Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Nghiên cứu mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn tại xã Cẩm Lạc - tỉnh Hà Tĩnh, xã Hải Minh - tỉnh Nam Định và xã Tống Trân - tỉnh Hưng Yên

07/01/2022

Tóm tắt

    Cùng với sự phát triển của nông thôn Việt Nam, thì chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh từ các hộ gia đình ngày càng nhiều. Nếu việc quản lý không tốt thì sẽ dẫn đến ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đến môi trường sống. Nghiên cứu này đánh giá ưu, nhược điểm của các mô hình quản lý CTRSH ở ba xã nông thôn nằm ở ba tỉnh khác nhau. Mô hình quản lý CTRSH tại xã Cẩm Lạc - tỉnh Hà Tĩnh, xã Hải Minh - tỉnh Nam Định và xã Tống Trân - tỉnh Hưng Yên

Từ khóa: CTRSH nông thôn, quản lý CTRSH.

Nhận bài: 15/10/2021; Chỉnh sửa: 21/10/2021; Duyệt đăng: 26/10/2021.

1. Giới thiệu

    Theo thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 50% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa. Hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

    Đã có rất nhiều các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom CTRSH. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý  CTRSH đa phần là do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom đối với các hộ khoảng 10.000 - 35.000 đồng/hộ/tháng tùy từng địa phương. Số tiền thu được chủ yếu dùng để chi trả cho người thu gom, vận chuyển chất thải rắn (CTR), tuy nhiên so với thu nhập từ các công việc khác ở địa phương thì mức chi trả này tương đối thấp. Nếu tính thêm chi phí như bảo dưỡng, thay thế các dụng cụ, trang bị thu gom, chi phí xử lý CTR thì mức thu này không đáp ứng đủ.

    Bên cạnh đó, những bất cập trong vấn đề quy hoạch các địa điểm xử lý rác còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh. Các nghiên cứu cho thấy, việc xử lý chất thải rắn tại các địa phương hiện chưa được áp dụng các phương pháp và công nghệ đảm bảo, xảy ra tình trạng ở một số địa phương, mỗi xã có một lò đốt, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt này hầu hết là các lò đốt quy mô nhỏ với công suất dưới 300kg/h. Với những lò đốt công suất nhỏ cấp xã này, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.

    Xã Tống Trân, xã Hải Minh và xã Cẩm Lạc, đều là những xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc tham khảo các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý đang diễn ra trên các địa bàn xã, để từ đó rút ra được những điểm mạnh, điểm yếu để có thể áp dụng cho các khu vực khác là rất cần thiết, để làm giảm áp lực, ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe người dân. Và làm cho môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.

2. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp thu thập tài liệu từ các báo cáo, đề tài về CTR, báo cáo kinh tế xã hội của xã Tống Trân, xã Hải Minh, xã Cẩm Lạc.

    Phương pháp khảo sát thực địa tại các địa bàn xã Tống Trân, xã Hải Minh, xã Cẩm Lạc

    Phương pháp tham vấn cán bộ địa phương, người dân và người thu gom, vận chuyển, xử lý CTR

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên

a. Giới thiệu chung

    Xã Tống Trân nằm ở phía Nam của Huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên có tuyến đê ngăn lũ Sông Luộc chạy qua địa bàn Xã. Phía Bắc giáp xã Minh Tiến; Phía Nam giáp là con Sông Luộc giáp huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Phía Đông giáp xã Nguyên Hoà; Phía Tây giáp xã Minh Phượng Huyện Tiên Lữ. Xã có diện tích tự nhiên là 8,9 Km2 được chia làm 3 thôn, tính đến tháng 7/2020 dân số xã có 7.473 người, trong đó người trong độ tuổi lao động là 3.975 người

    Xã Tống Trân là một số thuần nông, với 60% diện tích là đất nông nghiệp, trên địa bàn xã không có khu công nghiệp, hay nghề tiểu thủ công nghiệp. tính đến thời điểm tháng 7/2020 hiện tại xã có 4 công ty, 2 HTX, 3 Doanh nghiệp tư nhân đã thu hút lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, số lao động qua đào tạo 1.848/3.975 người = 46,5%.

b. Hiện trạng thu gom, vận chuyển, xử lý

    Hiện nay, thì nhờ các biện pháp  tuyên truyền, cũng như việc tập huấn, hướng dẫn của các dự án, người dân xã Tống Trân đã thực hiện việc phân loại CTR tại nguồn. Ngoài ra cán bộ xã thường xuyên phối hợp với người dân để vệ sinh đường làng, ngõ xóm, ngoài ra còn trồng cây bên đường để tạo cảnh quan, bóng mát.

    Các đoàn thể như Hội phụ nữ, Nông dân, cựu chiến Binh thực hiện tốt công tác thu gom rác thải, hướng dẫn vận động nhân dân không xả thải, đổ rác ra môi trường, giữ gìn cảnh quan thôn, xóm. Mô hình sử lý và phân loại rác thải tại nguồn vẫn tiếp tục duy trì với  1083 hộ tham gia, mô hình đào hố phân loại xử lý rác thải đạt 78%.

    Quy trình xử lý CTRSH tại xã: CTRSH phát sinh từ các hộ gia đình sẽ được phân loại tại nguồn thành  CTR hữu cơ và CTR vô cơ. Phần CTR hữu cơ được các hộ gia đình ủ tại vườn trong các hố đào, sau một thời gian phân hủy thì CTR này sẽ được tận dụng để làm phân bón cho cây trồng. Phần CTR vô cơ khó phân hủy sẽ được các hộ thu gom vào các thùng chứa. Sau đó CTR tiếp tục được đưa ra xe đẩy tay dung tích khoảng 600 lít với tần suất thu gom 2 lần/tuần. Rồi CTR được vận chuyển ra 4 điểm tập kết trên địa bàn xã.

    Toàn xã có 4 điểm tập kết CTR gồm 1 bãi ở thôn An Cầu, 1 bãi ở thôn Trà Dương và 2 bãi ở thôn Võng Phan. Xã có 12 người tham gia thành 3 tổ đội thu gom rác thải ở 3 thôn thường xuyên tổ chức thu gom

    Hàng năm, CTR ở những bãi tập kết này được vận chuyển ra bãi chôn lấp chung của tỉnh Hưng Yên.

c. Kinh phí

    Hiện tại, đơn giá thu gom trên địa bàn của tỉnh Hưng Yên căn cứ theo Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên ngày 13/10/2017 về việc ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Bãi tập kết rác ở thôn Trà Dương

    Theo Mục 1.3 của phụ lục Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND, thì hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn các xã còn lại trên địa bàn các huyện mức thu là 3.000 đồng/khẩu/tháng. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn xã mới chỉ thu kinh phí cho việc thu gom CTR là 30.000 đ/hộ/năm. Kinh phí trên dựa trên căn cứ thực tế của địa bàn xã, cũng như trên cơ sở lấy ý kiến của đa số người dân trên địa bàn xã. Việc thu phí thu gom CTR có sự tham gia phối hợp của Hội phụ nữ trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã do mật độ dân cư thưa thớt, lên nhiều hộ gia đình vẫn đóng bao rác vứt ra đường,  gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Kinh phí thu từ các hộ gia đình cho việc thu gom thấp, dẫn đến thu nhập của người thu gom sơ cấp rất thấp chỉ vài trăm nghìn/tháng, tuy nhiên công việc thu gom sơ cấp không phải là việc làm toàn thời gian chỉ 2 lần/tuần. Ngoài ra, tỉnh cần hỗ trợ việc thu gom CTR đều đặn hàng năm từ điểm tập kết ra đến khu xử lý tập chung, để giảm sự ô nhiễm cũng như gây quá tải tại các điểm tập kết.

3.2. Xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

a. Đặc điểm chung

    Hải Minh là một xã của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Xã nằm ở phía Đông Nam TP. Nam Định, cách trung tâm Thành phố Nam Định 24 km theo đường chim bay. Phía bắc và phía tây giáp sông Ninh Cơ và huyện Trực Ninh, phía tây nam giáp xã Trực Đại, phía tây bắc giáp xã Trực Thanh, phía bắc giáp xã Trực Đạo, phía đông bắc giáp thị trấn Cát Thành, phía đông giáp với xã Hải Anh. Dân số của xã hiện tại gần 20.000 dân, chia làm 26 thôn xóm. Kinh tế của xã Hải Minh khá đa dạng, gồm nông nghiệp (trồng lúa), đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, mây tre đan xuất khẩu và nghề cây cảnh. Nghề chủ lực của xã là đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp.

    Xã khuyến khích tạo điều kiện cho ngành nghề truyền thống phát triển, mở rộng nghề sản xuất đồ gỗ, đan bẹ chuối, sản xuất gạch tuynel, dệt may...

b. Hiện trạng thu gom, vận chuyển, xử lý

    Hiện tại, trên địa bàn xã chưa thực hiện việc phân loại CTR tại nguồn. Trên địa bàn xã có đầu tư 1 khu xử lý, trong đó có 1 lò đốt để xử lý CTR phát sinh trên địa bàn. Trên địa bàn xã có 3 xe chuyên chở CTR dung tích mỗi xe khoảng 2 m3. Trung bình một ngày có 4-5 chuyến vận chuyển ra bãi xử lý. Việc thu gom xử lý CTR trên địa bàn xã do 2 tổ quản lý, 1 tổ thu gom vận chuyển và 1 tổ xử lý rác

    CTR phát sinh từ các hộ gia đình hàng ngày sẽ được tổ thu gom vận chuyển rác thu gom bằng các xe chuyên dụng, có dung tích 2m3, sau đó CTR được vận chuyển ra thẳng bãi xử lý chung của xã. Tại đây thì tổ xử lý CTR sẽ phụ trách, những CTR có thể tái chế được sẽ được tách ra để bán, phần còn lại sẽ được đưa vào lò đốt. Hiện tại, xã được trang bị 01 lò đốt với  công suất khoảng 500 kg/h để xử lý CTR trên địa bạn.

c. Kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý

    UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 ban hành quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Nam Định.

Bãi xử lý của xã Hải Minh

    Mức thu trên địa bàn xã là 8.000 đồng/người/tháng. Độ tuổi thu phí từ 1 - 70 tuổi, những hộ đi vắng từ 6 tháng trở lên thì không tiến hành thu phí. Kinh phí do xã đứng ra tổ chức thu, kinh phí thu được sẽ dùng để chi trả 50% cho vận chuyển CTR và 50% còn lại cho việc vận hành bãi xử lý, lò đốt rác. Thu nhập trung bình của người xử lý CTR trên địa bàn xã khoảng 3.500.000 đồng/tháng.

    Khó khăn:

+ Hiện tại bãi xử lý CTR của xã đang quá tải

+ Nhà nước đã hỗ trợ tiền mua lò đốt, sửa chữa lò đốt, tuy nhiên chưa có chính sách hỗ trợ nào khác

+ CTR không được phân loại tài nguồn mà thu gom tập trung, sau đó mới phân loại tại chỗ xử lý, gây khó khăn cho nhân công

+ Kinh phí thu được từ người dân tương đối thấp, hiện tại kinh phí thu được dùng để chi trả cho cả việc thu gom và xử lý.

+ Việc thu phí của các hộ gia đình cũng tương đối khó khăn, có thể thu phí chung với tiền điện, tiền nước,... sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn và giảm chi phí quản lý.

3.3. Xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

a. Đặc điểm chung

    Cẩm Lạc là một xã thuộc huyện Cẩm Xuyên. tỉnh Hà Tĩnh. Xã Cẩm Lạc có diện tích 38,77 km², dân số năm 1999 là 6.048 người, mật độ dân số đạt 156 người/km². Xã Cẩm Lạc có 12 thôn: Đinh Hồ, Đinh Phùng, Hoa Thám, Hưng Đạo, Lạc Thọ, Nam Hà, Nam Văn, Quang Trung I, Quang Trung II, Trần Phú, Trung Đoài, Yên Lạc.

b. Hiện trạng thu gom, vận chuyển, xử lý

    Tình hình quản lý CTRSH của xã tương đối tốt. Người dân tại xã đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Phương pháp phân loại, thu gom rác thải, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rác thải tại hộ gia đình, giúp giảm thiểu lượng rác thải cần chôn lấp, hạn chế rác thải nhựa, xây dựng hố xử lý rác phân vi sinh...

    Ngoài việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, các ban ngành đoàn thể của xã cũng tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của chất thải nhựa, tạo chuyển biến tích cực trong hành động thu gom rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, tích cực sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hình thành thói quen cho người dân phân loại rác tại hộ gia đình. Đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng trong sản xuất nông nghiệp...

c. Kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý

    Hiện tại, UBND xã làm đầu mối đứng ra quản lý CTRSH. Trên địa bàn xã không có người thu gom sơ cấp. CTR sau khi được phân loại tại hộ gia đình thì CTR hữu cơ sẽ được người dân tận dụng cho chăn nuôi, hoặc ủ thành phân trong những hố xử lý được xây dựng trong vườn. Phần CTR vô cơ sẽ được thu gom định kỳ vào các ngày mồng 9; 19; 29 hàng tháng. Vào những ngày này, UBND xã đứng ra thuê đơn vị chuyên chở với xe cuốn ép với tải trọng 7 – 10 tấn đến tận thôn thu gom (mỗi thôn có khoảng 4 điểm thu gom), CTR sau đó được xe vận chuyển lên bãi xử lý chung của Thành phố Hà Tĩnh.

    Đối với CTR khác như chai gạch đá, chai lọ thủy tinh thì được thu gom vào ngày 29 hàng tháng và vận chuyển ra bãi tập kết chung của xã. Tỷ lệ thu gom CTR của xã đạt trên 90%. Việc phân loại tại nguồn cũng làm giảm đáng kể lượng CTR phải thu gom xử lý.

    UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

    Theo Quyết định trên thì gồm có 3 mức thu: Hộ 1 – 2 người 9.000 đồng/hộ/tháng, hộ từ 3 – 4 người 21.000 đồng/hộ/tháng, hộ từ 5 người trở lên là 30.000 đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, xã đang thu của các hộ dân: Đối với nhà có 1-2 khẩu: 9.000 đồng/hộ/tháng, hộ có từ 3 – 4 khẩu: 15.000 đồng/hộ/tháng, đối với hộ có 5 người trở lên là 21.000 đồng/hộ/tháng.

Bãi tập kết của xã

    Hiện nay, do không phải chi trả cho công đoạn trung gian (thu gom sơ cấp), mà chỉ phải chi trả cho công đoạn vận chuyển từ xã lên bãi xử lý tập chung của thành phố, lên kinh phí thu được từ các hộ dân đảm bảo được việc chi trả cho việc vận chuyển thứ cấp.

4. Kết luận

    Đối với xã Hải Minh thì tính đô thị hóa khá cao, diện tích đất nông nghiệp không còn nhiều. Trên địa bàn xã chưa thực hiện việc phân loại CTR tại nguồn, mà thu gom chung các CTR phát sinh, rồi thực việc phân loại, xử lý CTR bằng phương pháp đốt tại bãi xử lý ngay trên địa bàn xã. Việc xử lý bằng Phương pháp  đốt có làm giảm thể tích CTR, tuy nhiên lò đốt này có công suất nhỏ, do đó rất khó để đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường như: quan trắc môi trường, xử lý nước thải rò rỉ từ khu lưu trữ CTR… Kinh phí dành cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chỉ từ nguồn thu của các hộ dân trong xã, mà không có sự hỗ trợ của nhà nước, do đó việc đảm bảo thu nhập cho người lao động cũng như đảm bảo cho việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của bãi xử lý là rất khó khăn.

    Tại địa bàn xã Cẩm Lạc, xã Tống Trân, đã cơ bản thực hiện tốt việc phân loại tại nguồn, do đó làm giảm đáng kể lượng rác phải xử lý. Xã Tống Trân có thành lập tổ thu gom sơ cấp để thu gom CTR từ hộ gia đình ra khu tập kết chung của xã. Xã Cẩm Lạc không thành lập tổ thu gom sơ cấp, mà thực hiện thu gom CTR trực tiếp từ các hộ dân lên xe cuốn ép, rồi vận chuyển thẳng ra khu xử lý chung của tỉnh. Mô hình này có ưu điểm là tích kiệm được rất nhiều chi phí, không phải chi trả cho việc thu gom sơ cấp, kinh phí thu được từ các hộ dân được chi trả cho việc vận chuyển từ xã lên khu xử lý chung của thành phố. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đây là hai xã thuần nông, người dân có chăn nuôi và có vườn... nên có thể tận dụng được CTR hữu cơ cho chăn nuôi hoặc có diện tích đất để làm hố ủ, tận dụng để làm phân bón.

     Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của xã Cẩm Lạc tương đối tốt, đường đã được thảm nhựa đường hoặc bê tông hóa, lên xe cuốn ép có thể đi vào được các điểm thu gom ở các tổ dân trong địa bàn xã. Đây là mô hình quản lý CTR tương đối ưu việt, các xã nông thôn nên tham khảo và áp dụng cho địa bàn của mình.

    Nhà nước cần có những chính sách, định hướng như tạo cơ chế, điều kiện cho các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý phối  hợp, hỗ trợ người thu gom sơ cấp, hoặc nhà nước có chính sách mua bảo hiểm Y tế cho người thu gom sơ cấp, tạo thêm thu nhập, động lực cho người dân tham gia vào việc thu gom sơ cấp, do kinh phí thu được từ người dân chi trả cho người thu gom sơ cấp còn rất thấp so với mặt bằng thu nhập ở địa phương.

    Như vậy có thể thấy, việc phân loại CTR tại nguồn ở khu vực nông thôn sẽ làm giảm đáng kể lượng CTR phải xử lý, cũng như giảm áp lực cho việc phân loại, xử lý CTR tại các bãi xử lý. Việc thu gom thẳng CTR lên xe cuốn ép bỏ qua khâu trung gian (thu gom sơ cấp bằng xe đẩy tay) cũng tiết kiệm được chi phí và tăng hiệu quả quản lý CTR.

    Đối với phần xử lý CTR thì cơ quan quản lý cần quy hoạch những  những bãi, khu xử lý CTR tập chung với quy mô liên vùng (huyện, liên huyện…) để việc đầu tư xử lý được bài bản, đáp ứng, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn, tiêu chuẩn ký thuật môi trường. Việc quy hoạch, xử lý CTR tập chung sẽ giúp cơ quan nhà nước  thuân lợi hơn trong việc quản lý, giám sát, thu thập dữ liệu về CTR.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2020 của xã Tống Trân, huyện Phủ Cừ, tỉnh Hưng Yên.

2.  Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2020 của xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

3.  Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2020 của xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Mai Quang Tuấn

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2021)

 

RESEARCH ON RURAL WASTE MANAGEMENT MODEL IN  CAM LAC COMMUNE - HA TINH PROVINCE, HAI MINH COMMUNE -  NAM DINH PROVINCE AND TONG TRAN COMMUNE - HUNG YEN PROVINCE

Mai Quang Tuấn1

1Hanoi University of Natural Resources and Environment

Abstract

     Along with the development of rural Vietnam, more and more MSW is generated from households. If the management is not good, it will lead to pollution, affecting human health and the living environment. This study evaluates the advantages and disadvantages of MSW management models in three rural communes located in three different provinces. Model of MSW management in Cam Lac commune - Ha Tinh province, Hai Minh commune - Nam Dinh province and Tong Tran commune - Hung Yen province.

Keywords: Rural solid waste management, solid waste management.

 

Ý kiến của bạn