Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Những dòng sông “chết”, báo động ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ở Trung Quốc

26/07/2016

     Theo Báo cáo của Khoa Y, Trường Đại học Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) năm 2012, Trung Quốc có 50.000 km sông nhưng cá không sống nổi trong 75% dòng sông quan trọng nhất của nước này, nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường nguồn nước. Mặc dù các cơ quan chức năng Trung Quốc khẳng định, thảm trạng này đã được cải thiện bằng nhiều chính sách BVMT, nhưng theo ông Wang Weiluo, một chuyên gia Trung Quốc nổi tiếng về tài nguyên nước và thủy điện, thực tế cho thấy tình hình đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Vị chuyên gia này cho biết một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm là chủ trương xây hàng loạt đập nước và nhà máy thủy điện trên các dòng sông, hủy hoại khả năng tự làm sạch của mặt nước.

     Dân bức xúc, chính quyền lúng túng

     Có thể nói, sự cố cá chết nổi lềnh bềnh nhiều cây số trên sông Tần Hoài ở TP. Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô mà đài truyền hình tỉnh này đưa tin hôm 26/6/2016 vừa qua là ví dụ điển hình. Thời tiết nóng nực khiến cá chết thối rữa rất nhanh, mùi hôi nồng nặc bao trùm dòng sông khiến người dân bức xúc còn chính quyền địa phương lúng túng trong việc đối phó.

     Xác cá trôi ra tới biển cộng với rong rêu và rác thải gây bất an về mặt an toàn vệ sinh cho cư dân. Một quan chức thuộc Văn phòng Tài nguyên nước Nam Kinh giải thích, cá chết do ngập lụt ở thượng nguồn và mức chênh lệch nhiệt quá cao giữa các khúc sông. Hàng ngày đều có người chèo thuyền vớt xác cá chết nhưng không vẫn không thể giải quyết hết lượng cá chết.

 

Ngày 11/7/2007, 50 tấn cá chết vì ô nhiễm tại  một hồ nước ở TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

 

     Cách giải thích trên được cho là thiếu thuyết phục vì xưa nay, chính quyền địa phương luôn né tránh nguyên nhân thực tế gây ô nhiễm môi trường là do phát triển ngành công nghiệp. Tình trạng cá, tôm chết từng xảy ra liên tục trong 2 năm 2013 - 2014 và nhiều năm trước đó chủ yếu do chất thải từ các nhà máy hóa chất dày đặc ven sông. Tần Hoài là một nhánh của sông Dương Tử và điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.

     Tháng 6/2015, Bộ BVMT Trung Quốc trích dẫn “Thông báo tháng 3 về tình trạng môi trường nước này năm 2014” nhận định rằng, gần 2/3 nước ngầm và 1/3 mặt nước không an toàn cho người dân. Đây là những con số gây sốc thật sự theo báo cáo này: 280 triệu người Trung Quốc đang sử dụng nước uống không an toàn và 250 triệu cư dân sống gần các nhà máy đổ chất thải không đúng quy định. Đầu năm 2015, Trung Quốc đã lấy mẫu nước sạch của 29 thành phố lớn và tầm trung đem xét nghiệm về mặt an toàn vệ sinh, kết quả cho thấy gần phân nửa không đạt một hoặc nhiều chỉ tiêu. Tuần báo Oriental Outlook của hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết, có đến 100 triệu người Trung Quốc uống nước nhiễm chất thạch tín (arsenic), fluoride và iodine. Do sử dụng nguồn nước nhiễm các hóa chất trong nhiều năm nên 21 triệu người đã lâm bệnh hiểm nghèo và 87 triệu người khác có nguy cơ mắc bệnh nan y.

     Uống nước không khác gì uống kháng sinh

     Năm 2014, báo cáo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Thanh Hoa cảnh báo, mặt nước sông, hồ ở Trung Quốc chứa 68 loại kháng sinh và 90 loại hoạt chất dược phẩm không kháng sinh, cao hơn nhiều so với cấp độ quốc gia ở Mỹ và châu Âu. Trên sông Châu Giang, Hoàng Phố và một số con sông khác, tần suất phát hiện tồn dư chất kháng sinh là 100%. Năm ngoái, viện sĩ Zhong Nanshan, Viện Hàn lâm Công nghệ Trung Quốc đã lên án nền công nghiệp thủy sản trong nước lạm dụng thuốc kháng sinh. Trên vài con sông của tỉnh Quảng Châu, tồn dư chất kháng sinh cao gấp 10 lần so với chỉ tiêu nên uống nước không khác gì uống kháng sinh.

     Bảng thống kê của Bộ Giám sát Trung Quốc cũng có những con số đáng sợ. Theo đó, hàng năm có đến 1.700 sự cố ô nhiễm nước. Tháng 1/2012, sông Long Giang, tỉnh Quảng Tây bị ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng. Một tháng sau, chính quyền đã bắt 7 người thuộc các doanh nghiệp tình nghi xả chất thải công nghiệp trực tiếp xuống sông. Tháng 3/2012, TP. Trấn Giang, tỉnh Giang Tô nhiễm chất phenol từ sông Dương Tử. Cũng tại tỉnh này, năm 2014, nguồn nước uống của TP. Lan Châu bị ô nhiễm trầm trọng.

     Đầu năm 2016, tạp chí chuyên ngành của Bộ Tài nguyên Nước (MWR) Trung Quốc đăng báo cáo chất lượng nước ngầm của 2.103 giếng nước do nhà nước quản lý cho thấy, 80,2% nước ngầm bị ô nhiễm cấp 4 (32,9%) và cấp 5 (47,3%) do chất thải công nghiệp không thể uống cũng không thể dùng trong sinh hoạt hàng ngày. MWR nhấn mạnh, đây là những giếng cạn chứa nước ngầm gần mặt đất ở các vùng nông thôn. Điều này cũng có nghĩa, các loại ngũ cốc trồng ở nơi này đã bị ô nhiễm. Theo MWR, hầu hết các đô thị được cung cấp nước sinh hoạt hút từ các mạch nước ngầm sâu. Tuy nhiên, báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Địa chất Trung Quốc xác định tại miền Bắc có đến 73% nước ngầm sâu bị nhiễm cấp độ 4 và 5, tức không thể uống. Đây là những dữ liệu rất đáng lo bởi 70% dân số Trung Quốc và 400/660 đô thị ở nước này uống nước ngầm.

 

Phương Tâm (Theo nld.com.vn)

Ý kiến của bạn