Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Bolivia và Peru chung tay bảo vệ nguồn nước và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học tại hồ Titicaca

21/01/2016

     Nhằm hiện thực hóa cam kết giữa Tổng thống Bolivia Evo Morales và Tổng thống Peru Ollanta Humala vào tháng 6/2015 về hợp tác BVMT giữa hai nước, ngày 10/1/2016, Bộ trưởng Môi trường Bolivia Alexandra Moreira và người đồng cấp Ecuador Manuel Pulgar đã ký thỏa thuận làm sạch, bảo vệ nguồn nước và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học tại hồ Titicaca trong vòng 10 năm tới, với nguồn vốn đầu tư 500 triệu USD.

 

Hồ Titicaca - Hồ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ

 

     Theo Bộ trưởng Môi trường Bolivia Moreira, dự án hợp tác của hai nước sẽ tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước và môi trường của người dân cũng như giám sát tình trạng ô nhiễm ở hồ Titicaca. Vấn đề xử lý chất thải rắn và xây dựng hệ thống gom, xử lý nước thải cũng sẽ được ưu tiên trong giai đoạn 1 với nguồn đầu tư 63 triệu USD. Trong các giai đoạn sau, vấn đề ô nhiễm do rác thải công nghiệp, quản lý, khai thác khoáng sản trái phép, nông nghiệp và chăn nuôi sẽ được giải quyết.

     Hồ Titicaca nằm giữa biên giới Bolivia và Peru ở độ cao hơn 4.000 m so với mặt nước biển và là hồ nước ngọt lớn nhất ở Nam Mỹ, nơi có 41 hòn đảo lớn, nhỏ. Với hơn 20 con sông cùng chảy vào, hồ Titicaca rất hấp dẫn du khách nước ngoài. Ngoài ra, hồ Titicaca còn là một địa danh khảo cổ nổi tiếng. Các nhà khoa học từng tìm thấy dưới lòng hồ hàng nghìn mảnh xương, đồ gốm cùng nhiều mảnh kim loại vàng, bạc có từ cách đây 1.500 năm thuộc đế chế Inca. Tuy nhiên, việc cư dân sinh sống đông đúc tại các hòn đảo lớn của hồ đã gây ô nhiễm nguồn nước. Tại nhiều hòn đảo, người dân còn tận dụng những sườn đồi dâng lên từ hồ làm ruộng bậc thang để canh tác lúa mì, khoai tây và rau. Ngoài ra, theo thống kê chính thức, có khoảng 3 triệu người của cả hai nước sinh sống xung quanh hồ Titicaca.
 

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn