Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Phát hiện hợp chất làm chậm quá trình phục hồi tầng ozone bảo vệ Trái đất

03/07/2017

     Giới khoa học cảnh báo, tầng ozone bảo vệ Trái đất vốn đang trên đà phục hồi chậm nhờ tác động của Nghị định thư Montreal năm 1987 cấm các hóa chất gây hại cho tầng ozone, có thể đang đối mặt với một mối đe dọa mới.

     Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Nature Communications ngày 27/6/2017, các nhà khoa học đã phát hiện trong tầng bình lưu các lớp hợp chất dichloromethane đang tăng nhanh chóng và có thể làm chậm quá trình hồi phục của tầng ozone. Hiện hợp chất này không nằm trong danh sách cấm của Nghị định thư Montreal.

     Mặc dù vẫn chưa tới mức đáng báo động, song ảnh hưởng của dichloromethane lên tầng ozone đã được ghi nhận là tăng rõ rệt trong những năm gần đây.

     Các nhà khoa học nhận định sự phát triển của dichloromethane sẽ đảo ngược một phần tiến triển đạt được nhờ Nghị định thư Montreal.

 


Nồng độ dichloromethane ở tầng bình lưu đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2004

 

     Nghiên cứu mới nhằm xác định mức độ tác hại của dichloromethan, thường được sử dụng như một dung môi trong các chất tẩy sơn, tẩy nhờn, cũng như dùng để khử chất caffein trong cà phê.

     Các nhà nghiên cứu nhận thấy nồng độ dichloromethane ở tầng bình lưu đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2004.

     Nếu không ngăn chặn, sự tồn tại của dichloromethane có thể khiến tiến trình phục hồi tầng ozone tại Nam Cực, nơi mà tầng bảo vệ này suy yếu nhất, kéo dài thêm hơn 1 thập kỷ nữa. Vì vậy, phải sớm hành động để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc và tái khẳng định việc bảo vệ tầng ozone của Trái đất là "một thách thức chính trị và công nghiệp khó khăn hơn nhiều so với những suy đoán trước đó".

     Tầng ozone nằm trong tầng bình lưu ở cách bề mặt Trái đất 10 - 50 km, làm nhiệm vụ lọc ánh sáng tia cực tím có hại có thể gây ung thư và thiệt hại cho mùa màng.

     Nghị định thư Montreal 1987 cấm sản xuất chlorofluorocarbons (CFC) trong tủ lạnh, bình xịt hơi, máy điều hòa không khí và các tấm bọt cách nhiệt sau khi xác định CFC là tác nhân gây ra hiện tượng gọi là "lỗ hổng" tầng ozone.

     CFC được thay thế bằng hydrofluorocarbons (HFC) vào những năm 1990, một chất an toàn cho tầng ozone nhưng vẫn gây hiệu ứng giữ nhiệt cao trong khí quyển, góp phần thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu.

     Một phiên bản sửa đổi của Nghị định thư Montreal với cập nhật loại bỏ HFC đã được ký kết tại Kigali (Rwanda) vào tháng 2/2017.

 

                                                                                         Quang Ngọc (Theo TTXVN)

Ý kiến của bạn