thống tái chế CTĐT lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất của Thụy Sĩ ra đời, đó là Swico. Swico là tổ chức phi lợi nhuận quốc gia, vớicác thành phần là đại diện của Cơ quan Môi trường, Rừng và Cảnh quan Liên bang Thụy Sĩ (SAEFL), Quỹ Bảo vệ Người tiêu dùng Thụy Sĩ (SKS), các công ty sản xuất, nhập khẩu hàng đầu của Thụy Sĩ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị văn phòng, điện tử tiêu dùng, phim/ảnh... Hệ thống Tái chế Swico hoạt động với mục đích thu gom các thiết bị điện và điện tử từ người tiêu dùng, sau đó thu hồi các kim loại có trong thiết bị điện cũ, tái chế và xử lý, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Swico hợp tác chặt chẽ với các nhà bán lẻ, điểm thu gom tư nhân và công cộng, công ty tái chế, cũng như các cơ quan kiểm toán môi trường chuyên nghiệp để đảm bảo tất cả các thiết bị điện, điện tử đều được đưa đến các đại lý, hoặc bàn giao tại các điểm thu gom chính thức và được tái chế theo đúng quy định về môi trường.

      Khi tham gia vào Swico, các nhà sản xuất và nhập khẩu thiết bị điện, điện tử phải ký Công ước Tái chế Swico, trong đó đưa ra các quy định nghiêm ngặt về xử lý, tái chế CTĐT theo hướng thân thiện với môi trường và bảo tồn tài nguyên. Hiện nay, 90% sản phẩm điện, điện tử cũ đã qua sử dụng tại Thụy Sĩ đều đã được đưa vào hệ thống tái chế của Swico và Swico cũng đã xây dựng mạng lưới khoảng 7.000 điểm thu gom thiết bị điện, điện tử cũ trên khắp cả nước. Thông qua Swico, các thiết bị điện, điện tử thải bỏ được tháo dỡ một cách chuyên nghiệp, các thành phần có chứa chất độc hại trong các thiết bị điện, điện tử được loại bỏ, xử lý một cách an toàn về môi trường và sức khỏe con người. Tại các cơ sở tái chế, CTĐT tiếp tục được tháo dỡ, khử trùng, phân loại, băm nhỏ, chiết xuất các kim loại quý, nhựa, sau đó được sản xuất thành các sản phẩm mới. Đến năm 2018, Swico đã tái chế khoảng 46.000 tấn thiết bị điện và điện tử đã qua sử dụng.

    Hoạt động của Swico đã đạt được những hiệu quả rõ rệt, tạo được niềm tin đối với cơ quan quản lý và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Vì thế mà tại nhiều bang ở Thụy Sĩ, Swico được cơ quan quản lý môi trường địa phương “ủy quyền” để thực thi công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định môi trường trong quản lý, thu gom, tái chế CTĐT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đến nay, Hệ thống Tái chế Swico được đánh giá là một mô hình tái chế chuẩn mực, thành công của thế giới, vì đạt được tỷ lệ thu gom và tái chế cao, có quy tắc xử lý nghiêm ngặt, chế độ kiểm tra chất lượng rõ ràng, cũng như có sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

    Nhìn chung, yếu tố quan trọng của hệ thống quản lý CTĐT tại Thụy Sĩ chính là dựa vào cơ chế EPR, trong đó có quy định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, sản xuất, tiêu dùng và tái chế CTĐT. Thông qua việc áp dụng cơ chế này, Thụy Sĩ đã thúc đẩy phát triển một ngành công nghiệp tái chế CTĐT mạnh mẽ, vừa tiết kiệm tài nguyên, vật liệu, vừa BVMT và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

 

 Bình Minh (Theo Therecycler.com)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn