Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Những động thái tích cực tại các quốc gia châu Phi đối với cuộc cách mạng cấm túi ni lông

11/07/2019

    Mỗi năm có khoảng 4,4 triệu tấn rác thải nhựa bị thải xuống các vùng biển và đại dương xung quanh khu vực châu Phi, đe dọa nghiêm trọng tới sự sống dưới nước cũng như tạo ra một tấm thảm độc hại trên mặt nước. Việc quản lý chất thải nhựa đang là một vấn đề nhức nhối tại lục địa này và là mối hiểm họa nhãn tiền đối với sức khỏe con người. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng một số nước châu Phi như Rwanda, Kenya, Maroc… đã đi tiên phong trong việc cấm sử dụng túi ning tại siêu thị từ hơn 10 năm về trước. Đây là động thái tích cực đáng được khích lệ.

Các động thái tích cực ở châu Phi

    Đi đầu trong công cuộc cấm sử dụng túi ni lông ở châu Phi là Rwanda. Kể từ năm 2007, Chính phủ Rwanda đã ban lệnh cấm đối với các loại túi ni lông dùng trong sinh hoạt thường ngày của người dân. Việc thuyết phục các doanh nghiệp và những người bán hàng nhỏ lẻ thay thế túi ni lông bằng các loại túi giấy an toàn với môi trường là một trong những phương pháp để loại bỏ túi ni lông ở nước này. Ngoài ra, Chính phủ áp dụng thành công là bởi tại thời điểm ban hành lệnh cấm, việc sản xuất túi ni lông ở Rwanda còn chưa phổ biến.

    Tháng 3/2017, Kenya đã đưa ra một trong những lệnh cứng rắn nhất thế giới: Chỉ cần có hành vi vi phạm về lệnh cấm túi ni lông có thể bị phạt tới 4 năm tù hoặc nộp 38.000 USD. Sở dĩ lệnh cấm có phần khắt khe bắt nguồn từ việc tình hình môi trường ở Kenya đang bị ô nhiễm nặng. Ước tính người dân nước này dùng 24 triệu túi ni lông mỗi tháng. Bên cạnh đó, túi ni lông cũng thường được tìm thấy trong dạ dày của bò ở Kenya, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng của việc sản xuất nông nghiệp và lương thực thực phẩm vốn dĩ là ngành mang lại thu nhập cho phần lớn người dân. Cũng theo lệnh cấm, du khách đến Kenya mang theo túi ni lông từ các cửa hiệu miễn thuế sẽ được yêu cầu phải bỏ những chiếc túi này lại sân bay. Trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực, Chính phủ Kenya đã đưa ra một thời hạn kéo dài 6 tháng để các bên liên quan thực hiện các điều chỉnh cần thiết.

   Đối với Tunisia, từ ngày 1/3/2017, tất cả các chuỗi siêu thị đều phải ngừng phân phối túi ni lông. Được biết, Tunisia đã cân nhắc cắt giảm sử dụng túi ni lông từ nhiều năm trước, nhưng việc thực hiện đã bị trì hoãn và đến ngày 1/3/2017 mới chính thức có hiệu lực. Việc sử dụng túi ni lông đã được giảm bớt và tình hình môi trường ở đã được cải thiện.

    Tanzania là quốc gia mới nhất ở châu Phi bắt đầu áp dụng lệnh cấm túi ni lông từ ngày 1/6/2019, trong nỗ lực loại bỏ chất thải nhựa khó phân hủy nhằm BVMT. Theo quy định mới ở Tanzania, lệnh cấm áp dụng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, bán và sử dụng tất cả các túi ni lông sử dụng một lần. Người nào bị bắt gặp sản xuất túi ni lông có thể nhận án tù 2 năm hoặc bị phạt số tiền lên tới 400.000 USD. Bất cứ ai bị phát hiện mang theo túi ni lông đều có thể bị phạt tại chỗ 13 USD. Chính phủ cũng đã cảnh báo khách du lịch không mang túi ni lông khi nhập cảnh vào nước này, nơi có các điểm tham quan nổi tiếng như núi Kilimanjaro và Serengeti.

   Trong hơn 10 năm kể từ khi lệnh cấm túi ni lông được áp dụng ở các quốc gia châu Phi, những tiến triển dù là khiêm tốn đã được ghi nhận. Hiệu quả nhất có thể kể đến như Rwanda hay quần đảo Zanzibar ở Tanzania. Các lệnh cấm tương tự đã được ban hành ở Botswana, Eritrea, Mauritania, Moroc, Nam Phi và Uganda… Tuy nhiên, hệ thống quản lý chưa hiệu quả và thói quen xả rác khiến triển vọng của xã hội không rác thải nhựa còn gặp nhiều khó khăn ở châu Phi.

Những nguy cơ khó lường của rác thải nhựa

   Không chỉ châu Phi, cho dù ở châu Âu hay châu Á, không khó để nhận thấy rằng đồ nhựa có ở khắp mọi nơi. Nhựa được sử dụng trong tất cả các loại sản phẩm hàng ngày, như ống kem đánh răng, ghế, đồ chơi, thiết bị điện và điện tử (máy tính, điện thoại di động)…

   Nhựa phổ biến trong cuộc sống hiện đại bởi nó nhẹ, mềm dẻo, dễ đúc, dễ vận chuyển, bền và dễ vệ sinh. Bên cạnh đó, có rất ít lựa chọn thay thế cho vật liệu nhựa nếu tính đến lợi ích kinh tế. Việc đổ chai, túi và cốc nhựa sử dụng một lần, tương đương với 8 triệu tấn chất thải nhựa vào đại dương mỗi năm được cảnh báo sẽ dẫn đến việc đại dương chứa nhiều rác hơn cá vào năm 2050, trong khi ước tính 99% tất cả các loài chim biển sẽ ăn phải nhựa. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy, chất thải nhựa đe dọa độ phì nhiêu của đất.

    Nhựa mất hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ để có thể phân hủy. Khi đó, những mảnh vật liệu nhỏ li ti trải khắp bề mặt đại dương hoặc hòa vào đáy biển và bãi biển. Chúng kết thúc hành trình trong chuỗi thức ăn của cá, chim và các động vật khác, sau đó xâm nhập vào hải sản được con người tiêu thụ, khi đó, chúng vào chính cơ thể chúng ta. Các nhà khoa học ước tính có tới 236.000 tấn microplastic trong đại dương nhưng tác hại của nó đối với sức khỏe con người tới nay vẫn chưa tính toán được.

Cần giải pháp đồng bộ và lâu dài

    Có thể nói, những vấn đề liên quan đến rác thải nhựa đang là mối quan ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở châu Á (trừ Nhật Bản) là khoảng 40 kg so với mức tiêu thụ bình quân đầu người là 140 kg ở các nước phương Tây.

   Mặc dù châu Á được cho là đóng góp nhiều hơn vào nạn ô nhiễm nhựa, châu Âu và các nước tiên tiến khác cũng là nguyên nhân do đã xuất khẩu trái phép một lượng lớn phế liệu nhựa sang châu Á. Đầu năm 2018, Trung Quốc đã quyết định cấm nhập khẩu phế liệu nhựa để ngăn các quốc gia EU xuất sang hàng triệu tấn rác. Lệnh cấm này đã khiến thế giới phải nhìn nhận về sự thật đang phải đối mặt, đó là vấn đề rác thải và tái chế khó kiểm soát.

   Trong bối cảnh đó, tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã bỏ phiếu về lệnh cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần (ống hút, khuấy, đĩa…) thay thế chúng bằng các vật liệu bền vững hơn kể từ năm 2021. Chiến lược của EC cũng nhằm tiến tới mục tiêu tất cả các bao bì nhựa có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2030. 

   Các nhà chuyên gia chỉ ra rằng, tất cả chúng ta có thể bắt đầu ngay bây giờ bằng cách loại bỏ hoặc giảm việc sử dụng đồ nhựa một lần không cần thiết, nhưng cũng cần các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề nhựa đại dương, từ chế tạo vật liệu và sản phẩm đến thu gom, tái chế rác thải. Bên cạnh đó, cần giáo dục người dân về sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tái chế cũng như đưa ra lộ trình, mục tiêu cụ thể về tái chế.

   Việc cấm sản phẩm nhựa sử dụng một lần là một bước đi hợp lý, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng. điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề rác thải nhựa là tập trung thu gom và quản lý chất thải nhằm BVMT bền vững, lâu dài.

 

Lê Minh Ánh (lược dịch)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)

 

Ý kiến của bạn