Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Ấn Độ: Biến rơm thành than sinh học

12/04/2018

     Ấn Độ đang thực hiện Dự án Energy Harvest nhằm biến chất thải nông nghiệp thành năng lượng, loại bỏ tình trạng đốt rơm ngoài đồng ruộng ở bang Punjab - Theo Conversation. Dự án áp dụng công nghệ xử lý chất thải do Viện Nghiên cứu năng lượng sinh học châu Âu thuộc Đại học Aston phát triển.

     Hàng năm, nông dân Ấn Độ đốt bỏ lượng lớn rơm rạ không sử dụng. Những đám khói lớn bao trùm Punjab và khu vực xung quanh, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhà chức trách liên tục tìm cách giải quyết tình trạng này. Năm 2016, Tòa án tối cao Ấn Độ chỉ đạo Punjab và Haryana thực hiện nghiêm kế hoạch chấm dứt việc đốt rơm.

     Nông dân Punjab trồng lúa từ tháng 5 đến tháng 10 rồi trồng lúa mì từ tháng 11 đến tháng 3 trên chính cánh đồng đó. Quá trình gặt lúa và trồng lúa mì phải diễn ra nhanh chóng vì sự chậm trễ có thể ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì.

 

Rơm được nén thành viên nhỏ và xử lý thay vì đốt cháy (Ảnh: Himanshu Mahajan)

 

     Thu hoạch 11 triệu tấn gạo ở Punjab sẽ thải ra khoảng 21 triệu tấn rơm rạ. Nông dân thường chỉ có 20 ngày để dọn sạch chúng trước khi vụ lúa mì bắt đầu. Rơm chủ yếu được đốt ngoài trời, ngay trên cánh đồng, bất chấp quy định cũng như thiệt hại gây ra cho môi trường và con người. Tình trạng này đã kéo dài suốt hàng chục năm. Tuy nhiên, Ấn Độ không phải nơi duy nhất có hiện tượng đốt rơm. Ngày nay, một số khu vực ở Đông Nam Á và châu Phi cũng xử lý rơm rạ theo cách này.

     Đốt cháy rơm gây lãng phí tài nguyên. Mỗi năm, đất mất thêm nhiều các bon, nitơ và các chất dinh dưỡng khác. Trung bình 0,4 ha lúa tạo ra khoảng 2,5 tấn rơm, nếu đốt sẽ sản sinh khoảng một tấn các bon hữu cơ bay lên khí quyển dưới dạng khí như CO2, CO và một số khí khác, cùng chất dinh dưỡng như nitơ, photpho, kali.

     Để giải quyết tình trạng này, Đại học Aston phối hợp với Học viện Công nghệ Ấn Độ Ropar đưa ra dự án Energy Harvest năm 2012. Rơm sẽ được xử lý theo đúng quy trình để tạo ra năng lượng. Đầu tiên, rơm được nén thành viên nhỏ nhờ kỹ thuật thường dùng để sản xuất thức ăn cho động vật. Chưng khô, quá trình làm nóng không dùng oxy, sẽ tạo ra nhiệt năng và than sinh học từ viên rơm.

     Mỗi viên rơm chứa nhiều năng lượng, lại dễ cầm nắm, tích trữ và ít tốn kém hơn khi vận chuyển so với bánh rơm. Than sinh học giữ lại hầu hết lượng các bon và chất dinh dưỡng trong rơm. Khi cho vào đất, chúng khiến đất màu mỡ và giữ được nhiều nước hơn. Trong khi đó, nhiệt sinh ra từ quá trình chưng khô có thể dùng để sản xuất nước nóng, cơ năng hoặc điện năng.

     Tháng 11/2017, Dự án giúp thu gom rơm trên hơn 120 ha ruộng để chuyển thành các viên rơm, theo Times of India. Nhóm Dự án tiếp tục hướng đến mục tiêu loại bỏ tình trạng đốt rơm, đồng thời mang lại lợi ích cho nông dân và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Trần Tân

 

 

Ý kiến của bạn