Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm hướng tới phát triển kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng

20/07/2023

Tóm tắt:

    Phát triển kinh tế xanh đang dần trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại, giúp tăng trưởng kinh tế, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT và đảm bảo công bằng xã hội. Phát triển kinh tế xanh cũng là con đường đầy hứa hẹn cho các vùng biển đảo của Việt Nam như huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP. Hải Phòng trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên và rủi ro trước biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo định hướng phát triển của TP. Hải Phòng, du lịch là một trong 3 trọng tâm phát triển kinh tế của huyện đảo. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp kế thừa, điều tra, khảo sát và phân tích SWOT để xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm (DLTN) tại địa phương này. Mô hình DLTN hướng tới phát triển kinh tế xanh tại huyện Bạch Long Vĩ sẽ là giải pháp phù hợp nhằm khai thác tối ưu các lợi thế của huyện đảo để phát triển bền vững và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng quốc gia tại vùng biển vịnh Bắc bộ.

Từ khóa: Kinh tế xanh, DLTN, huyện đảo, Bạch Long Vĩ, Hải Phòng.

Ngày nhận bài: 26/3/2023. Ngày sửa chữa: 3/4/2023. Ngày duyệt đăng: 26/4/2023.

 

RESEARCH TO BUILD AN EXPERIENTIAL TOURISM MODEL TOWARDS GREEN ECONOMIC DEVELOPMENT IN BACH LONG VI ISLAND DISTRICT, HAI PHONG CITY

Abstract:

    Green economic development is gradually becoming an inevitable trend of the modern world economy, helping economic growth, efficient use of resources, environmental protection, and social justice. Green economic development is also a promising path for Vietnam's seas and islands, such as Bach Long Vi island district, in the context of resource depletion and facing risks of climate change. According to the development orientation of Hai Phong city, tourism is one of the island district's three fundamental economic development orientations. The study used inheritance, investigation, survey, and SWOT analysis methods to build this local experiential tourism model. The model of experiential tourism towards green economic development in Bach Long Vi district is considered an appropriate solution to optimally exploit the advantages of the island district for sustainable development and contribute to ensuring national defense and security in the Gulf of Tonkin region.

Keywords: Green economy, experience tourism, island district, Bach Long Vi, Hai Phong.

JEL Classifications: O44, Q57, Q56, R58.

1. MỞ ĐẦU

    Trong những năm gần đây, “kinh tế xanh” đang dần trở nên phổ biến không chỉ trong các nghiên cứu khoa học, xây dựng chính sách mà còn trong thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam. Hơn nữa, đây được xem là con đường phù hợp cho các vùng biển đảo, trong đó có huyện đảo Bạch Long Vĩ, nhất là trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ về cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái các hệ sinh thái và tác động của BĐKH. Hiểu một cách đơn giản, nền kinh tế xanh là nền kinh tế có mức phát thải các-bon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội [1, 2].

    Theo định hướng phát triển của TP. Hải Phòng, bên cạnh ưu tiên số một về giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển phía Bắc của tổ quốc, phát triển các mô hình kinh tế xanh phù hợp với điều kiện của huyện đảo Bạch Long Vĩ cũng là một yêu cầu cấp thiết. Theo đó, phát triển DLTN kết hợp du lịch truyền thống là một trong 3 mục tiêu phát triển kinh tế lớn của huyện đảo nhằm khai thác tối ưu các điều kiện thuận lợi của địa phương, giúp nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo, đồng thời củng cố vững chắc vai trò bảo vệ chủ quyền biển đảo [3]. Xét về định nghĩa, DLTN được hiểu đơn giản là loại hình du lịch đề cao yếu tố trải nghiệm của du khách (ví dụ: khách được hoạt động nhiều hơn, tương tác với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh nhiều hơn…) [4]. Cụ thể hơn, DLTN có thể bao gồm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch tự nhiên… và trong đó đòi hỏi du khách cần phải chủ động, linh hoạt để trải nghiệm và học hỏi thay vì chỉ đến, đứng lại và nhìn ngắm lướt qua như các hình thức du lịch truyền thống [4]. Trong khuôn khổ của nghiên cứu này, nhóm tác giả còn đề xuất mô hình DLTN hướng tới phát triển kinh tế xanh cho huyện đảo Bạch Long Vĩ là mô hình phát triển DLTN bao hàm thêm các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), hệ sinh thái, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, môi trường và phúc lợi đối với cộng đồng người dân địa phương.

    Bạch Long Vĩ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành một điểm du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam như: cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hệ sinh thái rạn san hô với độ ĐDSH cao, các điểm chùa, đền thiêng liêng, khí hậu trong lành, hải sản tươi ngon và bổ dưỡng… Tuy vậy, trên thực tế, du lịch tại Bạch Long Vĩ chưa phát triển được như kỳ vọng với số lượng khách du lịch khiêm tốn khi so sánh với các điểm du lịch biển đảo khác cùng khu vực như đảo Cát Bà, đảo Cô Tô… Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự chậm phát triển về du lịch tại huyện đảo Bạch Long Vĩ như: (i) Hạn chế về phương tiện đi lại từ đất liền ra đảo và ngược lại; (ii) Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; (iii) Các sản phẩm du lịch còn đơn giản và thiếu độc đáo; (iv) Hiện trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến tại khu vực âu tàu và khu vực dân cư, làm giảm sức hút du lịch…

    Trước những bất cập nêu trên, yêu cầu cấp thiết là cần nghiên cứu xây dựng một mô hình du lịch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh của huyện đảo Bạch Long Vĩ. Dựa trên định hướng phát triển của TP. Hải Phòng và tình hình thực tế của địa phương, nhóm nghiên cứu xác định mô hình DLTN là hướng đi tối ưu trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững cho huyện đảo. Các kết quả nghiên cứu trong bài báo này sẽ là cơ sở quan trọng giúp TP. Hải Phòng và huyện đảo Bạch Long Vĩ xem xét, đánh giá, xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tại địa phương.

2. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Mô hình DLTN theo định hướng kinh tế xanh của huyện đảo Bạch Long Vĩ.

- Phạm vi nghiên cứu: Huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP. Hải Phòng.

2.2. Tài liệu nghiên cứu

    Tài liệu sử dụng trong nghiên cứu này là một phần của kết quả Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ theo định hướng phát triển của TP. Hải Phòng”, mã số ĐT.XH.2021.889 và kế thừa một phần kết quả từ Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam”, mã số KC.08.09/16-20.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

    Một số phương pháp nghiên cứu được lựa chọn sử dụng phục vụ cho nghiên cứu này bao gồm: Phương pháp thu thập, kế thừa các tài liệu, số liệu và nghiên cứu trước đây; Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết; Phương pháp điều tra, khảo sát hiện trạng và đánh giá môi trường; Phương pháp GIS (viết tắt của Geographic Information Systems) - hệ thống thông tin địa lý; Phương pháp phân tích SWOT: SWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức).

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Điều kiện phát triển mô hình DLTN tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

a. Các điểm tham quan DLTN

Bảng 1. Các điểm tham quan DLTN nổi bật tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

Mô tả cảnh quan

Hình ảnh

Ngọn hải đăng Bạch Long Vĩ có chiều cao 80 m so với mực nước biển và chiếu sáng xa tới 20 hải lý, có tác dụng giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển vịnh Bắc bộ định hướng và xác định vị trí. Ngoài ra, ngọn hải đăng sừng sững trên đảo, hoạt động suốt ngày đêm còn góp phần khẳng định và giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc [5].

    Bạch Long Tự là một ngôi chùa uy nghiêm, linh thiêng, được xây dựng và hoàn thành năm 2009, trên vùng đất rộng 1.000 m2, nằm giữa trung tâm đảo [5]. Đến đây, du khách có thể hòa mình vào không gian nơi cửa Phật linh thiêng, bình yên và thanh tịnh.

    Bãi biển Bạch Long Vĩ hoang sơ và hấp dẫn với làn nước trong xanh và bờ cát trắng mịn [5]. Tản bộ trên bờ cát, lắng nghe tiếng sóng, ngắm nhìn đoàn thuyền nhấp nhô ngoài khơi xa là những trải nghiệm thú vị khi đến với huyện đảo.

     Hệ sinh thái rạn đá - san hô Bạch Long Vĩ có quy mô không gian thuộc loại lớn nhất ở vùng biển vịnh Bắc bộ [5]. Vùng triều rạn đá điển hình và rộng với các lớp đá phân lớp gần như nằm ngang, được tô điểm bởi các “mạch”, “tường” đá cát kết rắn chắc tạo nên một cảnh quan với vẻ đẹp độc đáo [6].

    Dự án năng lượng xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ bao gồm cánh quạt tua-bin gió và hệ thống pin năng lượng mặt trời. Dự án được xây dựng nhằm cung cấp nguồn điện ổn định và liên tục, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của quân dân trên huyện đảo; tạo động lực cho phát triển bền vững và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

b. Nguồn nhân lực và tiềm năng thị trường

    Phần lớn các hộ dân trong huyện đảo Bạch Long Vĩ đều quen biết nhau do số dân ít, điều kiện sinh sống tập trung và tổ chức cộng đồng khá chặt chẽ. Cộng đồng dân cư địa phương thân thiện, cởi mở, mến khách và có kỹ năng giao tiếp tốt. Lãnh đạo huyện có uy tín với cộng đồng dân cư. Đó là những cơ sở thuận lợi về nguồn nhân lực cho phát triển mô hình DLTN tại đây.

    Từ lâu, du lịch biển, đảo là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam, khi thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định: “Du lịch biển, đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam” [7]. Ngoài ra, trong Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh, phát triển du lịch biển, đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm [8]. Trên cơ sở đó, phát triển du lịch tại các vùng biển đảo của Việt Nam nói chung và huyện đảo Bạch Long Vĩ nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Đặc biệt, xu hướng du lịch trong điều kiện bình thường mới sau giai đoạn đại dịch Covid-19 là du lịch ngắn ngày và theo nhóm nhỏ nên huyện đảo Bạch Long Vĩ trở thành một trong những điểm đến lý tưởng với mô hình DLTN. Đến với Bạch Long Vĩ, du khách không chỉ được trải nghiệm văn hóa biển đảo với những di tích văn hóa, các công trình xác lập chủ quyền quốc gia trên biển, du khách còn có cơ hội tận hưởng các hoạt động trải nghiệm sinh thái hấp dẫn…

c. Những hạn chế cần khắc phục để phát triển mô hình DLTN

    Bên cạnh những điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình DLTN huyện đảo Bạch Long Vĩ vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định bao gồm: (i) Thách thức về phương tiện đi lại, vận chuyển đưa đón và trả du khách; (ii) Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu và nghèo nàn, chưa được xây dựng đồng bộ và vận hành chuyên nghiệp; (iii) Các sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng, thiếu độc đáo và mang nét đặc trưng của huyện đảo; (iv) Hiện trạng ô nhiễm môi trường (nổi bật là vấn đề ô nhiễm chất thải rắn) diễn ra phổ biến tại khu vực âu tàu và khu vực dân cư, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của du lịch tại đây; (v) Công tác quản lý nhà nước về du lịch còn hạn chế, chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư để phát triển du lịch với quy mô lớn chất lượng cao; (vi) Lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch còn ít và thiếu chuyên nghiệp nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

3.2. Phân tích định hướng xây dựng mô hình DLTN

    Định hướng xây dựng mô hình DLTN tại huyện đảo Bạch Long Vĩ dựa vào các định hướng phát triển kinh tế xanh bao gồm:

a. Căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bạch Long Vĩ lần thứ VI (Nhiệm kỳ 2020 - 2025), một trong những mục tiêu được xác định rõ ràng là “phát triển du lịch biển đảo” với khâu đột phá nổi bật là “Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch biển đảo” [9].

b. Hoạt động tiến hành áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để giảm phát thải các-bon, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo vào mô hình.

c. Tiến hành các giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật môi trường để giảm chất thải đưa vào môi trường.

e. Sử dụng các giải pháp bảo vệ các hệ sinh thái trên đảo và hệ sinh thái biển để hướng đến khai thác bền vững, khai thác các giá trị gián tiếp thay vì khai thác cạn kiệt các giá trị trực tiếp.

3.3. Phân tích SWOT đối với việc xây dựng mô hình DLTN tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

    Để xây dựng mô hình DLTN tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, bên cạnh việc đánh giá các điểm mạnh và những cơ hội tiềm năng, thì những mặt hạn chế và thách thức cũng đã được xem xét và phân tích thông qua việc sử dụng phương pháp SWOT, với kết quả được trình bày trong Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả phân tích SWOT đối với việc xây dựng mô hình DLTN tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

STT

Thành phần

Đặc điểm

1

Strengths
(Điểm mạnh)

- Là đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh nên có tiềm năng phát triển DLTN gắn với chủ quyền biển đảo [5].

- Có vốn tự nhiên phong phú và hệ sinh thái rạn san hô tại huyện đảo có độ ĐDSH tương đối cao [10].

- Người dân thân thiện, hiền lành, chất phác và có đời sống văn hóa biển phong phú.

2

Weaknesses
(Điểm yếu)

- Kinh tế huyện đảo vẫn chưa phát triển hết các tiềm năng sẵn có, du lịch chủ yếu là tự phát và nhỏ lẻ.

- Chất lượng mạng viễn thông, internet trên huyện đảo hạn chế.

- Cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch còn thiếu và yếu.

- Huyện đảo không tiếp nhận du khách nước ngoài.

3

Opportunities
(Cơ hội)

- Có một số dự án trang trại điện gió Bạch Long Vĩ (11 tỷ USD của Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco).

- Du lịch biển và du lịch thiên nhiên là hai trong số những sản phẩm du lịch ưu tiên của du khách Việt thời kỳ hậu Covid-19.

4

Threats
(Thách thức)

- Huyện đảo nằm xa đất liền, nằm đơn độc, dễ bị cô lập khi có thiên tai [10].

- Phương tiện di chuyển từ đất liền « đảo còn ít, thời gian di chuyển khá lâu (trung bình từ 6 - 8 tiếng tùy từng loại tàu).

- Thiếu nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo về du lịch.

- Ô nhiễm môi trường (đặc biệt là ô nhiễm chất thải rắn).

    Từ những bài học kinh nghiệm triển khai mô hình du lịch trước đây và đánh giá tình hình thực tiễn tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, nhóm tác giả nhận thấy còn tồn tại một số “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển mô hình DLTN hướng tới kinh tế xanh. Giải quyết được các điểm yếu, điểm nghẽn đồng thời phát huy tối đa các điểm mạnh và nắm bắt được cơ hội sẽ là tiền đề vững chắc giúp phát triển hiệu quả mô hình DLTN hướng tới phát triển kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

3.4. Xây dựng mô hình DLTN tại Bạch Long Vĩ

a. Thành lập và vận hành Ban Quản lý du lịch huyện đảo

- Thành phần là đại diện của các bên liên quan bao gồm: Chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ, các hộ gia đình làm du lịch, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp du lịch.

- Chức năng: Thực hiện quyền điều phối tất cả các hoạt động du lịch diễn ra trong khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ. Ban Quản lý sẽ là đại diện cho cộng đồng làm công tác quản lý quy hoạch; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; quản lý các hoạt động và dịch vụ du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch, tìm nguồn tài trợ… nhằm phát triển du lịch tại địa phương.

- Chủ thể và vai trò của các thành phần:

+ Chính quyền địa phương: Đại diện của UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ phụ trách lĩnh vực phát triển kinh tế, có các vai trò gồm: Tham gia phụ trách và điều hành hoạt động của Ban Quản lý theo định hướng phát triển của địa phương; Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư; Thực hiện các giải pháp nhân rộng mô hình.

+ Đồn biên phòng: Đại diện của Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ, có vai trò tham mưu và vận hành các hoạt động của Ban Quản lý nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng và giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

+ Các hộ gia đình làm du lịch: Đại diện của các hộ gia đình làm du lịch tại huyện đảo, có vai trò đóng góp ý kiến xây dựng quy chế hoạt động của Ban Quản lý, trực tiếp triển khai các hoạt động DLTN.

+ Cộng đồng dân cư: Đại diện các tổ dân cư của huyện đảo có vai trò tham gia đóng góp ý kiến xây dựng quy chế hoạt động của Ban Quản lý và tham gia giám sát các hoạt động của mô hình.

+ Doanh nghiệp du lịch: Đại diện của các doanh nghiệp khai thác hoạt động DLTN tại huyện đảo, có vai trò quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm của mô hình DLTN.

- Mối quan hệ giữa các thành phần: Mối quan hệ giữa các thành phần trong Ban Quản lý du lịch huyện đảo là mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau [2]. Trong đó, chính quyền địa phương là chủ thể chính xây dựng, duy trì quy chế hoạt động của Ban, kiểm tra các hoạt động du lịch và đồng thời là “trọng tài” khi xảy ra các xung đột về lợi ích liên quan đến mô hình DLTN. Doanh nghiệp là chủ thể chính khai thác các sản phẩm du lịch trên chính sách, pháp luật của Nhà nước và cơ chế thị trường. Các hộ dân làm du lịch là lực lượng lao động trực tiếp cung cấp các sản phẩm du lịch. Trong khi đó, lực lượng đồn biên phòng và cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia giám sát các hoạt động của mô hình DLTN nhằm đảm bảo giữ vững an ninh chủ quyền và bảo tồn các giá trị văn hóa, tự nhiên của huyện đảo.

Sơ đồ tổ chức

    Sơ đồ tổ chức của Ban Quản lý du lịch bao gồm người phụ trách chung và các tổ chuyên môn thành phần bao gồm: Tổ hướng dẫn khách tham quan huyện đảo; Tổ thông tin, phân phối ẩm thực - dịch vụ; Tổ nhóm văn nghệ; Tổ sản xuất hàng lưu niệm và hải sản; Tổ điều phối các phòng nghỉ.

Xây dựng quy chế hoạt động DLTN

    Quy chế hoạt động DLTN tại Bạch Long Vĩ được nghiên cứu, xây dựng với sự tham gia của các thành viên trong Ban Quản lý du lịch với mục đích quy định công tác quản lý và tổ chức các hoạt động du lịch tại địa phương nhằm đảm bảo tính công bằng trong nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi các bên liên quan [2].

Học tập kinh nghiệm tổ chức mô hình DLTN tại các địa phương khác

    Ban Quản lý du lịch huyện đảo Bạch Long Vĩ cần tích cực tổ chức các hoạt động nhằm tham quan, học tập kinh nghiệm của các mô hình DLTN thành công tại các địa phương có điều kiện tương đồng. Từ đó, sẽ giúp cho các thành viên của Ban Quản lý nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng phát triển hoạt động DLTN.

b. Phân vùng không gian phát triển DLTN

Hình 1. Phân vùng không gian phát triển DLTN tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

    Bằng việc sử dụng công nghệ GIS, không gian phát triển DLTN tại huyện đảo Bạch Long Vĩ được xây dựng theo định hướng kinh tế xanh. Theo đó, lộ trình trải nghiệm ngắm cảnh được thiết kế giúp du khách khám phá trọn vẹn huyện đảo với các điểm dừng chân chính bao gồm: bãi tắm biển; bãi đá; khu vực rạn san hô, ngọn hải đăng… Nổi bật trong đó phải kể tới khu vực phục vụ hoạt động thăm xem rạn san hô (gần âu cảng Tây Bắc) bằng thuyền đáy kính, vừa tạo sức hút du lịch đáng kể cho huyện đảo vừa góp phần bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, các khu vực phát triển homestay và các cơ sở dịch vụ du lịch được phân bố phù hợp với định hướng phát triển của huyện đảo, giúp cung cấp các dịch vụ cần thiết cho du khách trong thời gian lưu trú tại đây.

c. Phát triển các sản phẩm DLTN trọng tâm

    Sản phẩm của mô hình DLTN tại huyện đảo Bạch Long Vĩ bao gồm các hoạt động mà khách du lịch sẽ được khám phá và thụ hưởng với các nội hàm cụ thể “hướng tới phát triển kinh tế xanh” trong mỗi sản phẩm DLTN, được trình bày trong Bảng 3.

Bảng 3. Các hoạt động DLTN tại Bạch Long Vĩ

Tên
sản phẩm

Mục đích

Mô tả

Tiêu chí DLTN hướng tới
phát triển kinh tế xanh

Nghỉ ngơi tại homestay

Du khách nghỉ tại nhà dân, homestay... để trải nghiệm cuộc sống địa phương

Khách ăn, ở, ngủ và sinh hoạt trong gia đình

- Đồ dùng trong nhà là những sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Hướng tới các mô hình homestay lắp ghép phù hợp với cảnh quan và thích ứng BĐKH.

Trải nghiệm đạp xe quanh huyện đảo

Du khách trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành

Đạp xe trên con đường xung quanh đảo và tham quan các công trình trên đảo: âu cảng, hồ nước ngọt…

- Tuyến đường đi sạch sẽ, bố trí thùng rác phù hợp.

- Tour xe đạp hướng đến bảo vệ an toàn cho du khách (xe phù hợp với lứa tuổi, mũ bảo vệ, ghế trẻ em).

- Chiếu sáng đường sá bằng cột đèn năng lượng mặt trời.

Trải nghiệm tắm biển

Khám phá bãi biển hoang sơ

Du khách trải nghiệm hoạt động tắm biển ở bãi biển hoang sơ

- Bãi biển sạch sẽ và có các biển báo nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT.

- Có hệ thống phao quây để khoanh vùng tắm biển an toàn.

Du lịch sinh thái rạn san hô bằng thuyền đáy kính

Khám phá hệ sinh thái rạn san hô tại Bạch Long Vĩ

Thăm xem hệ sinh thái rạn san hô với độ ĐDSH cao

- Khách du lịch được tập huấn chèo thuyền và mặc áo phao…

- Thuyền đáy kính giúp du khách trải nghiệm vẻ đẹp của san hô mà không ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái này.

Trải nghiệm “công viên địa chất”

Khám phá “công viên địa chất” độc đáo tại Bạch Long Vĩ

Du khách được trải nghiệm vùng triều rạn đá rộng lớn và vô cùng độc đáo

- Du khách được tuyên truyền, thông tin về giá trị khoa học của công viên địa chất và các giải pháp bảo vệ môi trường - sinh thái huyện đảo.

Trải nghiệm học nấu ăn và thưởng thức đặc sản địa phương

Tìm hiểu về các đặc sản địa phương như bào ngư, mực… và văn hóa ẩm thực của người dân

Tham gia chương trình học nấu các món ăn đặc sản

- Kỹ năng xây dựng thực đơn phù hợp với khách.

- Sử dụng chính các loại thực phẩm nuôi và trồng được tại huyện đảo để chế biến thức ăn cho du khách.

Trải nghiệm giá trị văn hóa tâm linh

Trải nghiệm vùng đất linh thiêng với các điểm du lịch tâm linh

Các điểm du lịch tâm linh như đền, chùa, lầu Phật

- Các điểm hành trình cần được bố trí các thùng rác phù hợp.

- Có các bảng thông tin giới thiệu về các điểm du lịch nhằm nâng cao hiệu quả tôn vinh các giá trị văn hóa tâm linh.

Du lịch kết hợp giáo dục và tình nguyện

Tìm hiểu về Khu Bảo tồn biển Bạch Long Vĩ và giúp cộng đồng dân cư địa phương

Các hoạt động phù hợp gồm: Trồng cây xanh, dọn sạch bờ biển, tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ nhỏ tại huyện đảo…

- Tìm hiểu về Khu Bảo tồn biển Bạch Long Vĩ và sự ĐDSH tại đó.

- Kết hợp công tác tình nguyện làm sạch môi trường với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo tồn sinh thái, môi trường huyện đảo.

4. KẾT LUẬN

    Huyện đảo Bạch Long Vĩ có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển du lịch bao gồm các giá trị về hệ sinh thái biển đảo, các di tích tâm linh, nét đẹp trong văn hóa - xã hội - ẩm thực hay các công trình nổi bật khác… Theo định hướng của TP. Hải Phòng, DLTN là một trong ba mũi nhọn phát triển kinh tế chủ đạo của huyện đảo Bạch Long Vĩ. Mặc dù có những điều kiện thuận lợi nhất định nhưng du lịch tại huyện đảo chưa phát triển như kỳ vọng, tồn tại một số vấn đề nổi bật như: Hệ thống cảng - tàu du lịch vừa thiếu và yếu; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế; thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng; môi trường suy thoái…

    Kết quả nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp phù hợp nhất với điều kiện và định hướng phát triển của huyện đảo nhằm thúc đẩy phát triển mô hình DLTN bao gồm: (i) Thành lập và vận hành Ban Quản lý du lịch; (ii) Phân vùng không gian phát triển DLTN và (iii) Phát triển các sản phẩm DLTN trọng tâm. Mô hình DLTN hướng tới phát triển kinh tế xanh hứa hẹn là giải pháp phù hợp và tối ưu với huyện đảo Bạch Long Vĩ, nhằm vừa gia tăng giá trị kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm chi phí về năng lượng, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các hệ sinh thái tự nhiên - môi trường. Từ đó, cải thiện đáng kể sự phát triển kinh tế - xã hội cho huyện đảo, củng cố vai trò đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển.

Lời cảm ơn: Nhóm tác giả xin bày tỏ lời cảm ơn tới đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ theo định hướng phát triển của TP. Hải Phòng”, mã số ĐT.XH.2021.889 đã hỗ trợ thực hiện nghiên cứu này.

Lê Xuân Sinh1, Nguyễn Văn Bách1, Bùi Thị Minh Hiền1, Lê Hải Anh2

1Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam

2Viện Nghiên cứu môi trường biển xanh, Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt 1 năm 2023)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. UNEP, 2011. Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication - A Synthesis for Policy Market, 2011.

2. Lê Xuân Sinh, Nguyễn Văn Thảo, Đỗ Mạnh Hào, Lê Văn Nam, Phạm Thị Kha, Bùi Thị Minh Hiền, Đoàn Thị Thanh Xuân, 2021. Báo cáo tổng kết đề tài KC.08.09/16-20 “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam”. Lưu trữ Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

3. UBND huyện Bạch Long Vĩ, 2022. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ 2023. Lưu trữ tại Văn phòng UBND huyện Bạch Long Vĩ.

4. Huỳnh Văn Đà và Trần Thái Di, 2021. Nhu cầu của du khách về DLTN tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn, số 3, 34, trang 73 - 81.

5. Trần Đức Thạnh, Trần Đình Lân, Nguyễn Thị Minh Huyền, Đinh Văn Huy, Nguyễn Văn Quân, Cao Thị Thu Trang, Trần Anh Tú, 2013. Thiên nhiên và môi trường vùng biển đảo Bạch Long Vĩ, 276 trang.

6. Trần Đức Thạnh, Nguyễn Văn Quân, Trần Đình Lân, Nguyễn Thị Minh Huyền, Đinh Văn Huy, 2014. Khu Bảo tồn biển quốc gia Bạch Long Vĩ - Tiềm năng và giải pháp phát huy giá trị. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển; Tập 14, Số 3A; 2014: 281 - 291. Doi: 10.15625/1859-3097/14/3A/5204.

7. Thủ tướng Chính phủ, 2020. Quyết định số 147/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

8. Ban Chấp hành Trung ương, 2018. Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

9. Đại hội Đảng bộ huyện Bạch Long Vĩ, 2020. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bạch Long Vĩ lần thứ VI (Nhiệm kỳ 2020 - 2025).

10. Trần Đức Thạnh, Lê Đức An, 2012. Tài nguyên vị thế tự nhiên đảo Bạch Long Vĩ. Tạp chí Các khoa học về Trái đất, 34 (4), trang 477 - 485.

 

Ý kiến của bạn