Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Ngày Động vật hoang dã thế giới 3/3/2015: 5 loài có nguy cơ tuyệt chủngcao nhất trong tự nhiên

04/05/2015

     Ngày động vật hoang dã thế giới được diễn ra vào 3/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối đe dọa đến loài động, thực vật hoang dã và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, cũng như cuộc chiến chống lại tội phạm buôn bán động, thực vật hoang dã.

     Tính đến năm 2014, có 2.464 loài động vật và 2.104 loài thực vật đã được liệt kê vào nhóm "cực kỳ nguy cấp", phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên. Những con số đã tăng gấp đôi so với năm 1998, khi số lượng loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng tương ứng là 854 và 909.

     Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã thường có tổ chức, xuyên quốc gia, tinh vi và phức tạp giống như các loại tội phạm nghiêm trọng khác như tội phạm buôn bán ma túy, buôn người, hàng giả và buôn lậu xăng dầu. Hoạt động trái phép này được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ tăng cao, cộng thêm nạn tham nhũng và quản lý yếu kém của Chính phủ các nước. Có nhiều bằng chứng cho thấy, sự gia tăng cấu kết giữa mạng lưới tội phạm có tổ chức và nhóm vũ trang phi Chính phủ.

     Nghiêm khắc với tội ác săn bắn, buôn bán động, thực vật hoang dã đồng nghĩa với khôngtham gia vào việc chế tác và tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã, như các loại thuốc, thực phẩm, vật liệu xây dựng, đồ nội thất, mỹ phẩm, quần áo và phụ kiện.

     Nhân Ngày động vật hoang dã thế giới thường niên lần thứ 2, Thời báo Thương mại quốc tế của Anh (IBTimes UK) đã chỉ ra 5 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.

     1. Báo hoa mai Amur

     Thuộc họ mèo hiếm nhất thế giới, báo hoa mai Amur còn được gọi là báo Viễn Đông, số lượng còn khoảng 57 con ở Nga và 12 con ở các khu vực lân cận Trung Quốc. Hiện nay, chúng đang bị đe dọa do nạn săn bắn, hoạt động xâm lấn tự nhiên của con người, do mở đường và khai thác rừng.

 

Báo hoa mai Amur có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn trộm,

chặt phá rừng và hoạt động xâm lấn thiên nhiên của con người

 

     Tại khu vực Viễn Đông Nga, các loài quý hiếm đã dần thích nghi với môi trường sống ở các khu rừng ôn đới. Báo hoa mai Amur thường ở một mình, chúng mạnh mẽ, nhanh nhẹn, có khả năng nhảy xa 5,8 m và cao 3 m. Theo các chuyên gia động vật hoang dã, một số báo hoa mai Amur đực ở lại với con cái sau khi giao phối và giúp con cái nuôi dưỡng báo con.

     2. Tê giác Java

     Tê giác Java còn có tên là “tê giác Sunda”, hay là “tê giác một sừng”. Có 35 con tê giác Java còn sống sót trong Vườn quốc gia Ujung Kulon ở Java, Inđônêxia. Ở Việt Nam, cá thể tê giác cuối cùng đã bị săn trộm vào năm 2010. Javan đã từng là loài phổ biến nhất trong các loài tê giác châu Á, chúng có mặt từ các đảo Java và Sumatra, Inđônêxia, kéo dài sang khu vực Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng số lượng tê giác Java đã giảm nhanh chóng do do nạn săn bắn trái phép, vì sừng của chúng được cho là thần dược trong các bài thuốc cổ của Trung Quốc.

 

Hai mẹ con tê giác đen tại Vườn Bách thú Metro, TP. Miami, Florida, Mỹ

 

     Sự xâm lược của châu Âu vào khu vực này, đi cùng với nạn “trophy hunting” (hình thức săn bắn giải trí và được giữ lại con vật như chiến lợi phẩm sau khi săn bắn), tạo thêm mối đe dọa cho các loài động vật, làm mất môi trường sống của chúng, như hệ quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Mặc dù số tê giác Java còn lại đang được bảo vệ trong các khu bảo tồn quốc gia, nhưng chúng vẫn có nguy cơ bị săn trộm, bị bệnh và mất đi tính đa dạng di truyền, dẫn đến giao phối cận huyết, mà hệ quả cuối cùng là tuyệt chủng.

     3. Rùa biển Hawksbill (Đồi mồi)

     Hawksbill là một loài rùa biển cực kỳ quý hiếm, được tìm thấy trong các rạn san hô nhiệt đới của Ấn Độ, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Mai rùa có những vân vằn rất đẹp, thường bị lấy để chế tạc đồ mỹ nghệ có giá trị, hoặc làm mồi nhử đánh bắt cá.

 

Rùa biển Hawksbill ở đảo Lady Elliot, Ôxtraaylia

 

     Rùa biển Hawksbill chủ yếu ăn bọt biển. Chúng sử dụng chiếc mỏ nhỏ, nhọn như mỏ diều hâu để lấy bọt biển ra khỏi rạn san hô và ăn các thức ăn khác như sứa biển và hải quỳ. Đây là loài sinh vật cổ đại có niên đại tới 100 triệu năm tuổi, có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển, giúp bảo vệ các rạn san hô và thảm cỏ biển.

     4. Tê giác đen

 

 

     Trước năm 1970, có khoảng 65.000 con tê giác đen, nhưng hiện nay, chỉ còn 5.055 con tê giác đen còn sót lại trong tự nhiên ở Kenya, Namibia, Nam Phi, Swaziland, Tanzania, Zimbabwe, Zambia, Botswana và Malawi. Trong suốt thế kỷ 19, do châu Âu mở rộng đất đai và tăng cường thương mại nên tê giác đen đã bị săn bắt không ngừng. Mặt khác, nhu cầu sử dụng sừng tê giác trong các loại thuốc Trung Quốc dẫn đến 96% lượng tê giác đen bị giết trong giai đoạn từ năm 1970 - 1991. Đây là loài động vật sống đơn độc hầu hết thời gian trong cuộc đời, chúng được biết đến là loài nhút nhát trong việc đánh dấu lãnh thổ hơn hẳn so với tê giác trắng châu Phi.

     5. Khỉ đột Cross river

     Ước tính chỉ có khoảng 200 - 300 con còn lại trong tự nhiên, nằm rải rác xung quanh 11 nhóm khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Cameroon và Nigeria.

 

 

       Khỉ đột Cross river có diện mạo tương tự như nhiều loài khỉ đột sống ở các vùng thấp phía Tây, chỉ khác nhau về cấu trúc hộp sọ. Khỉ đột Cross river sống ở khu vực có đông dân cư. Người dân xung quanh thường xâm lấn lãnh thổ của chúng bằng cách phá rừng, lấy đất phát triển nông nghiệp; hoặc săn bắt trộm, đe dọa đến sự sinh tồn của loài này.

 

Huyền Trang (Theo http://www.ibtimes.co.uk)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2015

 

Ý kiến của bạn