Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Phát triển năng lượng tái tạo - Xu hướng toàn cầu

05/05/2016

   Theo Liên hợp quốc, việc đầu tư vào năng lượng mặt trời toàn cầu đã khởi sắc trong đầu tư năm 2015, với mức tăng 12%, đạt 161 tỷ USD, trong khi đó, vốn đầu tư cho năng lượng gió ít hơn nhiều, chỉ khoảng 4%, tương đương 110 tỷ USD. Các nhà máy năng lượng sinh khối và nhiên liệu sinh học giảm đáng kể, cũng như hệ thống năng lượng địa nhiệt, sóng và thủy triều. Đầu tư vào nhiên liệu sinh học giảm 35%, xuống còn 3 tỷ USD, năng lượng sinh khối giảm 42% xuống còn 6 tỷ USD. Bên cạnh đó, đầu tư trong ngành năng lượng địa nhiệt cũng giảm còn 2 tỷ USD, năng lượng biển giảm mạnh, xuống 215 triệu USD. 

   Theo Báo cáo “Xu hướng toàn cầu về đầu tư cho năng lượng tái tạo (NLTT) năm 2016” của Liên hợp quốc công bố vào tháng 3/2016, nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh phát triển nguồn NLTT. Việc đầu tư vào nguồn NLTT trong năm 2015 đã đạt mức cao kỷ lục 286 tỷ USD, nhiều hơn 2,5% so với năm 2011 (278 tỷ USD). Đây là năm đầu tiên mà ngành NLTT có lượng vốn gấp đôi lượng vốn đầu tư vào nhà máy sản xuất điện, bằng than đá, khí đốt và nhiệt điện truyền thống. Các hạng mục đầu tư phần lớn tập trung vào các nhà máy thủy điện, tiếp đó là năng lượng mặt trời, gió (đất liền và biển) và năng lượng sinh khối.

   Năm 2015 cũng ghi nhận, các nước đang phát triển vượt qua các nước phát triển để trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào phát triển năng lượng xanh. Dẫn đầu xu thế thay đổi này là Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia đã đầu tư mạnh cho nguồn năng lượng sạch, bên cạnh việc duy trì phát triển kinh tế nhờ sử dụng nhiên liệu hóa thạch chứa nhiều cácbon. Trong đó, Trung Quốc chiếm 36% tổng đầu tư năng lượng toàn cầu, tăng 17% trong gia đoạn 2014 - 2015, lên tới 103 tỷ USD. Theo Kế hoạch 5 năm vừa được công bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành năng lượng sạch trong những năm tới.

   Trong khi đó, ở Mỹ, Quỹ đầu tư vào ngành NLTT đã tăng mạnh ngay khi quy định mới về tiết kiệm năng lượng có hiệu lực. Mặc dù, vốn đầu tư cho NLTT đã tăng 1/5, khoảng 44 tỷ USD, nhưng vẫn chưa bằng một nửa của Trung Quốc. Tại châu Âu - khu vực từng đi đầu về năng lượng sạch, mặc dù có sự đầu tư tăng đột biến trong ngành năng lượng điện gió biển nhưng mức đầu tư cho năng lượng sạch giảm 1/5, với 49 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, các chính trị gia đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích phát triển công nghệ sạch.

 

Việc chuyển đổi mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang NLTT là xu hướng phát triển nguồn năng lượng toàn cầu

 

    Đây được xem là một bước chuyển biến quan trọng và kỳ vọng sẽ tạo ra xu hướng mới cho tiến trình phát triển NLTT. Vì vậy, các quốc gia cần quan tâm đầu tư vào năng lượng sạch, đồng thời đánh giá tình trạng ô nhiễm do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó có hướng đi đúng, góp phần giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cho biết, đầu tư vào NLTT gia tăng cùng với hệ thống điện linh hoạt và hệ thống tiết kiệm năng lượng đang phổ biến trên toàn cầu. Tuy nhiên, Chính phủ các nước cần cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng liên quan để đưa ra các chiến lược, chính sách nhằm duy trì tốc độ chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang NLTT như hiện nay. “Chu kỳ lên xuống” trong phát triển nguồn NLTT ở châu Âu là bài học kinh nghiệm quý giá cho các quốc gia trên toàn cầu. Theo đó, các quốc gia cần đưa ra được các chiến lược dài hạn và bao quát hơn để duy trì tốc độ phát triển nguồn NLTT một cách ổn địnhn

Lưu Trang 
(Tổng hợp từ guardian & thinkprogress.org)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

 

Ý kiến của bạn