Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Thách thức và giải pháp trong quản lý tài nguyên nước hồ Búng Bình Thiên, tỉnh An Giang

08/04/2022

    Hồ Búng Bình Thiên được phê duyệt là Khu bảo tồn đất ngập nước của tỉnh An Giang và còn là hệ sinh thái nước ngọt tự nhiên với diện tích khoảng 200 ha vào mùa khô và được mở rộng 800 ha vào mùa lũ. Tuy nhiên, hồ Búng Bình Thiên đã được cập nhật vào danh mục ô nhiễm nguồn nước được đẩy nhanh tiến độ xử lý vào năm 2022. Các nguồn gây ô nhiễm chất lượng môi trường nước hồ tại Khu đất ngập nước Búng Bình Thiên chủ yếu là do hoạt động của người dân sống xung quanh khu vực hồ thải trực tiếp xuống lòng hồ như rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải từ các hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành điều tra các nguồn gây ô nhiễm, hiện trạng quản lý chất lượng nước trong khu vực hồ Búng Bình Thiên và tìm hiểu nguyên nhân cũng như khó khăn trong quá trình quản lý chất lượng nước tại hồ. Các thách thức mà nhà quản lý trong khu vực đang gặp phải điển hình là tại cống Sa Tô thuộc xã Khánh Bình, diện tích đất bên trong khu vực cống này chiếm phần lớn là trồng trọt và thải ra một lượng lớn nước thải chứa chất gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt, các hoạt động sản xuất ở khu vực xung quanh Búng Bình Thiên, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng diễn ra khá mạnh trong lòng Búng Bình Thiên và khu vực lân cận thuộc địa bàn xã Quốc Thái và Khánh Bình. Một trong những giải pháp dài hạn nhằm cải thiện chất lượng nước Búng Bình Thiên là tạo kênh thông thoáng kết nối với sông Hậu giúp nước trong lòng hồ không bị tù đọng và cải thiện dòng chảy tốt hơn.

1. Đặt vấn đề

    Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam cũng như toàn thế giới. Vì thế, cần có các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước kịp thời.

    Hồ Búng Bình Thiên gần đây cũng đang đối mặt với tình trạng chất lượng nước ngày càng suy giảm đến mức báo động. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện tại khu vực hồ Búng Bình Thiên với nhiều khía cạnh khác nhau. Một nhóm tác giả đã nghiên cứu về sự phân bố phiêu sinh thực vật ở Búng Bình Thiên [1]. Nghiên cứu được thực hiện tại Búng Bình Thiên vào năm 2013 và 2014 với 4 đợt khảo sát qua 12 vị trí khảo sát. Kết quả cho thấy, có sự hiện diện  của  66  loài  thực  vật  phiêu  sinh,  ngành  tảo  lục  chiếm ưu thế về thành  phần loài (57,58%). Trong thời gian mùa khô, nước trong Búng Bình Thiên có số lượng thực vật phiêu sinh cao và hàm lượng chất hữu cơ cũng khá cao, rất thuận lợi cho sự phát triển của phiêu sinh động vật. Ngoài ra, chất lượng nước ở Búng Bình Thiên có sự biến động theo thời gian nhưng nằm trong mức cho phép về chất lượng nước theo quy chuẩn chất lượng nước mặt xung quanh của Việt Nam (QCVN 08:2015), ngoại trừ nồng độ COD cao vượt mức cho phép vào các tháng mùa khô nhưng không có sự khác biệt về không gian trong Búng Bình Thiên [2].

    Hồ Búng Bình Thiên cũng được khảo sát 11 chỉ tiêu chất lượng nước vào năm 2020 bởi Nguyễn Thanh Giao [3] thì nguồn nước tại đây có 4 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép bao gồm DO thấp, TSS và COD cao và nước bị nhiễm vi sinh. Nguồn gây ô nhiễm chính là do nông nghiệp, sinh hoạt và thủy sản. Bên cạnh đó, sông Bình Di cũng đóng góp một phần vào vấn đề ô nhiễm. Nước tại Búng Bình Thiên chỉ đáp ứng được yêu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, không đáp ứng yêu cầu nước cấp sinh hoạt. Việc tăng số lượng cá thể của một số loài phiêu sinh động, thực vật do sự ô nhiễm nguồn nước có thể dẫn đến nhiều rủi ro môi trường cho Búng Bình Thiên, gây mất cân bằng đa dạng sinh học, thiếu hụt oxy cho các loài thủy sinh khác cũng như tạo ra nhiều mùi hôi thối nếu mật độ quá cao.

    UBND tỉnh An Giang cũng đã thực hiện báo cáo kỹ thuật đất ngập nước Búng Bình Thiên để thống kê đa dạng sinh học và giải quyết ô nhiễm môi trường nước [4]. Trong đó có nêu, tại Búng Bình Thiên, chỉ số chất lượng nước (WQI) dao động từ 75 - 83 vào mùa khô và từ 13 - 72 vào mùa lũ. Trong mùa khô, chất lượng nước tại Búng Bình Thiên nằm trong giới hạn mức 2, phù hợp cho mục đích cung cấp nước sinh hoạt nhưng cần phải có biện pháp phù hợp. Trong mùa lũ, chất lượng nước trở nên ô nhiễm hơn thuộc mức 3 với WQI dao động từ 50 - 72 tại 5 vị trí và mức 5 với giá trị WQI dao động từ 13 - 16 tại 5 vị trí khác. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thay đổi chất lượng nước giữa hai mùa là sự hiện diện của chất hữu cơ (DO thấp, TSS và COD cao) và vi sinh vật (Coliform), dẫn đến người dân hạn chế sử dụng nước tại Búng Bình Thiên vào mùa lũ.

    Trước tình hình ô nhiễm nguồn nước tại Búng Bình Thiên như hiện nay, tác giả đã tìm hiểu các nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nước trong khu vực và tìm ra thách thức cản trở trong công tác quản lý cũng như việc cải thiện chất lượng nước hồ Búng Bình Thiên gặp khó khăn như thế nào là cần thiết và cấp bách, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa cụ thể hóa các giải pháp quản lý ô nhiễm nguồn nước tại Búng Bình Thiên nói riêng và đối với các khu vực khác bị ô nhiễm nước nói chung.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

    Hồ Búng Bình Thiên thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, trước đây là con sông nối sông Bình Di với sông Hậu. Trong quá trình bồi lấp, phần sông nối với sông Hậu bị bồi lấp, Búng Bình Thiên đã trở thành một hồ nước lớn, chỉ còn liên hệ với sông Bình Di. Búng Bình Thiên là nơi cư trú thích hợp cho nhiều loài thủy sinh vật, trong đó có nhiều loài thủy sản đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long di cư vào sinh sống ở khu vực này. Hồ Búng Bình Thiên hiện tiếp nhận nguồn nước từ sông Bình Di chảy vào và không có vị trí tiếp nước với sông Hậu theo Hình 1.

Hình 1. Bản đồ khu vực nghiên cứu hồ Búng Bình Thiên

    Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát địa phương và phỏng vấn cán bộ môi trường thuộc Phòng TN&MT huyện An Phú bằng phương pháp phỏng vấn sâu để tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm chất lượng nước tại khu vực Búng Bình Thiên, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục ô nhiễm. Phương pháp này được thực hiện đối với cán bộ phụ trách môi trường cấp huyện nhằm tìm hiểu các nội dung: Nguyên nhân gây nên việc thay đổi chất lượng nước; hậu quả của sự thay đổi này; những hành động và chính sách mà chính quyền địa phương đã và đang thực hiện trong việc bảo vệ nguồn nước của Búng Bình Thiên; thuận lợi và khó khăn trong công tác quản lý chất thải của địa phương để BVMT của Búng Bình Thiên.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Hiện trạng chất lượng nước tại khu vực hồ Búng Bình Thiên

    Chất lượng nước mặt tại hồ Búng Bình Thiên giai đoạn từ năm 2017 - 2021 chưa đảm bảo tốt mục đích cấp nước sinh hoạt trực tiếp (cột A1) cho người dân trong khu vực theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt). Trong đó, hàm lượng TSS, BOD5, và Coliform trong nước thấp hơn quy chuẩn cho phép và ô nhiễm chủ yếu cũng bởi các thông số này.

    Từ kết quả quan trắc chất lượng nước mặt hàng năm của Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật tài nguyên môi trường tỉnh An Giang (Hình 2) cho thấy, chất lượng nước tại khu vực này chưa đảm bảo tốt về chất lượng nước dùng cho mục đích sinh hoạt, do đó khuyến cáo người dân cần phải xử lý nước đạt chất lượng trước khi đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo sức khỏe lâu dài.

Ghi chú:

H1: vị trí đầu BBT

H2: vị trí giữa BBT

H3: vị trí cuối BBT

Hình 2. Diễn biến nồng độ TSS, BOD5 và Coliform tại BBT từ năm 2017 - 2021

    Chất lượng nước tại hồ Búng Bình Thiên đa phần có hàm lượng TSS, BOD5 và Coliform nằm trong mức B1 (dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi) từ năm 2017 - 2021. Riêng lượng Coliform trong nước vào năm 2021 tại vị trí đầu Búng Bình Thiên, nơi tiếp nhận nước từ sông Bình Di vượt mức B2, nghĩa là nước mặt tại đây chỉ sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp. Nhìn chung, trong những năm gần đây, chất lượng nước tại hồ Búng Bình Thiên chưa có xu hướng cải thiện rõ rệt, vẫn dao động tiệm cận mức B1 theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Vì vậy, nếu không có giải pháp quản lý chất lượng nước hồ Búng Bình Thiên kịp thời thì chất lượng nước sẽ bị suy giảm và dịch chuyển lên mức B2 theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

3.2. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm chất lượng nước hồ Búng Bình Thiên

3.2.1. Rác thải sinh hoạt

    Công tác thu gom, xử lý rác tại 3 xã Nhơn Hội, Quốc Thái và Khánh Bình đôi lúc còn bất cập, do đây là khu vực nông thôn, một số nơi dân cư thưa thớt, đường lộ nhỏ nên vẫn chưa có xe vào thu gom rác, cách xử lý rác phổ biến của họ là đốt (chiếm 95%) và chôn lấp (chiếm 5%). Những cách thức xử lý rác ở Khánh Bình sẽ làm phát sinh một lượng khí thải đáng kể bao gồm cả những khí độc hại đối với môi trường không khí và sức khỏe con người thông qua quá trình đốt chất thải rắn và có nguy cơ làm ô nhiễm đất ở những khu vực chôn lấp rác không hợp vệ sinh.

    Bên cạnh đó, một số hộ dân tận dụng rác thải hữu cơ để cho cá ăn (như thức ăn thừa) hoặc ủ thành phân bón cho vườn rau, sau đó sử dụng rau này như một nguồn thực phẩm sạch và tiết kiệm. Tuy nhiên, một vài hộ dân vẫn còn thói quen vứt rác xuống hồ Búng Bình Thiên mặc dù đã đăng ký dịch vụ thu gom rác. Đây là một trong những nguồn có khả năng gây ô nhiễm chất lượng nước tại hồ Búng Bình Thiên [4].

3.2.2. Nước thải sinh hoạt

    Nơi đây là vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển nên hệ thống thu gom nước thải chưa được đầu tư xây dựng. Thêm vào đó, tập quán sinh sống lâu đời của người dân vùng đồng bằng gắn bó với sông nước tác động mạnh mẽ đến thói quen xả thải của họ. Đây là một nguồn thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước ở tại Khu đất ngập nước Búng Bình Thiên. Do đó, nguồn thải này cần được quan tâm kiểm soát để hạn chế xả thải xuống lòng hồ Búng Bình Thiên.

3.2.3. Nước thải trong trồng trọt

    Năm 2020, Trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành phỏng vấn các hộ dân trong khu vực Búng Bình Thiên, kết quả phỏng vấn về cách xử lý nước thải trồng trọt cho thấy, người dân ở cả 3 xã chủ yếu giữ nước thải lại trên ruộng hoặc vườn (chiếm 50 - 66,67%), đa phần các diện tích ruộng, vườn này bị ngăn cách với Búng Bình Thiên bởi đường lộ nông thôn của các xã, do đó nông dân giữ lại nước thải trong các rãnh chứa nước kế ruộng, vườn. Tuy nhiên, lượng nước này sẽ được thải ra các kênh dẫn gần đó sau một thời gian. Riêng đối với xã Khánh Bình, lượng nước thải ứ đọng từ các hoạt động trồng trọt sau một thời gian sẽ được thải ra Búng Bình Thiên thông qua cống Sa Tô; số còn lại thải trực tiếp ra Búng Bình Thiên, tỷ lệ này cao nhất ở xã Quốc Thái (chiếm 50%), kế đến là Khánh Bình (33,33%) và cuối cùng là Nhơn Hội (20%).

3.2.4. Hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

    Tình trạng nuôi gia súc, gia cầm thả lan, chất thải không được thu gom xử lý có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước do nuôi thả vịt trên Búng Bình Thiên.

    Các hộ dân nuôi trồng thủy sản sử dụng nước Búng Bình Thiên là nguồn nước chính trong canh tác. Điều này tạo nên sự tương tác giữa nước trong Búng Bình Thiên và nước trong các ao, bè nuôi thủy sản. Nếu chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản không được quản lý tốt mà xả thải ra nguồn nước tự nhiên sẽ là nguồn gây ô nhiễm chất lượng nước tại đây. Ngược lại, khi nguồn nước trong lòng Búng Bình Thiên bị ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất nuôi trồng thủy sản.

3.3. Các giải pháp trong quản lý tài nguyên nước hồ Búng Bình Thiên

    Với thực trạng trên, tỉnh An Giang cũng như các huyện đã thực hiện một số giải pháp ngắn hạn và lâu dài nhằm giảm thiểu các nguồn ô nhiễm tác động đến chất lượng nước của Búng Bình Thiên.

3.3.1. Giải pháp hiện tại

    UBND huyện An Phú luôn quan tâm chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các phòng, ban chuyên môn có liên quan và UBND các xã Nhơn Hội, Khánh Bình, Quốc Thái thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và kịp thời xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường trong khu vực Búng Bình Thiên. Bên cạnh đó, còn theo dõi chất lượng nước Búng Bình Thiên thông qua kết quả quan trắc của Sở TN&MT tỉnh An Giang để thông tin đến người dân và có giải pháp xử lý kịp thời.

    Tăng cường công tác truyền thông, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức, pháp luật về BVMT nói chung và bảo vệ chất lượng nước khu vực Búng Bình Thiên nói riêng đến cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực môi trường tại các xã, thị trấn và người dân trong khu vực.

    Huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng… trong công tác bảo vệ nguồn nước trong khu vực Búng Bình Thiên như tố giác các hành vi vi phạm về việc đổ, xả chất thải trực tiếp gây ảnh hưởng chất lượng nguồn nước để kịp thời răn đe, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

    UBND các xã Nhơn Hội, Khánh Bình, Quốc Thái thường xuyên kiểm tra không để phát sinh các trường hợp xây dựng nhà ở trái phép trong khu vực nhằm hạn chế nguồn thải trực tiếp vào Búng Bình Thiên.

    Hàng năm, lồng ghép hưởng ứng các ngày lễ về môi trường như Ngày Nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn vào BVMT khu vực Búng Bình Thiên như tuyên truyền trực tiếp với các hình ảnh thực tế, phát động thu gom rác thải, trồng cây xanh ven Búng Bình Thiên… nhằm nâng cao nhận thức người dân trong công tác BVMT nói chung và môi trường nước khu vực Búng Bình Thiên nói riêng.

3.3.2. Giải pháp lâu dài

    UBND tỉnh An Giang đã thống nhất cho phép Công ty cổ phần Nam Việt lập báo cáo nghiên cứu đề xuất dự án điện năng lượng mặt trời kết hợp bảo tồn thủy sản và phát triển du lịch sinh thái tại khu vực đất ngập nước Búng Bình Thiên. Trong đó, phải đảm bảo việc thực hiện nạo vét lòng hồ, hạn chế ô nhiễm môi trường, đặc biệt tạo kênh thông thoáng kết nối với sông Hậu, đảm bảo nguồn nước của hồ không bị ứ đọng và thực hiện xử lý ô nhiễm hồ nước, quản lý tốt việc khai thác thủy sản, sắp xếp lại lồng bè neo đậu trên hồ nước theo Thông báo số 364/TB-VPUBND ngày 18/8/2020 của Văn phòng UBND tỉnh An Giang về việc đề xuất ý tưởng dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời kết hợp bảo tồn thủy sản và phát triển du lịch sinh thái tại Búng Bình Thiên của Công ty cổ phần Nam Việt [5].

    Nhằm cải thiện và quản lý chất lượng nước khu vực hồ Búng Bình Thiên ngày càng tốt hơn, nghiên cứu đề xuất thêm những giải pháp mang tính lâu dài trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước trong khu vực hồ:

- Tiếp tục quan trắc diễn biến chất lượng nước để có thể kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng tài nguyên nước. Xử lý và ngăn ngừa các nguồn phát sinh chất ô nhiễm từ sinh hoạt, nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi. Tăng cường giáo dục ý thức BVMT nước của cộng đồng xung quanh Búng Bình Thiên. Tăng cường thực thi công cụ pháp lý trong quản lý môi trường. Cần quan trắc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các thành phần môi trường tại Búng Bình Thiên.

- Xây dựng hệ thống công trình thủy lợi gồm hệ thống đê bao, cống trao đổi (gồm 1 cống lớn ở vị trí thuận tiện trao đổi nước và các cống nhỏ).

- Tăng cường công tác quản lý và khai thác sử dụng nguồn lực tự nhiên từ Búng Bình Thiên, quản lý nguồn thải từ các hộ dân, từ các mô hình canh tác nông nghiệp.

- Tăng cường công tác dự báo, công tác quan trắc lưu lượng nước để có kế hoạch điều tiết kịp thời trước những biến động thủy văn.

4. Kết luận

    Các nguồn gây ô nhiễm chất lượng môi trường nước tại Khu đất ngập nước Búng Bình Thiên chủ yếu là do hoạt động của người dân sống xung quanh khu vực thải trực tiếp xuống lòng hồ như rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải từ các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi thả lan và nuôi trồng thủy sản.

    Chất lượng nước ở Búng Bình Thiên được đánh giá ở mức ô nhiễm hữu cơ (DO thấp, TSS và COD vượt quy chuẩn cho phép) và Coliform. Vào mùa khô, chất lượng nước ít biến động, đến mùa lũ, chất lượng nước tại Búng Bình Thiên có sự biến động cục bộ. Nguồn gây ô nhiễm chính là do nông nghiệp, sinh hoạt và thủy sản. Bên cạnh đó, sông Bình Di cũng đóng góp một phần vào vấn đề ô nhiễm. Nước tại Búng Bình Thiên chỉ đáp ứng được yêu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, không đáp ứng yêu cầu nước cấp sinh hoạt.

    Nghiên cứu này là nghiên cứu khởi đầu cho khu vực đất ngập nước Búng Bình Thiên của nhóm, các nghiên cứu tiếp theo sẽ tập trung vào mô phỏng và dự báo chất lượng nước hồ Búng Bình Thiên thay đổi như thế nào và xây dựng các phương án giảm nhẹ tác động xấu tới chất lượng nước hồ, đồng thời tìm ra các giải pháp khắc phục tạm thời cũng như dài hạn.

Lời cảm ơn

    Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP. HCM (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số C2022-16-04.

Tài liệu tham khảo

1. Q. Lê Công, “Sự phân bố phiêu sinh vật ở Búng Bình Thiên, tỉnh An Giang”, Tạp chí khoa học Trường Đại học An Giang, vol. 7, no. 3, pp. 66-74, 2015.

2. Đ. V. Tý, V. N. Út, T. V. Việt, N. H. Huy, and C. T. Đa, “Đánh giá sự biến động chất lượng nước ở Búng Bình Thiên, tỉnh An Giang”, Can Tho Univ. J. Sci., vol. 54(3), p. 125, 2018, doi: 10.22144/ctu.jvn.2018.048.

3. N. T. Giao, “Xác định chỉ tiêu môi trường nước mặt ảnh hưởng đến thực vật phù du tại Búng Bình Thiên, An Giang”, Tạp chí NN&PTNT, no. 13, pp. 86-95, 2020.

4. UBND tỉnh An Giang, “Báo cáo kỹ thuật đất ngập nước Búng Bình Thiên để thống kê đa dạng sinh học và giải quyết ô nhiễm môi trường nước”, 2019.

5. T. A. G. UBND, “Thông báo số 364 Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư tại cuộc họp về đề xuất ý tưởng dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời kết hợp bảo tồn thủy sản và phát triển du lịch sinh thái tại Búng Bình Thiên của Công ty cổ phần Nam Việt”, 2020.

Trần Ngọc Châu1*, Nguyễn Thị Thùy Vân1,2

1 Khoa Kỹ thuật - Công nghệ - Môi trường, Trường Đại học An Giang

Đại học Quốc gia TP. HCM

2 Phòng TN&MT huyện An Phú, tỉnh An Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2022)

Ý kiến của bạn