Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Israel

02/05/2019

     Với dân số 8,5 triệu người và 70% lãnh thổ là sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, nhưng Israel được cả thế giới biết đến là đất nước rất phát triển về nông nghiệp. Người Israel nổi tiếng cần cù trong tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và trở thành một điển hình nông nghiệp của thế giới. Bằng chứng là chỉ trong thời gian ngắn, quốc gia này đã chuyển từ tình trạng thiếu đến tự túc lương thực, thực phẩm, đặc biệt, 5 năm gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp của Israel luôn vượt con số 3,5 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu chiếm trên 20%.

     Biến thách thức thành cơ hội

     Ấn tượng đầu tiên về Isarel là một quốc gia nhỏ, diện tích chỉ khoảng 21.000 km2, lại phải trải qua các cuộc chiến tranh kéo dài. Điều kiện tự nhiên của Israel cũng khá nghèo nàn, toàn bộ đất nước nằm trong khu vực sa mạc, bán sa mạc, đất canh tác ít, kém màu mỡ, địa hình phức tạp, nhiều rừng và đồi dốc... Bên cạnh đó, với áp lực từ việc dân số tăng nhanh, lượng người nhập cư ồ ạt từ cuối những năm 1980, khiến nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp gia tăng đáng kể. Vì vậy, Chính phủ nhà nước Do Thái này đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước của Israel

 

     Người Israel làm nông nghiệp với 95% là khoa học, chỉ 5% lao động. Họ sử dụng phương pháp khử mặn đất, phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt hiệu quả và thậm chí nuôi cá ngay trên sa mạc cằn cỗi. Israel cũng là quốc gia duy nhất mà diện tích sa mạc đang được đẩy lùi, dẫn đầu thế giới về tái chế nước, với tỷ lệ lên đến 70% lượng nước được tái chế. Những thành công nổi bật tạo nên bức tranh sinh động cho nền nông nghiệp của Israel là: Chăn nuôi bò sữa, gia cầm; trồng, chế biến cam quýt; trồng hoa, rau màu, thực phẩm công nghệ cao… Tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Israel đều ứng dụng công nghệ hiện đại như sinh học, thông tin/điện toán, tự động hóa. Ngoài thành tựu đạt được về năng suất, chất lượng nông phẩm, Israel cũng đang đi đầu về công tác quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng nông sản. Hầu hết nông phẩm, nhất là các loại thực phẩm tươi sống, rau quả, trứng, thịt của Israel bán trên thị trường (kể cả chợ đen) đều có tem, nhãn, địa chỉ rõ ràng, thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng.

     Người Isarel cũng là bậc thầy về bán hàng và marketing. Họ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, nhưng có một nguyên tắc chung là luôn tính đến năng suất, hiệu quả kinh tế tổng thể trên mỗi đơn vị canh tác. Không chỉ bán những sản phẩm nông nghiệp, họ còn chào bán thiết bị, công nghệ và “gói’ quy trình sản xuất. Nếu khách hàng không có đủ điều kiện để mua đồng bộ, họ sẽ tư vấn để bán từng công đoạn.

     Người dân là chìa khóa để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao

     Hai mô hình tổ chức sản xuất phổ biến giúp ngành nông nghiệp của Isarel phát triển thành công là Kibbutz và Moshav. Trong đó, Moshav là hình thức tổ chức kiểu doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân tại nông thôn. Mỗi Moshav có nhiều trang trại lớn, vừa sản xuất, vừa chuyển giao công nghệ, bán giải pháp. Còn Kibbutz (làng nông nghiệp), được hình thành và mở rộng gắn liền với đặc điểm lịch sử phát triển của Israel. Đây là cộng đồng nông thôn, mang những đặc tính rất riêng: Một xã hội thu nhỏ, hệ thống kinh tế - xã hội dựa trên nguyên tắc sở hữu tài sản tập thể, bình đẳng, kết hợp sản xuất, tiêu thụ, đào tạo với ý tưởng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Hiện nay, có khoảng 300 Kibbutz trên khắp đất nước Israel, số lượng xã viên từ 40 tới hơn 1.000 người/Kibbutz. Dân số của Kibbutz tại Israel vào khoảng 130.000 người, chiếm khoảng 2,5% dân số cả nước, nhưng tạo ra tổng hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp trị giá 8 tỷ USD, trong đó, nông nghiệp đạt 1,7 tỷ USD, đóng góp gần 40% sản lượng nông nghiệp toàn Israel.

     Nếu như việc quy hoạch, thiết lập mô hình được coi là nền tảng thì khuyến khích và nuôi dưỡng ý thức đổi mới, sáng tạo liên tục trong “dòng máu”của từng người dân chính là chìa khóa, động lực để Israel phát triển thành công mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bất kỳ cá nhân nào, dù nông dân hay nhà khoa học, chỉ cần có ý tưởng đổi mới, sáng tạo, sẽ có cơ quan hỗ trợ để ý tưởng đó được hiện thực hóa. Không ưu đãi đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp, nhưng Israel có mức đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp thuộc loại cao nhất thế giới. Quốc gia này cũng đặc biệt coi trọng đầu tư phát triển giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ.

     Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

     Trong bối cảnh dân số không ngừng tăng, nhưng các nguồn tài nguyên thì đang dần cạn kiệt, an ninh lương thực trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu ở mỗi quốc gia. Vì vậy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được nhiều nước chú trọng, nhằm tăng năng suất và chất lượng ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường toàn cầu.

 

Trồng rau trong hệ thống nhà kính

 

     Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế, việc không ngừng sáng tạo, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đời sống của người dân. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước đang học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của Israel. Đặc biệt, thời gian qua, việc hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam - Israel có những bước phát triển nhảy vọt, vững chắc, với kim ngạch thương mại song phương đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2015 và đang hướng đến con số 3 tỷ USD trong vài năm tới, sẽ là điều kiện để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm cũng như hỗ trợ từ Israel.

     Tại chuyến thăm Việt Nam tháng 3/2017, Tổng thống Israel Reuven Rivlin cho rằng, Israel và Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác trong nông nghiệp, tưới tiêu, thủy lợi, bảo tồn nguồn nước… Đây là những lĩnh vực mà Israel có nhiều kinh nghiệm, công nghệ phát triển tiên tiến, trong khi Việt Nam lại đang tiến hành tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại.

 

Trương Huyền

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

Ý kiến của bạn