Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Nhật Bản hướng đến nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững

22/08/2018

    Ngày 8/11/2016, quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới Nhật Bản đã phê chuẩn Hiệp định Pari, chuyển Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Từ đó đến nay, Nhật Bản đã triển khai nhiều chính sách đồng bộ về môi trường và mang lại hiệu quả thiết thực như đầu tư xanh, công nghệ xanh, thuế xanh…

Nỗ lực thực hiện mục tiêu cắt giảm khí nhà kính (KNK)

    Nhằm thực hiện mục tiêu vào năm 2030 cắt giảm 26% lượng khí thải so với mức phát thải năm 2013 (cao hơn so với con số 18 - 21% của Mỹ năm 2025 và 24% của Liên minh châu Âu năm 2030), năm 2003, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành “Chiến lược năng lượng sinh khối” và xây dựng các mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh và sinh thái, đặt trọng tâm vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời; phát triển các phương tiện vận tải không dùng xăng; thiết kế xe chạy bằng điện; thực hiện xanh hóa lối sống, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tiết kiệm năng lượng hướng tới giảm KNK... Kết quả là năm 2009, có 208 TP, đô thị thành công trong xây dựng mô hình này và đến năm 2010 là 300 TP, đô thị.

     Nhằm giám sát việc thực hiện “Chiến lược năng lượng sinh khối”, tháng 9/2010, Nhật Bản đã thành lập “Hội đồng xúc tiến Chiến lược tăng trưởng mới” do Thủ tướng đứng đầu. Đồng thời, thúc đẩy Chiến dịch “Sáng kiến xanh”, một nội dung quan trọng trong chính sách môi trường của Nhật Bản và là nội dung kết hợp giữa chính sách kinh tế, công nghiệp và môi trường. Theo đó, nội hàm về “Sáng kiến xanh” của Nhật Bản không chỉ gói gọn trong sự phát triển và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, mà còn bao gồm cả các khía cạnh mang tính xã hội của tiến bộ công nghệ và tác động của nó tới chất lượng cuộc sống. Đặc điểm chủ yếu trong cách tiếp cận của Nhật Bản trong “Sáng kiến xanh” là hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và sự tham gia tích cực của người tiêu dùng để thay đổi lối sống. Để thực hiện Chiến lược, Chính phủ Nhật Bản đưa ra một loạt biện pháp kích thích nhu cầu về các công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường như ưu đãi thuế cho các phương tiện sạch, chương trình điểm sinh thái, chính sách mua sắm công xanh…

 

Trên mỗi mái nhà của TP. Fujisawa đều được lắp đặt các tấm pin mặt trời

 

    Đặc biệt, từ sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 để lại tác hại lâu dài cho môi trường, Nhật Bản ngày càng quan tâm tới phát triển kinh tế xanh, năng lượng xanh với việc chú trọng đầu tư công nghệ mới sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong tự nhiên. Mặt khác, Nhật Bản đã ban hành Luật Khuyến khích mua sắm công xanh nhằm thúc đẩy việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường. Theo đó, tất cả các cơ quan Chính phủ phải thực hiện mua sắm hàng hóa xanh, xác định mục tiêu thường niên cho việc mua sắm các sản phẩm sinh thái và báo cáo cho Bộ Môi trường. Từ khi chính sách mua sắm công xanh được ban hành và triển khai thực hiện, thị phần của các sản phẩm thân thiện với môi trường được sử dụng rộng rãi trong nền hành chính công đã tăng lên đáng kể, với hơn 90% các sản phẩm và dịch vụ mua sắm của các cơ quan ở Trung ương đều đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường cần thiết. Hiệp hội Môi trường Nhật Bản (JEA), dưới sự bảo trợ của Bộ Môi trường, quản lý hệ thống chứng nhận sản phẩm môi trường Nhật Bản có tên gọi Nhãn sinh thái (EM). EM được gắn cho các sản phẩm có tác động tới môi trường thấp hơn so với các sản phẩm tương tự xét trên toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ lúc khai thác nguyên liệu cho tới khâu xử lý. Các nhà sản xuất được trao EM sẽ phải đóng một khoản phí thường niên, tỷ lệ thuận với doanh số bán hàng của họ.Việc sử dụng các sản phẩm được chứng nhận EM đã giúp giảm bớt phát thải khí CO2 và lượng tiêu thụ tài nguyên.Hiện nay, EM đã trở thành tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất lớn.

    Bên cạnh đó, theo dự báo của Bộ Môi trường Nhật Bản, số lượng việc làm trong lĩnh vực môi trường và lĩnh vực liên quan sẽ tăng tới 1,2 triệu việc làm vào năm 2020, trong đó, ngành năng lượng và sản xuất các thiết bị làm sạch không khí được kì vọng có mức tăng trưởng cao nhất về việc làm cũng như quy mô thị trường. Nhận thức được điều này, Nhật Bản đã triển khai sáng kiến “Chương trình thị trấn sinh thái”, góp phần thúc đẩy tái cấu trúc các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành liên quan đến môi trường. Năm 2008, Nhật Bản thực hiện Dự án mô hình TP sinh thái và Thị trấn sinh khối nhằm kích thích các địa phương phát triển dựa trên các hoạt động chống biến đổi khí hậu và năng lượng sinh khối. Năm 2009, trong Chiến lược tăng trưởng mới, Nhật Bản đã đầu tư 530 tỷ USD khuyến khích, mở rộng thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường nhằm tăng gấp đôi số lượng việc làm vào năm 2020.

Xây dựng mô hình TP giảm thiểu các bon, TP thông minh

    Tokyo là TP đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển TP hàm lượng các bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường bằng việc kêu gọi giảm 30% lượng KNK vào năm 2020 và 80% vào năm 2050,giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tập trung vào công nghiệp và thương mại - 2 ngành chiếm một nửa tổng lượng phát thải của TP. Để đạt mục tiêu, chính quyền Tokyo đã thiết lập “Trung tâm xây dựng TP giảm thiểu các bon” và xây dựng “Đô thị xanh”, đồng thời, triển khai một số dự án, chương trình điển hình như: Chiến lược sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng; Đô thị sử dụng tối đa hóa năng lượng tái tạo; Xây dựng hệ thống giao thông bền vững; Phát triển các công nghệ môi trường mới và tạo lập lĩnh vực kinh doanh về môi trường… Các chính sách về môi trường của Tokyo thể hiện quyết tâm đem lại một môi trường trong sạch và an toàn cho người dân TP, góp phần BVMT song hành cùng tăng trưởng kinh tế. Mô hình của Tokyo đã được nhân rộng ra nhiều TP khác của Nhật Bản, thậm chí sang các nước láng giềng.

    Bên cạnh Tokyo, Fujisawa (thuộc tỉnh Kanagawa) cũng được lựa chọn xây dựng mô hình TP thông minh, với hạ tầng vật chất và xã hội chuẩn của một TP thông minh trên thế giới. Toàn bộ hệ thống hạ tầng của TP thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng và BVMT. Theo đó, 1.000 ngôi nhà sinh thái được xây dựng độc lập, sử dụng năng lượng mặt trời và lưu trữ sử dụng pin tại nhà. Quá trình chuyển tải điện sẽ được tích hợp và chia sẻ giữa các nguồn trong cộng đồng. Trung tâm điều khiển sẽ hiển thị tình trạng thực tế sử dụng năng lượng của toàn TP để kiểm soát, theo dõi và quản lý hiệu quả năng lượng sử dụng. Thiết kế cho phép năng lượng sẽ “tắt” khỏi lưới điện trung tâm trong trường hợp có thiên tai, tạo ra lớp phủ bảo mật rộng cho cơ sở hạ tầng mạng lưới. Hệ thống truyền thông liên kết với từng hộ gia đình và mỗi thiết bị gia dụng sẽ quản lý năng lượng cần thiết của từng hộ gia đình dựa trên các hệ thống pin quản lý phụ tải. Bên cạnh đó, thay vì sử dụng những chiếc xe chạy bằng dầu hay xăng, người dân nơi đây sử dụng ô tô điện và xe đạp điện. 

     Xác định tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại, Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008 và sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Trên con đường phát triển, Nhật Bản đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích về phát triển kinh tế xanh cho các quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

 

Thanh Hà

Học viện Ngoại giao Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

 

Ý kiến của bạn