Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

7 triệu người chết hàng năm do ô nhiễm không khí

04/06/2014

     Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong năm 2012, trên thế giới đã có 7 triệu người bị chết vì hậu quả của ô nhiễm không khí - chiếm tỷ lệ 1/8 tổng số người chết trên toàn cầu. Con số này gấp 2 lần so với dự tính trước đó và là bằng chứng khẳng định, ô nhiễm không khí hiện là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người. Vì vậy, giảm thiểu ô nhiễm không khí có thể cứu mạng sống hàng triệu người trên Trái đất mỗi năm.

     Cụ thể hơn, báo cáo cũng chỉ ra mối liên quan chặt chẽ giữa ô nhiễm không khí trong nhà và ô nhiễm không khí ngoài trời với một số bệnh về tim mạch, đột quỵ, thiếu máu cục bộ, ung thư... Thêm vào đó, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp, bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phế quản mãn và tắc động mạch phổi...

 

 

     Các số liệu đưa ra trong báo cáo không chỉ dựa trên những kiến thức và sự hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh mà còn trên cơ sở đánh giá chính xác về sự tiếp xúc của con người với các chất gây ô nhiễm không khí thông qua các thiết bị và công nghệ đo lường tiên tiến. Các nhà khoa học hiện nay có khả năng phân tích, đánh giá chi tiết về nguy cơ của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người do có nguồn số liệu lớn và phạm vi rộng, bao gồm cả thành thị và nông thôn.

     Theo tính chất của khu vực, các nước có thu nhập thấp và trung bình tại Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ô nhiễm với khoảng 3,3 triệu người chết do ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 triệu người chết do ô nhiễm không khí ngoài trời.

     “Làm sạch bầu không khí mà chúng ta đang hít thở giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm, giảm nguy cơ mắc bệnh cho phụ nữ và nhóm người dễ bị tổn thương, gồm trẻ em và người già. Trẻ em và phụ nữ nghèo phải trả giá đắt do môi trường không khí bị ô nhiễm vì họ phải hít thở khói và bụi từ bếp lò than và bếp củi đun nấu hàng ngày”, Tiến sỹ Flavia Bustreo - Tổng giám đốc Cơ quan Sức khỏe Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em của WHO cho biết.

     Ô nhiễm không khí ngoài trời chủ yếu là do xe cộ, khí thải từ các nhà máy điện, các nhà máy công nghiệp cũng như khí thải nông nghiệp và gia đình. Các nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí ngoài trời tăng rất nhanh ở các nước với dân số lớn và đang trải qua giai đoạn công nghiệp hóa nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ.

     Trong báo cáo đánh giá của WHO, phần lớn những trường hợp tử vong ô nhiễm không khí là do các bệnh tim mạch. Cụ thể: Tỷ lệ các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí ngoài trời là: 40% bệnh tim thiếu máu cục bộ; 40% đột quỵ; 11% viêm phế quản mãn; 6% ung thư phổi; 3% nhiễm đường hô hấp cấp ở trẻ em. Tỷ lệ các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà là: 34% đột quỵ; 26% bệnh tim thiếu máu cục bộ; 22% viêm phế quản mãn; 12% nhiễm đường hô hấp cấp ở trẻ em; 6% ung thư phổi.

     Qua kết quả phân tích, đánh giá, các chuyên gia của WHO cho rằng, ô nhiễm không khí trong nhà có liên quan đến 4,3 triệu ca tử vong do sử dụng bếp than, củi và sinh khối. Các con số đưa ra dựa trên các thông tin chính xác về mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong số 2,9 tỷ người sử dụng củi, than, khí ủ bàn cầu làm nhiên liệu để nấu nướng. Đối với ô nhiễm ngoài trời, có 3,7 triệu ca tử vong tại các vùng nông thôn và thành thị trên toàn thế giới.

 

Phụ nữ nghèo và trẻ em dễ bị tổn thương do ô nhiễm môi trường không khí

 

     Trên thực tế, có nhiều người bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí ở cả trong nhà và ngoài trời. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trong trường hợp này không thể tính gộp một cách đơn giản, do vậy con số ước tính là khoảng 7 triệu người chết trong năm 2012 từ nguyên nhân ô nhiễm không khí.

     “Mức độ ô nhiễm không khí quá mức là hậu quả của những chính sách không bền vững trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, công nghiệp và quản lý chất thải. Trong nhiều trường hợp, các chiến lược phát triển bền vững sẽ kinh tế hơn về lâu dài do tiết kiệm các chi phí chăm sóc sức khỏe cũng như lợi ích môi trường”.

     Báo cáo này là một bước tiến dài của WHO trong lộ trình ngăn ngừa các bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí. Vào cuối năm 2014, WHO sẽ xuất bản Các hướng dẫn về sử dụng nhiên liệu và chất đốt trong các hộ gia đình cũng như cung cấp các số liệu tại các quốc gia về ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời liên quan đến tỷ lệ tử vong, những cập nhật mới nhất về số liệu đo đạc chất lượng không khí tại 1.600 thành phố từ mọi khu vực trên thế giới.

 

Đỗ Hoàng (Theo tài liệu của Chương trình Môi trường LHQ)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014

Ý kiến của bạn