Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Mô hình thành công của công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Costa Rica

02/09/2013

Đa dạng sinh học (ĐDSH) là sự giàu có, phong phú các nguồn gen, các loài và hệ sinh thái trên bề mặt Trái đất, là tài nguyên tái tạo, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Giá trị của ĐDSH không chỉ cung cấp nguyên liệu cho việc cải thiện các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và y dược, cải thiện điều kiện sinh thái, điều hòa khí hậu, mà còn là nguyên liệu cho quá trình tiến hóa sinh học và là công cụ cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Costa Rica hiện đứng thứ ba trong Bảng xếp hạng chỉ số hoạt động hiệu quả môi trường toàn cầu, có được kết quả đó một phần do Costa Rica có một khung pháp lý toàn diện về quy hoạch, quản lý và bảo tồn ĐDSH, kết hợp hài hòa và hợp lý các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về ĐDSH (CBD). Mặc dù có diện tích nhỏ (chỉ 51,100 km²), nhưng tỷ lệ ĐDSH của Costa Rica chiếm đến 5% toàn cầu, trong đó 25,58% diện tích đất nước là các khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) và vườn quốc gia (VQG), với hàng nghìn loài chim lạ, hơn 15.000 loài bướm, 3.000 loài hoa lan và nhiều loài thú quý hiếm khác. Ví dụ, KBTTN Cocos; KBT Gandoca - Manzanilo; VQG Tortuguero; VQG Carara; VQG Braulio Carrillo…

Ở Costa Rica, Cơ quan quản lý quốc gia về ĐDSH là Bộ Môi trường, Năng lượng và Viễn Thông (MINAET), trực thuộc là Cơ quan Quản lý các KBT quốc gia (SINAC). SINAC có trách nhiệm triển khai các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, thông qua việc quản lý hệ thống các KBTTN và VQG trên phạm vi cả nước. Tất cả các KBT này được MINAE tổ chức và thực hiện phân cấp quản lý một cách rõ ràng, có sự tham gia của cộng đồng xung quanh các KBT, nhằm tăng cường hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị ĐDSH và tài nguyên thiên nhiên của KBT. Sự tham gia này có tầm quan trọng đối với hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH ở mỗi địa phương, từ đó lan tỏa đến nhiều địa phương khác trên cả nước và thế giới.

Mô hình thành công của công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Costa Rica.tif

KBT Cano Negro (Costa Rica) là nơi cư trú của nhiều loài chim di cư

Hành lang pháp lý hoàn chỉnh - yếu tố đầu tiên dẫn đến thành công

Có thể nói, yếu tố thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn ĐDSH của Costa Rica đó là thiết lập được hành lang pháp lý hoàn chỉnh về ĐDSH gồm: Luật ĐDSH năm 1998, Chiến lược quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH vào năm 1999 và nhiều quy định khác. Trong đó, Luật ĐDSH được đánh giá là rất hiệu quả và toàn diện. Trải qua 15 năm, các quy định của  Bộ luật này vẫn có hiệu lực pháp lý cao nhất. Lý giải cho tính thiết thực và tầm nhìn xa của Bộ luật này, trong một báo cáo mới đây, Hội đồng Tương lai thế giới (WFC) cho rằng, Luật ĐDSH năm 1998 của Costa Rica đã tạo ra một khung pháp lý phù hợp, bao hàm các nguyên tắc và mục tiêu của CBD, đó là thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, đảm bảo chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ ĐDSH và tài nguyên thiên nhiên. Các quy định của Bộ luật được xây dựng trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu của CBD theo một phương thức tổng hợp và có liên quan lẫn nhau từ nhận thức giá trị vốn có của tự nhiên, đến nguyên tắc chung và tiêu chí áp dụng các quy định pháp luật. Luật nêu rõ các yếu tố cơ bản của sự sống bên cạnh các yếu tố quan trọng khác như nước, năng lượng, sức khỏe, nông nghiệp... nhằm thực hiện các nguyên tắc của phát triển bền vững. Đặc biệt, tính bền vững của Bộ luật đã đề cập đến chương trình chi trả dịch vụ môi trường - một chính sách mới được thực hiện ở các nước khác trong thời gian gần đây, cũng như quy định về tiếp cận nguồn gen và hóa chất sinh học của ĐDSH được bảo tồn nội vi hay ngoại vi, nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến ĐDSH.

Vì mục đích bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, phân phối công bằng các lợi ích và chi phí phát sinh do sử dụng các yếu tố tự nhiên, Bộ luật đề ra một số nguyên tắc sau: Đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trong việc tiếp cận và phân phối những lợi ích thu được từ sử dụng các yếu tố (di truyền và sinh hóa) của ĐDSH; Coi trọng quyền lợi của cộng đồng; Sử dụng bền vững ĐDSH, tôn trọng sự lựa chọn phát triển của thế hệ tương lai; Thực hiện an toàn sinh học theo nghĩa rộng bao gồm công nghệ, môi trường, dinh dưỡng…; Đảm bảo người dân tham gia nhiều hơn trong các quyết sách.

Ngoài ra, Bộ luật quy định, Ủy ban Quốc gia về quản lý ĐDSH (CONAGEBIO) cùng với SINAC chia sẻ trách nhiệm quản lý ĐDSH, đảm bảo an toàn môi trường, bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái, các giống, loài, các quy định về tiếp cận nguồn gen, quyền sở hữu trí tuệ, giáo dục và nâng cao nhận thức, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đánh giá tác động môi trường, có chính sách ưu đãi và biện pháp trừng phạt hợp lý. Đồng thời, Luật ĐDSH còn quy định, các khu vực được bảo tồn không giới hạn về địa lý, có giá trị sinh thái quan trọng, nhằm bảo vệ sự sinh tồn của các loài có nguy cơ tuyệt chủng và bảo tồn các giá trị ĐDSH khác, BVMT đất, nước, văn hóa và dịch vụ sinh thái. Tuy nhiên, khi thành lập các KBT, cần bảo đảm các quyền lợi trước đó và không để ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của dân cư bản địa. KBTTN hoang dã có thể được lập nên bởi nhà nước, thành phố, tư nhân hay kết hợp của các bên và để cộng đồng có trách nhiệm cao trong công tác bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH, Chính phủ khuyến khích thành lập KBT tư nhân, đồng thời giám sát và hỗ trợ họ trong quá trình quản lý.

Bên cạnh đó, Chính phủ Costa Rica cũng cam kết và tuân thủ chặt chẽ các điều ước quốc tế và khu vực như Công ước về ĐDSH (CBD), Công ước CITES quy định về việc cấm buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, Công ước RAMSAR về bảo tồn những vùng đất ngập nước và nhiều quy định khác. Cùng với đó là hàng loạt các quy định pháp lý được ban hành, mới đây là Luật cấm săn bắn giải trí, nhằm ngăn chặn nạn săn trộm động vật hoang dã (ĐVHD) thông qua các tour du lịch săn bắn bí mật. Theo đó, những người săn bắn giải trí (không phải vì mục đích nghiên cứu khoa học) nếu vi phạm luật sẽ bị xử phạt 4 tháng tù giam hoặc xử phạt hành chính lên đến 3.000 đô la Mỹ. Nếu người dân nào có hành vi bắt trộm ĐVHD hoặc nuôi bất hợp pháp các loài động vật quý hiếm như báo đốm châu Mỹ, báo sư tử hay rùa biển khi phát hiện sẽ bị đưa đi cải tạo.

Phát huy sức mạnh từ cộng đồng trong hoạt động bảo tồn ĐDSH

Điều cốt lõi của thành công trong công tác bảo tồn ĐDSH tại Costa Rica là Chính phủ đã biết lồng ghép lợi ích của người dân với hoạt động bảo tồn, để họ hiểu được ý nghĩa và tác dụng của việc gìn giữ, bảo vệ và sử dụng hiệu quả những giá trị ĐDSH giàu có của đất nước. Tại Costa Rica, diện tích đất được khoanh vùng bảo vệ và xây dựng KBT ngày càng mở rộng, ở nhiều địa phương, nhiều KBT tư nhân lần lượt ra đời, vì những nhu cầu khác nhau như nghiên cứu, du lịch sinh thái, trồng cây thuốc...

Costa Rica hiện có 11 KBT tư nhân và hơn 40 VQG, với hệ động thực vật vô cùng phong phú và được đánh giá là một trong 20 nước có ĐDSH cao nhất trên thế giới. Để có được điều đó, ngoài việc kêu gọi cộng đồng tham gia vào hoạt động bảo tồn, Chính phủ Costa Rica còn đầu tư một nguồn lực đáng kể để phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các công trình nghiên cứu vì lợi ích của bản thân họ. Những nghiên cứu này có sự tham gia thực hiện của cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội và cộng đồng, bao gồm những thông tin tổng thể và toàn diện, nhấn mạnh vào giá trị của việc sử dụng hệ sinh thái tự nhiên, đem lại lợi ích kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư địa phương và sự phát triển bền vững của quốc gia. Những kiến thức thu được thông qua những nghiên cứu khoa học và đánh giá của xã hội đóng góp một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính lâu dài của hoạt động bảo tồn ĐDSH và tài nguyên thiên nhiên đất nước. Song song với việc thẩm định giá trị kinh tế mà ĐDSH mang lại, các cơ quan nhà nước, tư nhân và các tổ chức ở Costa Rica đã, đang tích cực thúc đẩy các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BVMT và bảo tồn ĐDSH, góp phần thay đổi thái độ và hành vi của con người đối với tự nhiên. Đây có lẽ là điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được.

Trần Hương (Theo World Future Council)

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

 

Ý kiến của bạn