Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Kinh nghiệm phát triển Thành phố thông minh tại Châu Âu

14/10/2019

     Thuật ngữ “Thành phố thông minh” (TPTM) được sử dụng để nói về các TP hiện đại, áp dụng sáng kiến công nghệ thông tin để xây dựng và phát triển đô thị, chú trọng đến các khía cạnh của đời sống đô thị như chất lượng cuộc sống, phúc lợi, tính bền vững, gắn kết xã hội, tăng trưởng kinh tế và quản trị theo hướng xây dựng các TP mới, hoặc tái cấu trúc các TP hiện có. TPTM là mô hình tối ưu nhất trong quản lý đô thị hiện nay, do đó, xây dựng TPTM đã trở thành xu hướng phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

     Tổng quan về TPTM ở châu Âu

     Tại các quốc gia châu Âu, ý tưởng TPTM đã và đang được chính quyền các TP ưu tiên thực hiện. Trong những năm qua, các dự án về TPTM liên quan tới việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và tự động hóa các hệ thống quản lý đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mục đích chính của việc ứng dụng TPTM là nâng cao mức độ tiện nghi và chất lượng sống trong các TP thông qua số hóa các quy trình, tiết kiệm nguồn tài nguyên, BVMT và phát triển bền vững. Mỗi TP/quốc gia có chiến lược riêng phụ thuộc vào bối cảnh phát triển.

     Trong Bảng xếp hạng TPTM của các TP tại châu Âu đã phân loại các sáng kiến thông minh thành 6 đặc điểm: Quản trị; Giao thông; Môi trường; Kinh tế; Sinh hoạt và Con người. Đến nay, các TPTM ở châu Âu được xếp hạng dựa trên sự hiện diện của 6 đặc điểm trên. Đến nay, đã có 240/468 TP ở châu Âu đáp ứng tiêu chí TPTM, trong đó có 46/52 TP lớn là TPTM với hơn 500.000 cư dân sinh sống. Điều này cho thấy, phong trào TPTM ở châu Âu trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ.

     Qua nghiên cứu cho thấy, có 82 (34%) TPTM chỉ có một đặc điểm, trong đó, “môi trường thông minh” là đặc điểm chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là “giao thông thông minh”. Điều này chứng tỏ rằng, các vấn đề tắc nghẽn giao thông và nhu cầu cải thiện môi trường TP là một trong những động lực quan trọng hàng đầu của chính sách  về TPTM của châu Âu. Hai đặc điểm này dễ nhận dạng hơn các đặc điểm khác, do đó thu hút sự quan tâm của chính quyền TP nhiều hơn, vì thế, thời gian tới, các TP cần có cách tiếp cận lâu dài đối với tất cả các đặc điểm trên.

     Một số TPTM tại châu Âu

     Tây Ban Nha

     Tại Tây Ban Nha, có một phương pháp đánh giá các TP phát triển theo khái niệm tổng thể về TPTM đã được áp dụng vào năm 2015 cho tất cả các TP trong mạng lưới TPTM trên đất nước. Mục đích là đóng góp cho quá trình chuyển đổi đô thị thông thường thành TPTM. Theo đó, Dự án của Trung tâm công nghệ thông tin - hệ thống năng lượng thông minh tại các TP (CITES) do Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải (UPM) điều phối, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến công cụ trực quan và được sử dụng như một phương pháp đánh giá dự án TPTM, hỗ trợ đồ họa để thông báo cho người dùng về những tiến bộ trong quá trình chuyển đổi đô thị sang TPTM. Để phục vụ Dự án, 62 TP tại Tây Ban Nha với dân số hơn 50.000 người đã được lựa chọn. Các TP được xếp hạng hàng đầu trong 6 đặc điểm thông minh là Barcelona và Madrid. Đứng đầu về giao thông thông minh là Valencia, tiếp theo là Madrid và Barcelona.

     Hà Lan

     Hà Lan là đất nước có tốc độ đô thị hóa cao và phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và biến đổi khí hậu. Để giải quyết những vấn đề này, chính quyền nhiều TP đã ứng dụng mô hình đô thị thông minh, với mục đích quản lý hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn và tiện ích cho người dân đô thị. Thủ đô Amsterdam được xếp thứ 10 trên Bảng đánh giá các TPTM trên thế giới và thứ 4 ở khu vực Tây Âu, trong đó, đứng thứ 3 về công nghệ, thứ 6 về tiếp cận quốc tế và thứ 13 trên Bảng xếp hạng thế giới về quy hoạch đô thị.

 

TP. Eindhoven, Hà Lan là TPTM với thiết kế tiên tiến, hiện đại

 

     Không chỉ có Thủ đô Amsterdam, Eindhoven là một TP nhỏ, chỉ có 200.000 dân, nằm ở phía Nam của Hà Lan đã áp dụng thành công mô hình TPTM. Theo các chuyên gia, mô hình phát triển TPTM với sự kết hợp chặt chẽ của 3 trụ cột “chính quyền - trường đại học - doanh nghiệp” đã đem đến những thành công tốt đẹp. Trong đó, trường đại học tạo ra các ý tưởng mới; doanh nghiệp là chủ sở hữu của các sản phẩm công nghệ; chính quyền hỗ trợ xây dựng các ý tưởng, khởi nghiệp thông qua việc cung cấp tài chính. Ngày nay, TP. Eindhoven đang được biết đến là một TPTM nhất thế giới với ngành công nghệ cao và thiết kế tiên tiến, hiện đại.

     Anh

     Trong danh sách những TPTM trên thế giới, Thủ đô London của Anh luôn được xếp hàng đầu nhờ sớm áp dụng công nghệ để xử lý tắc nghẽn giao thông, giúp cho việc di chuyển và đỗ xe trở nên đơn giản hơn. Là một trong những trung tâm công nghệ của thế giới, London có hệ thống băng thông rộng phát triển. Năm 2018, London phát động Tuần lễ Công nghệ London, công bố lộ trình xây dựng TPTM với chủ đề “Cùng nhau đưa London trở nên thông minh hơn”. Đây là một kế hoạch lớn nhằm khai thác nhân tài của TP. Hiện nay, London là TPTM đứng đầu châu Âu và thứ 2 trên Bảng xếp hạng thế giới. Cách London 296 km, TP. Manchester cũng là 1 TPTM xinh đẹp của Anh. Năm 2015, TP đã chọn Dự án TPTM (CityVerve) để phát triển hệ thống Internet vạn vật của TPTM và được 22 tổ chức công cộng, tư nhân triển khai rộng rãi. Dự án CityVerve dựa trên ý tưởng dữ liệu mở gắn với các ứng dụng trong 4 lĩnh vực: Giao thông; Y tế; Năng lượng, môi trường; Văn hóa, lĩnh vực công.

     Đan Mạch

     Năm 2017, thủ đô Copenhagen của Đan Mạch được bình chọn là TPTM nhất thế giới. Copenhagen được đánh giá cao bởi những sáng tạo về cơ sở hạ tầng, công nghệ và kinh doanh. Các thách thức đô thị hiện nay cũng được TP từng bước khắc phục, đáng chú ý là hệ thống quản lý giao thông thông minh giúp các phương tiện lưu thông thuận lợi, hạn chế tình trạng tắc đường. Với nền tảng này, Copenhagen đặt mục tiêu trở thành một trong những TP đầu tiên trên thế giới có mức thải bằng không vào năm 2025. Bên cạnh đó, Aarhus cũng là một TPTM của Đan Mạch. Aarhus đã biến các nhà máy xử lý nước thải thành nhà máy điện. Năm 2015, nhà máy xử lý nước thải Marselisborg tạo ra tổng sản lượng là 8,628 MWh/năm, TP tiêu thụ khoảng 5,311 MWh/năm, tương đương với tổng tỷ lệ sản xuất năng lượng là 153%. Ngoài ra, Marselisborg còn tạo ra 2,5 GW nhiệt cho Aarhus vào mùa đông.

     Đức

     TPTM đã được triển khai rộng rãi ở Đức theo hướng không xây dựng TP mới hoàn toàn trên cơ sở mô hình và tiêu chí của TPTM mà chủ yếu đưa những ứng dụng của TPTM vào quá trình giải quyết những vấn đề đặt ra đối với các đô thị hiện có. Vì thế, cách tiếp cận về TPTM ở Đức không giống như ở những nơi khác trên thế giới. Quản lý đô thị bằng công nghệ số, tự động hóa hoàn toàn để điều khiển giao thông đô thị theo tiêu chí tối ưu hóa và tuyệt đối hóa an toàn giao thông, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiện ích cá nhân và BVMT được đưa ra làm những tiêu chí chung cho đô thị thông minh. Hiện nay, 5 TP được xác định là trọng điểm đô thị thông minh của Đức gồm: Berlin; Freiheim; Hamburg; Mannheim; Stuttgart.

     Bên cạnh 5 TP trên, Cologne (TP lớn thứ 4 của Đức) cũng đang thực hiện thí điểm Dự án “Đường phố khí hậu” ở tuyến phố dài 4 km theo hướng điều tiết giao thông tự động hoàn toàn, không để hình thành điểm ùn tắc giao thông, tự động hạn chế xe có động cơ phát thải gây ô nhiễm không khí... Tại một số TP khác có Dự án Nhà thông minh, Khu phố thông minh, Chính quyền thông minh... đều áp dụng công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo để phát triển TP theo hướng văn minh, hiện đại và tiện ích. Hai bài học kinh nghiệm được chính quyền các TP tâm đắc là phải có sự hợp tác với khu vực kinh tế tư nhân và sự tham gia tích cực của người dân. Người dân và các công ty có thể chủ động kiến nghị những ý tưởng về đô thị thông minh, tham gia, thậm chí cả quản lý, vận hành một số dự án.

     Như vậy, hiện nay, hầu hết các quốc gia châu Âu đều có TPTM ở tất các loại quy mô. Kinh nghiệm tại châu Âu cho thấy, phát triển TPTM là một hành trình lâu dài, mỗi TP phải có đặc trưng nền tảng khác nhau để chuyển sang TPTM. Có nhiều thách thức được đặt ra khi tiến hành xây dựng TPTM, việc chọn đúng lĩnh vực, nội dung để đầu tư sẽ tạo động lực nâng cao đời sống kinh tế - xã hội - môi trường cho các TP.

 

ThS. Nguyễn Thị Hồng Lam, TS. Nguyễn Hải Yến,

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Viện Khoa học môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

 

Ý kiến của bạn