Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Ngân hàng chất thải - mô hình thành công trong quản lý chất thải rắn đô thị tại Inđônêxia

09/06/2020

    Tại Inđônêxia, mô hình ngân hàng chất thải (NHCT) hình thành trên cơ sở quy định của Luật Quản lý chất thải năm 2008 và được chuyển đổi từ mô hình thu gom, xử lý chất thải. Mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) là một giải pháp thay thế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải mà Chính phủ Inđônêxia hướng tới. Mô hình NHCT là kết quả của Chương trình mà Chính phủ Inđônêxia sử dụng nhằm thúc đẩy sáng kiến 3R nhằm giải quyết vấn đề chất thải ngày càng gia tăng. NHCT phát triển và thành công là do công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, Chương trình đã huy động được cộng đồng địa phương tích cực tham gia.

    NHCT là một chiến dịch xử lý chất thải bằng cách mua lại chất thải dưới dạng tiền gửi như hệ thống ngân hàng, hoạt động giống như một ngân hàng mà cộng đồng, các cấp địa phương có thể sử dụng để gửi và thu tiền từ giá trị của rác thải.

    NHCT được thiết lập với quy mô khoảng 1.000 người và được điều hành bởi những người nghèo để giúp tăng thêm thu nhập. Khách hàng mang tất cả chất thải vô cơ ra các ngân hàng và được xử lý như một khoản tiền gửi. Các NHCT bán vật liệu ký gửi cho các đại lý để tái sử dụng, hoặc tái chế. Vì vậy, việc gửi chất thải đã được chuyển đổi thành tiền và người dân có thể rút số tiền đó khi cần sử dụng.

    NHCT đã được phát triển ở nhiều thành phố ở Inđônêxia như Bantul (2008), Malang (2010), Surabaya (2010), Gresik (2012), Cilacap (2012), Barat (2012),  Akarta (2017) và lan rộng đến nhiều địa phương khác. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ và người dân Inđônêxia để tăng cường các hoạt động quản lý chất thải.

 

Người dân ở Jakarta, Inđônêxia tham gia Chương trình “đổi rác lấy vàng” tại Ngân hàng Tái chế Wijaya Kusuma

 

    Chương trình NHCT của Chính phủ Inđônêxia đã góp phần quan trọng vào việc giảm khối lượng chất thải tại các bãi chôn lấp, dần trở thành nguồn thu chính, đóng góp hàng tỷ Rupiah (Rp) cho đất nước. Để hỗ trợ Chương trình, Chính phủ đã phối hợp với các NHCT để đưa vào chương trình giáo dục hàng năm của các học viên NHCT ở Inđônêxia. Mục tiêu chính của NHCT là BVMT bằng cách giáo dục người dân phân loại rác tại nguồn, giúp đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Chất thải được phân loại sẽ được thu gom và trao đổi bằng tiền thông qua các NHCT. NHCT là phương pháp hiệu quả để giáo dục mọi người Inđônêxia phân loại rác. Điển hình tại TP. Akarta, sau khi triển khai NHCT đã mang lại lợi nhuận hàng tỷ Rp. Ở Tây Jakarta, NHCT Satu Hati ở Tây Jakarta được thành lập vào tháng 4/2017 và đã thu được ít nhất 7,2 tỷ Rp (tương đương 511.736 USD). Số tiền này được chuyển trực tiếp vào tài khoản của khách hàng. Trung bình, NHCT Satu Hati tiếp nhận từ 12 - 15 triệu Rp mỗi tuần. Theo Cơ quan Môi trường Tây Jakarta, NHCT Satu Hati hoạt động đã góp phần giảm khoảng 3.780 tấn chất thải vô cơ tại bãi chôn lấp ở Baltar Gebang. Ngoài ra, báo cáo của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Inđônêxia (2019) cho biết, trong 4 năm (2016 - 2019), NHCT đã tăng đáng kể từ 1.172 lên 7.488 NHCT, qua đó góp phần giảm 1,7%, tương đương 1.389.522 tấn chất thải trên toàn quốc và tạo ra trung bình 1,484 tỷ Rp (105.465 USD) mỗi năm.

    Năm 2010, tại TP. Surabaya, 15 NHCT đã được hình thành, đến năm 2013, số lượng NHCT trên địa bàn đã gia tăng, với doanh thu trung bình từ 350.000 - 5.000.000 Rp/tháng. Ở Surabaya, NHCT được tổ chức bởi các cộng đồng địa phương với quy mô nhỏ cùng sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, Bina Mandiri Waste Bank là NHCT lớn nhất, với 120 chi nhánh, doanh thu gần 72.000.000 Rp mỗi tháng. Một số NHCT đã tạo ra sự đổi mới trong công tác quản lý chất thải dưới hình thức như trả tiền điện, tích hợp chất thải vào hệ thống để thúc đẩy nền kinh tế và lấy con người làm trung tâm.

    Như vậy, mô hình NHCT tại Inđônêxia không chỉ giúp BVMT, mà còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức xã hội. Đồng thời, NHCT tại Inđônêxia khuyến khích người dân chủ động phân loại rác thải, nâng cao nhận thức cộng đồng để xử lý chất thải một cách hiệu quả nhằm giảm thiểu chất thải phải đưa đi chôn lấp tại các bãi rác. Đặc biệt, sự đổi mới trong quản lý chất thải thông qua mô hình NHCT ở các cấp địa phương không chỉ nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải, mà còn làm tăng thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, tác động xã hội tích cực của mô hình NHCT thể hiện rõ qua sự gia tăng hài hòa mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng, người dân và chính quyền trong việc quản lý chất thải, BVMT.

 

ThS. Nguyễn Thị Thu Hoài

Viện Khoa học Môi trường

Nguyễn Thị Trà

Đại học Kinh tế Nghệ An

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)

Ý kiến của bạn