Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Tăng cường các sáng kiến tái chế rác thải nhựa

18/02/2019

     Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa (RTN) và ứng dụng vào thực tiễn, giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường do RTN. Tận dụng, tái chế RTN không những mang lại giá trị kinh tế cho các nước, mà còn góp phần BVMT, hướng đến phát triển bền vững. Dưới đây là một số mô hình thực hiện tái chế RTN hiệu quả, tạo ra những sản phẩm độc đáo, thiết thực cho cuộc sống, đồng thời, mang lại giá trị kinh tế cao.

     Công viên nổi độc đáo được làm từ RTN

     Ngày 4/7/2018, tại lưu vực cảng Rijnhaven (TP. Rotterdam, Hà Lan), Tổ chức Đảo Tái chế (RIF) đã khánh thành công viên nổi trên mặt nước, với Công viên được tạo thành bởi một chuỗi các khối nổi làm từ nhựa tái chế, có hình lục giác liên kết với nhau và neo vào cảng. Các khối nổi được đặt so le, trên bề mặt được trồng nhiều loại cây khác nhau. Công viên nổi còn có 3 hệ thống thu gom RTN trôi từ con sông Nieuwe Maas đến Rijnhaven và ngăn chặn không cho trôi ra biển. Nhựa được gom lại bởi hệ thống gom rác, sau đó được đưa vào quá trình tạo nguyên vật liệu xây dựng rồi dùng để xây dựng công viên. Mặt dưới của các khối nổi được thiết kế đặc biệt để tạo ra môi trường sống, nuôi dưỡng các loài động, thực vật thủy sinh như tảo, .Ngoài ra, trên các khối nổi có bố trí xen kẽ ghế ngồi, là nơi khách tham quan có thể nghỉ ngơi, thư giãn.

 

Công viên nổi sinh động tại cảng Rijnhaven (TP. Rotterdam, Hà Lan)

 

     Biến RTN thành giải pháp cứu cây xanh

     Trước tình trạng RTN gia tăng tại vùng ngoại ô Thủ đô Nairobi (Kenya), năm 2003, Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo lục địa Aghan Oscar đã có sáng kiến tái chế RTN thành các cọc dùng trong xây dựng, trang trại và biển báo giao thông. Đầu tiên, RTN được phân loại tùy theo chất lượng, sau đó, đưa vào nghiền và làm sạch, rồi đúc thành nhiều hình dạng khác nhau. Sau khi thành phẩm, các cọc nhựa sẽ được xếp theo hình dáng và kích thước để bày bán ở sân sau của Công ty. Đến nay, Công ty đã bán được 96.000 chiếc cọc làm bằng RTN tái chế. Các khách hàng của Công ty gồm nông dân, công ty xây dựng. Trước đây, họ thường dùng cọc gỗ làm hàng rào, tuy nhiên, những chiếc cọc của Công ty có đặc điểm bền và rẻ hơn rất nhiều so với cọc gỗ. Mỗi tháng, Công ty chỉ xử lý được 80 - 100 tấn RTN và đang có kế hoạch nâng gấp đôi sản lượng. Với cách làm trên, Công ty đã góp phần giữ lại lượng lớn cây xanh không bị chặt phá để lấy gỗ làm cọc, đồng thời, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đem lại nhiều việc làm cho người dân địa phương.

 

Công nhân Công ty Năng lượng tái tạo lục địa với những sản phẩm cọc từ RTN tái chế

 

     Tận dụng RTN tái chế để tạo ra gạch lát vỉa hè

     Tại Ghana, anh Nelson Boateng, 33 tuổi, đang làm việc ở Công ty Nelplast - một doanh nghiệp chuyên sản xuất túi nhựa đã có sáng kiến trộn cát với nhựa vụn, với tỷ lệ 70% nhựa và 30% cát để tạo ra các viên gạch dùng lát vỉa hè. Tất cả các loại nhựa vụn, bao gồm cả túi ni lông cũng có thể tái chế thành gạch vừa BVMT, vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Sản phẩm gạch này có thể chịu lực tốt hơn các loại gạch khác bằng bê tông, cũng như đường nhựa bê tông, nhưng giá thành chỉ 1 USD mỗi viên gạch, rẻ hơn so với gạch nung, hoặc gạch bằng xi măng. Tính trung bình, Công ty Nelplast có thể tái chế được khoảng 700 tấn nhựa/ngày. Trong thời gian tới, Công ty còn đặt mục tiêu tái chế 10.000 - 20.000 tấn nhựa/ngày.

 

Sản phẩm gạch lát vỉa hè từ RTN tái chế

 

     Nelson Boateng hy vọng, sản phẩm gạch thân thiện với môi trường của anh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Ghana để có thể nhân rộng ra cả nước, giúp giảm thiểu lượng RTN đang ngày càng gia tăng.

     Nhựa đường từ RTN chôn lấp

     Xuất phát từ ý tưởng tận dụng RTN để sản xuất một loại vật liệu mới dùng cho xây dựng đường giao thông, năm 2006, kỹ sư Toby McCartney (Scotland) cùng với 2 người bạn đã thành lập Công ty MacRebur. Sau một năm nghiên cứu, Công ty đã sản xuất ra loại nhựa đường sử dụng để làm đường giao thông, thay thế cho Bitum (chất lỏng hữu cơ có độ kết dính cao dùng để chống thấm) làm từ RTN tiêu dùng và RTN công nghiệp. Để sản xuất ra loại nhựa đường này, Công ty không sử dụng chai lọ nhựa, hoặc các loại nhựa khác, mà chỉ tận dụng nhựa thải đã bị chôn dưới đất.

 

Con đường sử dụng nhựa đường tái chế từ RTN của Công ty MacRebur

 

     Thời gian qua, Công ty đã phát triển nhiều loại nhựa để sử dụng cho các môi trường khác nhau, ví dụ, ở Trung Đông, loại nhựa đường được thiết kế cho các con đường nơi đây phải có độ bền chắc và dính hơn so với những nơi khác để không bị biến dạng bởi nắng nóng. Một loại nhựa đường khác được thiết kế để phù hợp với những con đường đóng băng ở những nơi lạnh hơn như Canađa, hoặc Scotland. Các sản phẩm nhựa đường của Công ty MacRebur có khả năng thay thế từ 6 - 20% Bitum trong xây dựng đường và được sử dụng ở nhiều đô thị trên thế giới bởi tính năng bền, đa dạng, linh hoạt.

     Biến nhựa phế thải thành nhiên liệu cho xe ô tô

     Mới đây, các nhà hóa học thuộc trường Đại học Swansea (Anh) đã nghiên cứu ra giải pháp biến nhựa phế thải thành nhiên liệu cho xe ô tô, bằng cách chuyển đổi nhựa phế thải thành hyđrôgen hóa học. Các nhà nghiên cứu đã cắt nhựa, gia công thô, cho thêm chất xúc tác để tạo ra một loại vật liệu có thể hấp thụ ánh sáng mặt trời và sử dụng các hạt nano bán dẫn để biến năng lượng mặt trời thành năng lượng hóa học. Sau đó, họ đã đưa nhựa vào một dung dịch kiềm và sử dụng nguồn sáng mặt trời, hoặc đèn để tạo ra các bong bóng khí hydro trên bề mặt. Khí hydro này được sử dụng để nạp nhiên liệu cho các xe ô tô chạy bằng hyđrô. Phế thải nhựa không cần rửa sạch, vì vậy, giảm thiểu tác hại đối với môi trường; đồng thời, tiết kiệm chi phí trong xử lý RTN.

 

Xe ô tô chạy nhiên liệu hyđrô

 

     Có thể thấy, RTN có thể tái chế thành nhiều sản phẩm, vật liệu hữu ích, mang tính ứng dụng cao, góp phần BVMT, bảo vệ sức khỏe con người, nhưng cũng đem lại hiệu quả kinh tế lớn do nguyên liệu đầu vào rẻ. Trong bối cảnh lượng RTN ngày càng gia tăng như hiện nay, đây là giải pháp hữu hiệu cần phải tăng cường thúc đẩy trong thời gian tới nhằm BVMT, giảm áp lực về diện tích đất phải chôn lấp và giúp tiết kiệm tài nguyên.

 

Phạm Thị Ngọc Thùy

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

Ý kiến của bạn