Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong xây dựng và phát triển khu công nghiệp sinh thái quốc gia

01/12/2017

   Các khu kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Hàn Quốc trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái môi trường nghiêm trọng và đặt ra nhiều thách thức đối với chất lượng cuộc sống cộng đồng.

   Trước đây, các khu phức hợp công nghiệp là biểu tượng "kỳ tích" kinh tế của Hàn Quốc, nay trở thành những khu vực "cần tránh xa" do ô nhiễm. Tại đây, các doanh nghiệp phải đối mặt với sự kiểm soát của cộng đồng dân cư và các tranh chấp liên quan đến hậu quả của quá trình sản xuất. Nhằm tháo gỡ giúp doanh nghiệp, đồng thời được thúc đẩy bởi Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững 2012 (Rio+20), Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu đưa ra các biện pháp quản lý môi trường mới phù hợp với tiến trình tăng trưởng công nghiệp.

Kinh nghiệm phát triển KCN sinh thái của Hàn Quốc được nhiều quốc gia học hỏi và áp dụng

   Trung tâm Sản xuất sạch Hàn Quốc (KNCPC) đã khởi động Chương trình Khu công nghiệp sinh thái quốc gia (EIP) vào năm 2003, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Kinh tế Hàn Quốc (MOTIE) nhằm đổi mới cách thức phát triển công nghiệp, đồng thời BVMT. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu của chương trình, cách tiếp cận thực hiện từ trên xuống không thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân.

   Điều này đã thay đổi sau khi Tập đoàn Phát triển các khu công nghiệp Hàn Quốc (KICOX) tiếp quản, với vai trò là cơ quan thực hiện. Thông qua bản kế hoạch mới hợp lý và chiến lược tập trung vào kinh doanh, Chương trình đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp. Theo đó, KICOX đã cải tiến chương trình với các mục tiêu cụ thể và một chiến lược 3 giai đoạn, kéo dài từ năm 2005 đến 2019 được đặt ra.

   Năm 2015, KICOX đã nhận được 595 đề xuất dự án, trong đó có 388 dự án được tài trợ để nghiên cứu và phát triển, 197 dự án được triển khai. Việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và hình thức cộng sinh công nghiệp giúp cho các dự án giảm được 6,48 triệu tấn CO2 và giảm 1,09 triệu tấn các loại khí độc khác từ năm 2005 - 2014. Các khoản đầu tư mới vào nghiên cứu và phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp đã tạo ra 848 việc làm, thúc đẩy phát triển công nghệ, cho ra đời 56 bằng sáng chế mới và 100 đăng ký sáng chế chờ phê duyệt. Sang năm 2015, các công ty tham gia hệ thống "cộng sinh công nghiệp" cũng được lợi từ khoản thu nhập 1.848 tỷ won (khoảng 1.680 triệu đô la Mỹ), nhờ vào việc tiết kiệm tài nguyên hoặc bán chất thải và các sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất.

Khu công nghiệp sinh thái tại TP. Daegu, Hàn Quốc

   Có thể thấy rõ, một số yếu tố góp phần vào thành công của Chương trình Khu công nghiệp sinh thái quốc gia Hàn Quốc, đó là KICOX đã tận dụng hiệu quả các chuyên gia địa phương, từ đó xây dựng mạng lưới kết nối doanh nghiệp và người dân. KICOX đặc biệt đầu tư vào việc thu hút các công ty cư trú trong hệ thống "cộng sinh công nghiệp", vì sự tham gia của họ rất quan trọng cho sự thành công của Chương trình. Thông qua mối quan hệ chặt chẽ với các ngành thuộc khu phức hợp công nghiệp, trung tâm EIP của khu vực và điều phối viên tại địa phương có thể xây dựng cộng đồng các bên liên quan dựa trên đặc điểm chung về ngành hoặc loại tài nguyên.

   Để kích thích sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp vào Chương trình, trong những năm đầu tiên, KICOX tập trung vào các Dự án ngắn hạn để chứng minh lợi nhuận kinh tế của Dự án EIP nhằm thu hút doanh nghiệp. KICOX lập chiến lược sử dụng các trung tâm EIP tại khu vực để thúc đẩy Chương trình EIP. Câu chuyện thành công được quảng bá rộng rãi thông qua các kênh truyền thông trực tuyến và ngoại tuyến.

   Chính phủ Hàn Quốc cũng đã sử dụng một quỹ tài trợ có hiệu quả để tạo điều kiện cho các cá nhân tham gia và đầu tư mà không gây trở ngại cho người nhận tài trợ hoặc tránh trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, Chính phủ cũng tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển các Dự án đề xuất đạt tiêu chuẩn với mức tài trợ được xác định dựa trên quy mô của công ty, tác động tiềm ẩn, công nghệ sản xuất và các tiêu chí khác. Mặt khác, Hàn Quốc cũng đưa ra các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến để giảm ô nhiễm và tiết kiệm tài nguyên.

   Mặc dù đã có nhiều thành tích đáng kể, Chương trình EIP của Hàn Quốc vẫn còn tồn tại một số thách thức. Trước tiên, Chương trình cần phải tập trung nhiều vào các tác động đến môi trường trong việc xây dựng EIP. Lượng phát thải CO2 cần giảm hơn nữa nhằm đảm bảo mục tiêu giảm khí nhà kính quốc gia (GHG). Để đạt được kết quả đó, Hàn Quốc cần áp dụng các biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ cho các dự án kém hiệu quả về mặt kinh tế nhưng vẫn có tác động tích cực đến môi trường. Cuối cùng, cần tăng cường và hệ thống hóa việc hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện EIP và chính quyền địa phương thông qua các chính sách hợp lý, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho Chương trìnhn

                Hồng Điển (Theo GGKP)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn